Ngài Ca Diếp cùng với 500 vị Tỳ kheo đến tại thôn Tư Bà Hê xứ Cấu Tát La, dừng nghỉ ở giữa rừng Thi Xá Bà. Thôn ấy do một vị Bà-la-môn tên Tệ Túc làm chủ và vị này thường hay giảng giải cho mọi người rằng không có đời sau, và cũng không sanh trở lại, không có quả báo thiện ác.
Khi nghe tin ngài Ca Diếp đến, dân trong thôn kéo nhau rất đông đến chiêm bái ngài. Tệ Túc thấy vậy cũng cùng với dân trong thôn đến yết kiến. Lúc đến nơi, Tệ Túc liền xuống xe, hỏi thăm rồi ngồi một bên. Còn các người trong thôn, người thì đến lễ bái ngài rồi mới ngồi; có người tự xưng tên rồi mới ngồi; có người chắp tay vái rồi ngồi; có người yên lặng mà ngồi.
Lúc bấy giờ, Tệ Túc nói với ngài Ca Diếp rằng:
– Theo ý tôi, thời không có đời sau, cũng không có sanh lại, cũng không có quả báo tội phước. Vậy ý ngài thế nào?
Ngài Ca Diếp đáp:
– Tôi nay hỏi ông: mặt trời, mặt trăng là đời này hay là đời khác? Là thuộc về trời hay thuộc về người?
– Mặt trời, mặt trăng là đời khác, là thuộc về trời.
– Như vậy tất rõ, có đời khác, có quả báo thiện ác.
– Tôi chưa tin như vậy. Vì rằng tôi có một người thân thích đau nặng sắp chết. Tôi đến nói rằng: “Các vị Sa-môn nói những ai làm mười điều ác thì sau khi chết bị đọa vào địa ngục. Tôi không tin vì tôi chưa từng thấy có ai sau khi chết rồi lại trở lên nói cho tôi biết chỗ họ bị đọa lạc như thế nào! Nay ông là người thân tín của tôi, ông lại tạo đủ mười điều ác. Theo lời các vị Sa-môn, ông thế nào cũng đọa địa ngục. Vậy nếu thiệt có địa ngục và ông thiệt bị đọa lạc, ông hãy lên nói lại cho tôi tin.” Nhưng từ khi ông ấy bị chết đến nay, ông chưa trở lại báo tin cho tôi biết gì cả. Ông ấy là người thân tín của tôi, chưa bao giờ thất tín với ai, cho nên tôi tin chắc rằng không có đời sau.
– Tôi sẽ dùng ví dụ cho ông rõ. Như có người ăn trộm bị bắt phải chịu ngục hình. Người ăn trộm liền lấy lời dịu ngọt, xin người giữ ngục cho về thăm bà con thân thích, rồi sẽ về chịu tội sau. Vậy ý ông nghĩ sao? Người giữ ngục có bằng lòng không?
– Không, người giữ ngục không thể bằng lòng được.
– Nay đây cũng vậy. Người thân tín của ông làm đủ 10 điều ác, chết bị đọa địa ngục thời dầu có xin trở lại trên đời để tạm thăm bà con, thời kẻ giữ ngục không bao giờ cho được. Vì kẻ giữ ngục không thuộc về loài người, lại không có lòng từ bi, sống chết lại khác đời nhau. Như vậy rõ ràng có đời sau, sao ông còn không tin?
– Tôi cũng chưa tin. Vì rằng tôi có một người thân tín đau nặng sắp chết. Tôi đến nói rằng: “Các vị Sa-môn nói những ai làm 10 điều thiện, sau khi chết được sanh lên cõi trời. Tôi không tin vì tôi chưa từng thấy có ai làm 10 điều thiện sau khi chết rồi lại trở lên nói cho tôi biết quả báo cõi trời như thế nào? Nay ông là người thân tín của tôi, ông lại làm đủ 10 điều thiện. Theo lời các vị Sa-môn ông thế nào cũng được sanh lên các cõi trời. Vậy nếu thiệt có cõi trời và thiệt ông được sanh lên cõi ấy, ông hãy xuống nói lại cho tôi tin.” Nhưng từ khi ông ấy chết đến nay, ông chưa trở lại báo tin cho tôi biết gì cả. Ông ấy là người thân tín của tôi, chưa bao giờ thất tín với tôi, cho nên tôi tin chắc rằng không có đời sau.
– Tôi nay dùng ví dụ cho ông rõ. Như có người bị rơi trong nhà xí, cả đầu và chân đều bị chìm ngập nhớp nhúa vô cùng. Vua sai người kéo lên, lau rửa sạch sẽ lấy nước thơm tắm gội, dùng bột hương xoa cùng thân, lại biểu thợ đến cắt tóc cạo râu. Vua sai tắm rửa ba lần như vậy, rồi lấy y phục rực rỡ cho mặc, đem trăm vị ngon lành cho ăn, rồi đưa đến ở trong nhà cao rộng, cho hưởng năm trăm món dục lạc. Vậy người ấy có ưng trở lại trong nhà xí không? Lẽ dĩ nhiên là không. Cái cõi trời cũng như vậy. Cách cõi Diêm Phù Đề đến 100 do tuần, nhưng cho cõi Diêm Phù Đề ô uế chẳng khác nhà xí. Người thân tín của ông đã tu 10 điều thiện, thế nào cũng sanh lên các cõi trời, được hưởng 5 món dục lạc đầy đủ sung sướng vô cùng. Vậy người ấy có chịu trở lại cõi Diêm Phù Đề nữa không? Lẽ dĩ nhiên là không. Vậy ông đủ rõ là có đời khác nữa, sao ông còn chấp trước tà kiến của ông?
– Tôi cũng chưa tin. Vì tôi có người thân tín đau nặng sắp chết. tôi đến nói người ấy rằng: “Các vị Sa-môn nói những ai giữ trọn 5 giới thời sau khi chết được sanh lên cõi trời Đao Lợi. tôi không tin vì tôi chưa từng thấy có ai giữ 5 giới sau khi chết rồi trở lên nói cho tôi biết chỗ thác sanh như thế nào. Nay ông là người thân tín của tôi, ông lại giữ trọn 5 giới. Sau khi ông từ trần, thế nào cũng được sanh lên cõi Đao Lợi. Vậy nếu thiệt có cõi Trời và thiệt ông được sanh lên cõi ấy, ông hãy xuống nói lại cho tôi tin.” Nhưng từ khi ông ấy chết đến nay ông chưa trở lại báo tin cho tôi biết gì cả. Ông ấy là người thân tín của tôi, chưa bao giờ sai lời hứa một lần nào, cho nên tôi tin chắc rằng không có đời sau.
– 8 cõi Diêm Phù Đề 100 năm bằng một đêm một ngày ở cõi Đao Lợi. Người kia được sanh lên cõi Đao Lợi nghĩ rằng mình nên hưởng những sự sung sướng ở cõi Trời này hai ba ngày, rồi sau sẽ về tin lại cũng được. Như ba ngày ở cõi Đao Lợi bằng 300 năm ở cõi Diêm Phù Đề, ông khi ấy đã chết rồi, làm sao còn gặp người thân tín của ông?
– Tôi cũng chưa tin. Ai nói cho ngài biết rằng ở cõi trời Đao Lợi, chúng sanh thọ mạng như vậy?
– Tôi sẽ dùng thí dụ cho ông rõ. Như có người mới sanh ra đã mù, không biết được 5 món chánh sắc, không thấy mặt trời, mặt trăng, núi sông, hang ngòi. Nếu có ai nói có 5 chánh sắc, có mặt trời, mặt trăng, núi sông, hang ngòi, người ấy cứ khăng khăng nói rằng không có, thời thật là vô lý.
Ông nay cũng vậy. Trên cõi Đao Lợi, sự thọ mạng là như vậy, ông tự không thấy, lại cho là không có, thật là vô lý.
– Tôi cũng chưa tin. Có người trong thôn phạm tội làm giặc. Tôi bắt được, đem bỏ vào cái nồi thật lớn, lấy đấy dày bao bít xung quanh không cho một lỗ hở nào. Rồi tôi sai người dùng lửa đốt. tôi muốn tìm thử coi linh hồn của người làm giặc ấy thoát ra chỗ nào, tôi cũng không thấy. Vậy nên tôi không tin có đời sau.
– Ông ở lầu cao, chắc cũng nằm ngủ mộng thấy núi non, sông ngòi, vườn ao. Khi ông nằm mộng thấy như vậy thời những kẻ hầu hạ ông có thấy thức thần của ông ra vào không? Ông còn sống mà không thể thấy thần thức được, huống nữa là sau khi ông đã chết. Chỉ riêng các vị Sa-môn nhờ định lực tu hành chứng được thiên nhãn mới có thể thấy được chúng sanh sau khi chết, tùy theo nghiệp riêng thần thức thác sanh vào các cõi. Còn cặp mắt ô trược của ông, thời làm sao thấy được. Vậy nên biết có đời sau.
– Tôi cũng chưa tin. Có người trong thôn phạm tội làm giặc. Tôi bắt được, sai người lột da để tìm thần thức mà cũng không thấy. Tôi sai người cắt thịt để tìm thần thức, cắt gân mạch, giã xương tủy để tìm thần thức, nhưng tôi tìm không thấy. Do vậy tôi tin rằng không có đời sau.
– Tôi sẽ dùng thí dụ cho ông rõ. Như có một nước còn sơ khai hoang dại. Có 500 người đi buôn, đến trú một khu rừng có một vị Phạm Chí thờ lửa. Sau đó khi đi, bỏ lại một đứa con nít một tuổi. Vị Phạm Chí liền đem về nuôi cho đến lúc 10 tuổi. Một hôm người Phạm Chí có việc đi xa, giao cho đứa con nít giữ ngọn lửa thờ đừng cho tắt. Nếu có tắt thì chà xát cây khô để lấy lửa. Đứa con nít vì ham chơi nên để ngọn lửa thờ tắt, liền lấy búa bửa củi để tìm lửa mà cũng không thấy. Vị Phạm Chí về thấy vậy, liền dùng cây khô chà xát thời được lửa đỏ, về dạy đứa con nít không nên bửa củi hay dùng cối mà giã nhỏ để tìm lửa.
– Ông cũng như vậy. Ông muốn chặt tử thi người chết mà tìm thức thần thời không thể được. Chỉ riêng các vị Tỳ-kheo tu hành tinh tấn chứng thiên nhãn mới có thể thấy chúng sanh sau khi chết phải đi đầu thai như thế nào. Ông không thể dùng con mắt thịt của ông mà thấy chỗ thác sanh của mọi loài được. Vậy ông nên biết có đời sau.
– Tôi cũng chưa tin. Có người trong thôn làm giặc bị bắt. Tôi sai đem cân sống người ấy. Rồi tôi bảo đem giết người ấy đi nhưng giữ không cho phạm đến da thịt và khi đã chết, tôi sai đem cân thì thấy rằng thân người chết nặng hơn. Người kia khi còn sống, còn có thức thần, nhan sắc tươi đẹp, đem cân lại nhẹ. Đến khi chết không có thức thần, không có nhan sắc, đem cân lại nặng. Như vậy tôi rõ không có đời sau nữa.
– Tôi nay hỏi ông. Ông lấy miếng sắt nguội đem cân, rồi nung đốt miếng sắt ấy đem cân lại. Miếng sắt nóng có quang sắc, nhu nhuyến mà nhẹ. Miếng sắt nguội không có quang sắc, cứng rắn mà nặng hơn. Thân người cũng vậy. Khi sống có nhan sắc nhu nhuyến mà nhẹ. Khi chết không có nhan sắc, cứng rắn mà nặng hơn. Như vậy tất có đời sau.
– Tôi cũng chưa tin. Tôi có người thân tín, đau bệnh rất nặng. Tôi đến bên người ấy, khiến đỡ nằm bên hông phải, người ấy trở qua trở lại, xem ngó như thường. Tôi lại khiến nằm bên tả, người ấy nằm sấp nằm ngữa, xem ngó nói năng như thường. Rồi người ấy thở hơi cuối cùng. Tôi bảo đỡ người ấy nằm bên trái, bên mặt, người ấy không còn trở qua trở lại, xem ngó nửa. Do đó tôi biết không có đời sau.
– Tôi nay thí dụ cho ông rõ. Xưa nay có một nước chưa bao giờ nghe tiếng còi. Lúc bấy giờ, có người thổi còi rất giỏi đến tại nước kia, thổi nghe ba lần rồi đặt còi dưới đất. Người trong nước lấy làm quái lạ liền hỏi tiếng gì lạ vậy và do đâu mà có. Người thổi còi chỉ cái còi mà nói: “Đó là tiếng còi này vậy.” Những người xem liền lấy tay đụng cái còi và nói rằng: “Ngươi hãy lên tiếng, ngươi hãy lên tiếng đi!” Nhưng cái còi im lặng không kêu; người chỉ liền cầm còi, thổi lên ba lần tiếng nghe rất hay. Như vậy tiếng kêu không phải do tự cái còi mà cần phải có tay cầm, miệng thổi và thổi hơi, còi mới kêu lên tiếng. Con người cũng vậy. Phải có thọ mạng, có thần thức, có hơi thở ra vào, con người mới trở qua trở lại, xem ngó, nói năng. vậy ông nên bỏ tà kiến để khỏi phải ngày đêm tự tăng sự khổ não.
– Tôi nay không bỏ đâu; là vì từ khi tôi sanh ra, ngày đêm tụng đọc rèn tập đã lâu ngày rồi nên nay không thể bỏ đặng.
– Tôi nay sẽ dùng ví dụ cho ông rõ. Như có hai người cùng đi kiếm đồ vật, một người có trí, một người ngu mê. Giữa đường thấy được cây gai, hai người liền lấy mỗi người mỗi bó mà vác đi. Đi một lát, lại thấy được dây gai, người có trí thấy dây gai quý và tiện hơn, bèn bỏ cây gai lại mà lấy dây gai. Người ngu nghĩ bụng đã tốn công buộc cây gai lại mà nay bỏ lại thì tiếc, nên không chịu lấy dây gai. Đi một lát nữa, lại được vãi gai. Người có trí liền bỏ dây gai và lấy vải gai vác đi. Người ngu thời sợ uổng công buộc cây gai, nên cứ khăng khăng giữ cây gai như cũ. Lần nữa gặp được vải quyến, vải bạch điệp, bạch đồng, bạch ngân rồi đến được vàng quý. Lần nào người có trí cũng bỏ vật mình giữ cũ, đổi lấy vật mới quý và tiện hơn. Còn người ngu thì cứ khăng khăng ôm lấy cây gai. Cuối cùng người có trí đem được vàng quý về nhà, được thân thích đón mừng hoan nghênh và tự mình thấy vui vẻ thỏa mãn. Còn người ngu kia đem bó gai về, bà con thân thích không ai vui lòng, cũng không ai đón tiếp và tự thấy khổ não khó chịu. Ông chớ nên khăng khăng ôm giữ tà kiến cũ để rước khổ vào mình, thật chẳng khác kẻ ngu kia vì si mê mà chịu sự cực khổ.
– Tôi trọn đời cũng không bỏ chấp kiến của tôi. Vì rằng từ trước đến nay, tôi chỉ chuyên dạy chấp kiến ấy và tất cả vua chúa trong bốn phương đều biết danh tôi là chủ trương thuyết đoạn diệt.
– Tôi sẽ dùng ví dụ cho ông rõ. Có một đoàn lái buôn chở 1000 cỗ xe phải đi qua một cõi hoang vu rộng lớn, đoàn xe chở lương thực, củi, nước như không đủ cung cấp qua hết đường. Vị thương chủ liền chia làm hai đoàn, một đoàn đi trước, một đoàn đi sau. Đoàn đi trước gặp một người rất dị kỳ tới nói rằng: “Tôi từ một chỗ rất phồn thịnh giàu sang đến đây, chỗ ấy rất nhiều lương thực, củi nước. Vậy các ông hãy bỏ đồ vật thực các ông đem theo, để đẩy xe không theo tôi cho nhẹ, và tôi sẽ đưa các ông đến xứ đầy đủ giàu có kia.” Cả đoàn đi buôn nghe theo, bỏ đồ vật thực tại để theo người kia, nhưng đi ngày này qua ngày khác cũng không thấy gì, sau cùng cả đoàn đều bị chết đói. Đoàn thứ hai đi sau cũng gặp lại người kỳ trên, cũng nghe lại lời quyến rũ như trước. Nhưng đoàn đi buôn này không chịu bỏ vật thực ở lại vì nghĩ rằng cần phải đích thân tìm được lương thực, củi gạo đã, rồi mới chịu bỏ đồ cũ. Nhờ vậy mà khỏi bị người dị kỳ kia dụ dỗ và khỏi nạn chết đói.
Ông nay cũng vậy. Tất cả những ai nghe theo học thuyết của ông thời sẽ như đoàn người đi buôn thứ nhất, phải bị nguy hại. Còn những ai nghe theo lời các vị Sa-môn trí tuệ sáng suốt thời ngày đêm được an tịnh sung sướng, như đoàn đi buôn thứ hai nhờ có trí huệ mà thoát khỏi ách nạn.
– Tôi trọn đời cũng không chịu bỏ chấp kiến của tôi. Dầu có ai tới cưỡng bách tôi, thời chỉ làm tôi tức giận mà thôi, tôi trọn đời không chịu bỏ.
– Tôi sẽ dùng ví dụ cho ông rõ. Như có một nhà nuôi heo đi gặp đống phân khô, bèn lấy lá gói lại, đội trên đầu mà về để cho heo nhà ăn. Giữa đường gặp mưa, phân gặp nước chảy từ đầu đến chân, nhớp nhúa, thối tha vô cùng. Mọi người thấy vậy đều chê cười và cho là điên rồ. Người kia tức giận mắng rằng: “Các ông thật là si mê. Các ông sao lại không biết nhà tôi có nuôi heo và cần có phân này đem về để cho ăn.”
Ông nay cũng vậy, nếu ông cứ chấp trước ác kiến của ông, thời sẽ như người ngu kia đội phân mà đi, đã bị mọi người chê, cười, rồi trở lại bảo mọi người là ngu si.
– Nếu ngài nói rằng làm điều lành được sanh lên cõi trời, chết hơn là sống, thời sao các ngài lại không lấy dao tự mổ hay uống thuốc độc mà chết đi?
– Tôi sẽ dùng ví dụ cho ông rõ. Xưa ở thôn Tư Bà Hê, có một vị Phạm Chí tuổi đã 120, có hai người vợ. Người đầu sanh được đứa con trai, người thứ hai đang có thai. Vị Phạm Chí bị bệnh mất, người con trai của vợ cả đòi lấy hết cả phần gia tài. Người vợ thứ nói rằng: “Hãy đợi cho tôi sanh con đã. Nếu tôi sanh con trai thời có quyền hưởng một phần gia tài. Nếu tôi sanh con gái, thời gia tài ấy trọn quyền của ông.” Nhưng người có con trai cứ đòi hỏi và bức bách quá, người vợ thứ bèn lấy dao sắc mổ bụng mình xem thử là con trai hay con gái, không ngời mình tự giết mình, lại giết luôn cả bào thai.
Ông nay cũng vậy. Ông đã tự giết ông, ông lại còn muốn giết mọi người với sự tà kiến của ông. Trái lại, các vị Sa-môn giới đức đầy đủ, trí tuệ sáng suốt, thời ở đời lâu chừng nào, càng đem sự an lạc cho chúng sanh từng nấy. Tôi nay lại lấy một ví dụ cuối cùng để cho ông rõ sự nguy hại của tà kiến. Xưa ở thôn Tư Bà Hê có hai người uống thuốc hoàn cùng nhau thi tài. Người thua cuộc hẹn người thắng cuộc ngày mai đến thử sức lại. Rồi người thua về nhà, đem hoàn thuốc tẩm thuốc độc, phơi cho thật khô. Ngày mai đem hoàn thuốc tẩm thuốc độc, giao cho người đánh thắng cuộc chơi trước. Người này vô tình nuốt hoàn thuốc độc phải bỏ mạng.
Ông nay cũng như vậy. Phải bỏ ngay tà kiến, chớ có khăng khăng chấp giữ mà tự hại mình, như người uống thuốc hoàn kia bị thuốc độc mà không biết.
Lúc bấy giờ người Bà-la-môn mới thưa rằng:
– Bạch tôn giả, khi ngài mới dùng ví dụ mặt trăng, tôi đã hiểu ngay, nhưng sở dĩ tôi hỏi qua gạn lại, là muốn cho tất cả mọi người thấy rõ tài biện bác của ngài. Và khởi phát chánh tín kiên cố. Tôi nay đã có lòng tín thọ, xin nguyện quy y với ngài.
Ngài Ca Diếp nói:
– Ông chớ quy y với tôi. Ông hãy quy y đức Phật, đấng vô thượng tôn, quy y Pháp và quy y Tăng.
Ông Tệ Túc liền vâng lời ngài Ca Diếp, quy y Tam bảo, xin làm vị Ưu Bà Tắc, thọ giữ 5 giới: Không sát sanh, không trộm cắp, không nói dối, không tà dâm, không uống rượu, và xin phát nguyện mở một đại thí hội để bố thí cùng khắp. Ngài ca Diếp nói rằng:
– Ông chớ có sát hại sanh linh, chớ có đập đánh tôi tớ trong khi lập đàn bố thí, vì như vậy không phải là tịnh phước. Cũng như đám đất hoang vu đầy sỏi đá chỉ sanh gai góc, bố thí mà sát sanh đánh đập và bố thí cho những hạng tà kiến, thời không phải là tịnh phước. Ông bố thí không sát sanh, không đánh đập, hoan hỷ thiết hội bố thí cho chúng thanh tịnh, thời sẽ được phước rất lớn. Cũng như ruộng tốt, đúng thời mà trồng cây, thời thế nào cũng có trái dùng.
(Phỏng dịch Kinh Trường a Hàm)
593 lượt xem
Tin khác
NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG GĐPTVN ĐỐI VỚI ĐẠI DỊCH COVID-19 Nhật Bảo – Nguyễn Đức Nguyên Thông ghi lại từ Pháp thoại của Hòa thượng Thích Thái Hòa đêm mùng 8…
Pháp thoại tuần lễ huân tu mùa Phật Đản phật lịch 2564 – dương lịch 2020 Mời các bạn xem lại clip hay và ý nghĩa nhân mùa Phật Đản của…
Trung Quán Luận được kiết tập trong Đại Chính tân tu Đại tạng kinh, tập 30, kinh số 1564 (T30n1564), được Cưu-ma-la-thập dịch sang Hán vào năm 409 từ nguyên văn tiếng Phạn do Bồ…
NGÀY THẾ TÔN THÀNH ĐẠO – MỘT KỶ NGUYÊN MỚI Ngày thành đạo của Đức Thế Tôn cách đây 26 thế kỷ, đã mở ra cho nhân…
BAN HƯỚNG DẪN TRUNG ƯƠNG GĐPTVN TỔ CHỨC GIẢI TRÌNH LUẬN VĂN BẬC LỰC LẦN THỨ 10 TẠI CHÙA THẬP THÁP DI ĐÀ – TỈNH BÌNH ĐỊNH Sáng ngày 16/11/2019…