Thưa Anh Chị Em Áo Lam,

Bài học đầu tiên đức Phật đã giảng cho 4 anh em ông Kiều Trần Như về “4 Sự Thật cao thuợng” ( Tứ Diệu Đế ) chúng ta đã được học từ chương trình tu học ngành Thiếu rồi qua các Trại huấn luyện Lộc Uyển, A Dục v..v.. thế nhưng khi nói về Đạo đế _ con đường đưa đến chấm dứt Khổ _ chúng ta chỉ nhắc đến Bát Chánh Đạo mà không nói là “37 phẩm trợ đạo” như trong một bài Tứ diệu đế đầy đủ. Vì vậy, không ít Anh Chị Em trong chúng ta không biết 37 phẩm trợ đạo là những gì và nhiều Anh Chị Em lại còn thắc mắc tại sao là “năm Căn, năm Lực” mà không phải là 6 căn !   !!

_ Xin thưa, 5 Căn đây không phải là 5 giác quan ( mắt, tai, mũi, lưỡi, thân ) mà là 5 yếu tố có khả năng kiểm soát tâm = Tín căn, Tấn căn, Niệm căn, Định căn và Huệ căn.

Thưa Anh Chị Em,
Trước hết, xin kể ra cho đủ 37 phẩm trợ đạo _ là 37 món có khả năng giúp người tu đi đến chấm dứt khổ ; đó là:

Tứ niệm xứ (4)
Tứ nhiếp pháp (4)
Tứ Chánh Cần (4)
Ngũ căn (5)
Ngũ Lực (5)
Thất Bồ đề phần (7)
Bát Chánh Đạo (8)
(4×3 + 5×2 + 7 + 8 = 37)

Chúng ta đã học rất kỹ Tứ Niệm Xứ, Tứ Nhiếp Pháp, Tứ Chánh Cần và Bát Chánh Đạo, duy chỉ có Ngũ Căn, Ngũ Lực và Thất Bồ Đề phần là không có bài soạn riêng trong chương trình ngành Thiếu ; hôm nay Nhóm Áo Lam xin ghi lại phần giáo khoa của hai vấn đề này.

NGŨ CĂN (Indrya) như trên đã giới thiệu, là 5 yếu tố có khả năng kiểm soát được Tâm, thường đi chung với NGŨ LỰC _ Bala _ (Tín lực, Tấn Lực, Niệm Lực, Định Lực và Huệ lực.) là 5 năng lực tinh thần có khả năng chế ngự những tâm sở đối nghịch hay là 5 năng lực hùng mạnh, không bị những tâm sở đối nghịch làm lay chuyển. Hình dung 1 “trận chiến” thì Ngũ căn như 5 người giữ thành, cẩn mật trông chừng quân địch có thể xâm nhập vào còn Ngũ lực như 5 ông tướng tài giỏi, xông pha càn quét, tiêu diệt quân thù đối nghịch. Quân thù đây là: Ái dục, Giãi đãi, Lãng quên, Phóng dật, Si mê

Cũng có thể nói rằng chúng ta có 5 kẻ thù (5 chướng ngại ngăn cản chúng ta trên con đường tu tập _ 5 triền cái _) thì trong Tâm chúng ta cũng có 5 người bạn _ 5 năng lực hoàn hão, giúp chúng ta chống lại những phiền não đó _ đó là TÍN (Lòng Tin, Đức Tín), TẤN (Tinh Tấn, sự nổ lực), NIỆM (Chánh niệm tỉnh thức), ĐỊNH (tâm quân bình, không ham muốn, không chán ghét, trước những thăng trầm của cuộc đời, những thị phi của cuộc sống hằng ngày) và HUỆ (trí tuệ, không phải là kiến thức, là trí tuệ giải thoát, thấy được bản chất ảo mộng của tất cả sự việc ở đời => tâm luôn được bình thản, không dao động, không vướng mắc)

THẤT BỒ ĐỀ PHẦN (Saptabodhyanga) còn gọi là Thất Giác Chi = Bảy đức giác ngộ = 7 trạng thái của Trí tuệ tỉnh thức ; đó là: 1. Niệm, 2. Trạch pháp, 3. Tinh Tấn ; 4. Hỷ, 5. Khinh an, 6. Định, 7. Xả _ Mặc dù trong Thất bồ đề phần có 5 thứ mà chúng ta đã biết và nghe quen thuộc: Tinh Tấn, Niệm, Định, Hỷ, Xả. nhưng không phải hoàn toàn đồng nghĩa với những điều chúng ta đã biết, mà đây còn là những trạng thái mà những bậc giác ngộ đạt được nhờ tu tập. Qua tu tập Thiền, hành giả quán thân tâm mình để biết trong 7 chi phần giác ngộ ấy, mình đã đạt được những phần nào rồi, còn thiếu những phần nào. Và trong khi tu tập người ấy biết rõ ràng, phân biệt rõ rang (trạch pháp) những chi phần ấy khởi lên như thế nào, phát triển ra sao, đã đầy đủ, toàn vẹn chưa v..v..

Chúng ta tuy là hạng sơ học, chúng ta cũng có thể phân biệt được sự tinh tấn của mình như thế nào ? đã ổn định chưa hay lên xuống bất thuờng, cái niệm lực nơi mình (trình độ giữ gìn chánh niệm) đến đâu, khinh an (nhẹ nhàng, an lạc thảnh thơi) đến mức độ nào v..v.. ; nói cách khác, sự giác ngộ lớn hay nhỏ đều gồm đủ 7 yếu tố trên đây _ nên gọi là 7 chi phần giác ngộ.

Thân kính gởi lời chào tinh tấn trong tu học và tu tập, để Anh Chị Em chúng ta luôn giữ được tâm bình khí hoà, vượt qua mọi thử thách trên con đường hoằng dương Chánh Pháp của GĐPT chúng ta.

Trân trọng,
Nhóm Áo Lam

853 lượt xem