Thưa Anh Chị Em Áo Lam,

Người Huynh Trưởng GĐPT chúng ta được giáo dục đạo Vô ngã từ khi còn ở tuổi thanh thiếu niên. Ví dụ, bài học về ngũ uẩn dạy chúng ta “cái gì làm nên “cái Tôi” hay “cái Ta” hay “cái tự ngã của ta” để chúng ta thấy rằng tất cả mọi người đều bình đẳng, vì đều là một tập hợp duyên khởi, không có tự tính độc lập, có đó (duyên hợp) và cũng có thể mất đó (duyên rã). Mục đích để đừng quá thương yêu “cái tôi” này mà làm hại “những cái tôi khác”. Tuy nhiên, khi nói đến “tự ngã” (self) chúng ta có thói quen nghĩ rằng “cái Tôi” là cái ta hiện tại, ít khi nghĩ rộng ra rằng “cái Tôi” đó, cái “Tự ngã” đó tồn tại trong dòng sống liên tục … Chúng ta hãy giới hạn lại trong một khoảng thời gian từ lúc 7 tuổi đến lúc 77 tuổi của một đời người. Chúng ta hãy trầm tư một chút về “cái Tôi” lúc 7 tuổi và cái tôi lúc 17 tuổi, rồi cái tôi lúc 77 tuổi .. là một hay là khác? Đây không phải là vấn đề mới lạ gì nhưng mãi mãi là một đề tài đáng cho chúng ta suy gẫm.

Thưa Anh Chị Em,

Câu chuyện 2 bà mẹ hứa hôn cho 2 đứa con đang còn nằm trong bụng mình nhưng sau này lớn lên 2 cô cậu này bảo rằng họ không phải là 2 cái bào thai trong bụng nữa, bây giờ họ là 1 thanh niên và một thiếu nữ v..v.. (tuy nhiên, mọi người đều biết rằng đó chính là 2 đứa trẻ tên A và B của 2 bà mẹ _ không thể chối cãi được) Tương tự như vậy, Na Tiên tỳ kheo cũng soi sáng thêm trong ví dụ 2 ngọn lửa của cùng một cây nến hồi đầu hôm và lúc gần sáng là một hay là khác? _ Thí dụ này cho chúng ta nhân rộng ra “cái tôi trong đời này” và “cái tôi trong đời sau” là một hay là khác? _ Đời sống ngắn ngủi của một con người không thể trả lời câu hỏi này được nên chúng ta phải nương nhờ cái thấy của đức Phật, để biết cái tôi trong đời này và “cái tôi” trong một kiếp xa xôi nào đó trong quá khứ không phải là một mà cũng không phải là hai, vì những hành vi mà “thân trước” đã gây nhân thì ngày nay thân này phải lảnh (gặt) quả _ nếu quả đã chín.

Trong Kinh Pháp Cú, bài kệ thứ 157 _ phẩm Tự Ngã _ đức Phật dạy:
Nếu biết yêu Tự Ngã
Phải khéo bảo vệ mình
Người trí trong 3 canh
Phải luôn luôn tỉnh thức

Và ngài kể câu chuyện của vua Vương Tử Bồ Đề (Bodhijarakumàra) nguyên nhân Phật nói Kệ này: Lúc đó nhà vua vừa xây xong một cung điện nguy nga lộng lẫy, vua đến cung thỉnh đức Phật và chư Tăng vào hoàng cung để cúng dường trai tăng. Nhà vua cho trãi một tấm thảm bằng gấm rất quí, rất dài, từ bên ngoài bậc thềm vào thẳng bên trong và phát lời nguyện rằng: nếu đức Phật giẫm chân lên tấm thảm này thì nhà vua sẽ có một hoàng nam (vì vua và hoàng hậu đã lớn tuổi rồi mà chưa có con cái gì cả). Khi đức Phật và Tăng đoàn đến, vua và hoàng hậu thân hành ra nghênh đón từ ngoài cổng, cung kính rước ngài vào. Đức Phật bước vào trong nhưng đến bậc thềm thì ngài dừng lại. Nhà vua ân cần thỉnh ngài bước lên tấm thảm nhưng ngài vẫn đứng yên, đưa mắt nhìn tôn giả A nan. Tôn giả A Nan hiểu được ý Phật, đến nói với nhà vua rằng: Xin cuốn tấm thảm lại thì đức Thế Tôn mới đi vào trong, nhà vua vâng lời. Sau buổi thọ trai, vua hỏi đức Phật: Bạch Thế tôn, sao lúc nãy ngài không bước lên tấm thảm gấm?” Đức Phật hỏi lại: Khi cho trãi thảm ra, đại vương có lời nguyện nào không? Nhà vua đáp: quả thật tôi có lời nguyện: “nếu đức Phật giẫm chân lên tấm thảm thì hoàng hậu của tôi sẽ sinh một hoàng nam”. Đức Phật bảo: Vợ chồng đại vương chẳng bao giờ có con được vì đó là quả báo của kiếp trước. Trong thời xa xưa, đại vương và hoàng hậu là 2 hành khách được sống sót trong một chuyến tàu đi biển gặp nạn; cả 2 người bị trôi giạt vào một hoang đảo. Để khỏi chết đói, họ đã bắt phá tất cả các tổ chim để lấy trứng ăn mà trong lòng không chút xót thương hay ân hận vì bất đắc dĩ mới phải sát hại lũ chim non vô tội sắp được chào đời. Khi được bình an trở về, họ cũng không chút ăn năn về hành động của mình, Do quả báo đó, ngày nay họ không có con cái. Rồi đức Phật nói lên bài kệ 157 trên đây:

Nếu biết yêu Tự Ngã
Phải khéo bảo vệ mình
Người trí trong 3 canh
Phải luôn luôn tỉnh thức

Thưa Anh Chị Em,
Vì vậy, chúng ta phải luôn tỉnh thức, không chỉ canh chừng trong 3 canh mà phải trong từng phút, từng giây… Canh chừng cái gì? _ Canh chừng thân, miệng, ý. Đừng làm việc ác, nói lời ác, suy nghĩ ác độc… làm hại ngưòi.Không phải ăn trứng chim, đi săn bắn mới mang tội sát sanh đâu, mà có khi chỉ một lời nói có thể làm hại người, xúc phạm người, cũng có thể giết một người hay nhiều người nữa.

Thân kính chúc Anh Chị Em thân tâm thường an lạc để có thể suy gẫm về Tự Ngã, Nhân quả, cũng như những lời dạy của đức Phật trong bài Kệ 157 này.

Trân trọng,
Nhóm Áo Lam

445 lượt xem