NGƯỜI MÙ TỰ CAO VÀ NGƯỜI MÙ TỰ PHỤ.

Trong những buổi giảng pháp, có khi Đức Phật kể lại một tiền thân của Ngài hoặc của các vị Bồ Tát hay các đại đệ tử để giáo dục đại chúng, như chuyện “Con voi hiếu nghĩa” (mà ACE chúng ta, ai cũng biết), Đức Phật thuật lại để giáo dục: làm người phải biết hiếu với cha mẹ và giữ gìn chữ “tín” với mọi người. Đó cũng gọi là mẫu chuyện đạo vậy.

Đôi khi Ngài ví von, đưa ra một câu chuyện để cụ thể hóa một ý nghĩa thâm sâu, như chuyện “Năm người mù sờ voi”, ngụ ý rằng: chúng sanh vô minh không nhận rõ được sự thật mà còn cố chấp tự cao.

Câu chuyện có ghi trong “Đại bát niết bàn”:

Có một vị vua, mời 5 người mù đến bảo quan sát con voi rồi nói cho vua biết con voi như thế nào? Người sờ vào cái vòi bảo là: “vòi giống con đĩa khổng lồ”. Người sờ tai bảo là: “như cái quạt to tướng”. Người sờ chân cải lại: “giống như cái cột nhà”. Người sờ nhầm bụng thì bảo: “Tất cả đều không đúng, nó giống như một cái trống”. Người sờ ở đuôi: “Ồ, chính thật nó giống như cái chổi.”

Cứ vậy mà tranh cải, ai cũng tự cao, cho mình là hiểu biết hơn cả.
Nhưng đó mới nói đến “tự cao” còn có chuyện “người mù tự phụ (1)” nữa kia!
Trí tuệ của thế gian, dù có siêu việt đến đâu cũng không bao giờ là tuyệt đối. Trí tuệ theo Đức Phật, là trí tuệ chuyển hóa khổ đau để dần dần dứt hết đau khổ.

Một ví dụ (đã được nói đến trong kinh Pháp Hoa-phẩm V) về người tự phụ, kiêu mạng, cho rằng mình đã nắm được cái trí tuệ chân xác, tuyệt đối. Người Tây Tạng rất thích ví dụ này và diễn tả lại một cách ý nhị như sau:

Có một người mù bẩm sinh, ở riêng trong một cái phòng, dĩ nhiên có thấy được những gì chung quanh mình đâu! Thấy tội nghiệp, một thiện trí thức mách cho ông biết chung quanh ông có nhiều vật thể, vật dụng. Nhưng ông ta ngạo nghễ, phủ nhận: “Làm gì có chuyện đó”

Một lương y thượng thẳng thấy vậy thương xót, lên tận Hy Mã lạp sơn tìm tòi thảo dược hiếm quý về chữa mắt cho ông. Thuốc đã kiếm được, mắt ông được chữa lành. Nhưng thuốc ấy chỉ chữa đến một giới hạn thôi. Tầm nhìn vẫn còn bị ngăn cách.

Tuy vậy, khi nhìn được các vật quanh mình trong phòng, ông rất sung sướng mừng rỡ và lại rất hãnh diện, thốt lên rằng: “Nay tôi đã thấy, nay tôi đã biết tất cả mọi sự vật một cách đầy đủ và chính xác (có lẽ tầm nhìn còn giới hạn nên người ta chưa để ông ra khỏi phòng vì sẽ gặp tai nạn) thiện tri thức lại nói cho ông biết: “Đấy chỉ là một số đồ vật trong phòng thôi, quá ít ỏi. Bên ngoài còn có thể thấy mặt trăng, mặt trời, các tinh tú, núi sông, cảnh vật muôn màu, nhiều nhiều lắm.” Ông lại bảo: “Không thể có gì nữa ngoài những cái tôi đã thấy”. Vị lương y lần này bỏ rất nhiều thời gian, chịu nhiều khổ nhọc leo lên gần đỉnh Hy Mã lạp sơn để tìm thần dược. Cuối cùng thì cũng đạt ý nguyện, chữa cho ông ta sáng mắt hoàn toàn. Chữa bệnh xong lương y dẫn ông ta ra khỏi phòng để được nhìn thấy cảnh vật thiên nhiên, trời cao đất rộng và bao nhiêu hiện tượng khác. Ông ta hết nỗi vui mừng nói với mọi người: “Trước đây tôi không tin, giờ thì rõ ràng thấy được tất cả mọi sự vật rồi, không còn gì mà tôi không biết”. Lòng kiêu hãnh của ông ta lại càng tăng thêm, cái tự phụ theo đó lớn lên gấp bội, ông thét lớn: “giờ này thì không còn ai hơn tôi được nữa”.

Thấy vậy, một thiện tri thức lại nói với ông ta: “này bạn, khó khăn lắm bạn mới vượt khỏi mù lòa, còn chưa biết gì cả đâu. Khi tầm nhìn còn hạn hẹp lại bị giam hãm trong 4 bức tường không thể thấy các vật bên ngoài, bạn đã cho là thấy đủ, biết đủ. Nay, dù đã nhìn được mọi vật trong thiên nhiên nhưng vẫn thiếu những khả năng thượng đẳng-mà thật ra bạn vẫn có thể có được-nên chưa phân biệt được các loại có tri giác, có tình cảm với các loài vật sinh trưởng bằng sự đấu tranh, bạn chưa thể phân biệt được giọng nói con người với âm thanh của cái trống, cái kèn hay bất cứ một âm thanh nào cách bạn một khoảng ngắn. Bạn có nhớ được cái ngày còn ở trong bụng mẹ và những lý do nào bạn có mặt trong cuộc đời này không? Bạn ơi, còn có vô số thế giới khác nữa. Cái bạn thấy biết hiện tại chỉ là những hạt cát của sông Hằng mà thôi. Có gì mà tự phụ! Bạn vẫn còn mù lòa”

Ví dụ này chính Đức Như Lai nêu lên để giảng giải cho Ngài Ca Diếp, kẻ mù này khi sinh ra cũng là chủng loại hữu tình trong lục đạo, sự ngu dốt, tức vô minh làm cho nó đui mù. Vô minh khiến cho chúng tạo tác để tập thành các ý niệm, tức là Hành. Các hành này nảy sinh ra những cảnh trần hiển hóa của danh (tinh thần) và sắc (vật chất) trôi chảy như vậy mãi trong khổ đau. Đó là vòng dây chuyền liên tục trong lý Nhân duyên, đưa đến già và chết.

Lòng từ bi rộng lớn của Như Lai đối với chúng sanh là duy nhất nhưng do những khuynh hướng khác nhau của chúng sanh ta dạy đạo lý Tam thừa.

Các thứ dược thảo được nhào trộn chế thuốc chữa cho người mù là vô thường (bản tính vô thường của các uẩn) và sự thể hiện của Niết bàn (chấm dứt Luân hồi)

Khi vô minh tiêu diệt thì những ý niệm hiển hóa cũng không còn, do đó cả một khối khổ đau to lớn cũng biến mất”

Thánh trí là thế đó, cái gì chúng ta thấy biết chỉ là hạt cát của sông Hằng. Khi đã vào được thánh trí cũng phải dần dần khai mở để đạt đến “Trí tuệ Bát nhã”. Trên bước đường tu tuệ có điểm dừng nào đâu để cho ta tự phụ!

Trân trọng,
BBT

(1) Phỏng lược “Parabole de l’ aveugle présomptueux của
A. David_Neel và Lama Yonden” bản dích của thầy Tuệ Sĩ đăng trong nguyệt san Liên hoa số 2 năm thứ 12 (1966)

598 lượt xem