Thưa Anh Chị Em Áo Lam,

Cùng một câu nói, do một ngưòi nói ra, trong cùng một lúc ở cùng một nơi, thế nhưng người nghe có thể tiếp nhận hoàn toàn khác nhau. Đó là do căn cơ trình độ, tính tình, phản ứng v..v.. của mỗi người vốn không giống nhau. Xin nghe câu chuyện xưa nhưng rất lợi ích cho chúng ta làm đề tài suy gẫm.

Vào mùa Hạ thứ Chín, đức Phật ở tại Kosambi. Ngài quán sát thế gian, thấy có 2 vợ chồng ngưòi Bà La môn kia hội đủ duyên lành ; đời sống tinh thần và tâm linh phát triễn đầy đủ. Do vậy, với lòng từ bi, đức Phật muốn độ cho họ, ngài đi đến chỗ người Bà La Môn. Hai ông bà ngưòi BLM này say mê cốt cách quí phái và dáng dấp uy nghi của đức Phật, ngỏ ý muốn đức Phật lưu lại nơi này và làm con rễ của mình, vì ông bà có cô con gái rất xinh đẹp. Đức Phật, với ý định khai ngộ cho 2 ông bà nên đã mô tả cách ngài chế ngự dục vọng như sau:

Vì đã nhận ra Ái Dục, Bất Mãn và Tham vọng
Là ba người con gái của ma vương
Ta không thích thú trong dục lạc của ái tình
Cơ thể đầy ô trựơc này là gì ?
Ta không bao giờ muốn sờ chạm đến nó
Dù chỉ đụng chạm bằng chân

Nghe đến đây, hai vợ chồng người Bà La Môn liền chứng ngộ quả vị A na Hàm (hàng thánh thứ 3) ; nhưng cô con gái không hiểu, tưởng rằng đức Phật đang chưởi mắng, nhục mạ mình, xem thân thể đẹp đẽ hấp dẫn của mình là thứ dơ bẩn, ô trược không thèm ngó tới! thế là cô tức giận và rắp tâm trả thù.

Về sau, cô trở thành hoàng hậu của Vua Udena. Dựa vào uy quyền của hoàng hậu, bà ta sai người lớn tiếng chưởi mắng đức Phật và Tăng đoàn của ngài mỗi khi ngài vào thành Kosambi:

“Gotama, ông là tên trộm, là tên khờ dại là người điên cuồng, là con lạc đà, con bò, con lừa, là chúng sanh ở địa ngục, là thú vật! Ông không thể nào lên thiên đường được ! Ông chỉ có thể bị trừng phạt và đau khổ mà thôi!”

Tôn giả A Nan không chịu đựng nỗi những lời nhục mạ vị Thầy kính yêu của mình như vậy bèn thưa với đức Phật:

Bạch đức Thế Tôn, người ta đang chưởi rủa chúng ra rất thậm tệ, xin ngài hãy cho đi đến nơi khác.

_ Này Ananda, bây giờ ta nên đi đâu ?
_ Bạch đức Thế Tôn, đến một thành phố khác !
_ Nếu ở nơi ấy người ta cũng chưởi rủa và nhục mạ chúng ta như vậy thì chúng ta đi đâu nữa?
_ Bạch đức Thế Tôn, chúng ta lại đến một nơi khác nữa.
_ Này Ananda. Không nên nói như vậy. Nơi nào gặp chuyện khó khăn, chính nơi đó ta phải dàn xếp ổn thỏa, và chỉ khi dàn xếp xong ta mới có quyền đi nơi khác. Này Ananda, người cao thượng nhất là người có giới đức thuần thực, có thể chịu đựng những lời nguyền rủa.

Ngài nói tiếp: Như con voi chiến ở ngoài trận địa, hứng lảnh làn tên mũi đạn từ bốn phía dồn dập bắn tới.. .. , cũng như thế, ta phải chịu đựng những lời nguyền rủa chưởi mắng từ mọi nơi. Bởi vì phần đông sống không giới đức.

Thưa Anh Chị Em Áo Lam,

Cách đây hơn 2 ngàn 5 trăm năm, đức Phật và Tăng đoàn của ngài đã chịu những “oan trái” động trời như vậy rồi, thì hôm nay Thầy trò chúng ta có bị vu oan, nguyền rủa, chưởi mắng, v..v. cũng tốt thôi phải không, thưa ACE? 400 Tăng Ni sinh của Làng Mai không những bị chưởi rủa đánh đập mà còn bị đuổi đi mỗi vị mỗi ngã nữa! Làm chúng ta nhớ lại những ngày đen tối của tháng 8 năm 1963, chúng ta cũng bị vùi dập như vậy, với cả chó berger và lựu đạn acid nữa chứ ! Chúng ta noi gương đức Phật để đối diện với thực tế, xem đó là cơ hội để rèn luyện đức nhẫn nhục, chịu đựng, chờ khi ngọn lửa sân hận điên cuồng kia được một cơn mưa từ bi nào đó rưới tắt, lúc đó coi như chúng ta dễ dàng giải quyết ổn thoả mọi việc.

Đó là chuyện người ngoài chưởi mắng chúng ta ; còn nếu ACE chúng ta, vì sống thiếu giới đức mà gây gổ nhau thì sao ?? _ Chuyện này trong thời đức Phật còn tại thế cũng đã xảy ra rồi: đó là vụ tranh luận không lối thoát giữa hai nhóm tỳ kheo đệ tử Phật … đức Phật rất buồn thấy những mối bất hoà ngấm ngầm tiếp diễn trong Tăng đoàn, ngài bèn lẳng lặng rời khỏi Tịnh xá, ẩn dật trong rừng sâu, đó là vào mùa an cư thứ 10.

Sự ra đi của đức Phật làm cho mọi người bừng tỉnh, nhìn ra được những lỗi lầm của mình, thành tâm sám hối và Tăng đoàn lấy lại sức mạnh bằng sự đoàn kết bất khả phân.

Thân kính chúc Anh Chị Em tâm bình khí hoà, chịu đựng, nhẫn nhục để vượt qua những chướng ngại từ bên ngoài hay ngay tại tâm mình _ để mạnh tiến trên hành trình tiến về đất Phật.

Trân trọng,
Nhóm Áo Lam

509 lượt xem