Thưa Anh Chị Em Huynh trưởng bốn phương,

Trong phẩm Tịnh Hạnh của Kinh Hoa Nghiêm, Bồ tát Văn Thù dạy chúng ta sửa đổi cách nhìn, nghĩa là sửa đổi những phản ứng của mình trước những hoàn cảnh. Hễ mắt nhìn thấy cái gì thì óc lập tức phản xạ, liên kết với những dữ kiện đã sẵn có … ví dụ thấy con rắn, lập tức nhảy ra xa, thấy xe chạy lại phía mình thì tránh v.v.. đó là những phản xạ tự nhiên về thân. Còn có những phản xạ tâm linh quan trọng hơn như gặp người mình ngưởng mộ, yêu mến … thì tim đập mạnh, cảm giác khoan khoái nhẹ nhàng, trái lại, gặp người không ưa hay chán ghét thì cảm thấy khó chịu, băng hăng bó hó, căng thẳng   Nói tóm lại, nếu chúng ta không biết điều chỉnh cái nhìn trở nên vô tư, bỏ ra ngoài sự yêu – ghét, lấy – bỏ thì chúng ta sẽ phiền não đau khổ do khó chịu hay căng thẳng (là stress đó !) của chính mình gây ra.

Như vậy, từ khi mở mắt ra đón chào một ngày mới cho đến khi nằm xuống giường để ngủ, chúng ta tiếp xúc với muôn ngàn cảnh sắc của cuộc đời, và có bấy nhiêu phản ứng, chúng ta phải làm sao để những phản ứng ấy đem lại an lạc cho mình và cho người chứ đừng để đưa đến phiền não, bệnh hoạn. Chúng ta đã từng dạy cho đàn em của mình những bài thi kệ nói lên lời nguyện vị tha của mình, ví dụ:

Múc nước để rửa tay
Xin nguyện cho mọi người
Có đôi bàn tay sạch
Gìn giữ trái đất này

Phần chúng ta, còn tiếp xúc với những cảnh sắc phức tạp hơn ví dụ như “ngũ dục” _ là đối tượng của dục vọng, tiền bạc, tửu sắc, hưởng thụ v..v.. và bài kệ chúng ta đã được đọc trong phẩm Tịnh Hạnh là:

Được hưởng ngũ dục,
Nguyện rằng chúng sanh
Nhổ mủi tên độc
Cứu cánh yên ổn

Đây chính là vấn đề rất thường nhưng rất đáng cho Anh Chị Em chúng ta suy gẫm quán chiếu để soi rọi lại mình từng ngày, từng giờ hay có thể từng giây phút … Thật vậy, đặc tính của ngũ dục là khiến người ta nghiện ngập, chìm đắm trong đó; chúng ta cũng không ngây thơ mà nghĩ rằng chỉ có rượu hay ma túy mới làm người ta nghiện ngập; mà danh vọng, địa vị, sắc đẹp, cờ bạc …, cũng làm ngưòi ta say đắm và có thể nhận chìm người ta trong biển trụy lạc, thân bại danh liệt trong khoảnh khắc. Điều này đâu cần chứng minh _ vì sử sách có đầy ra cả, không chỉ ở phương Tây mà chúng ta gọi là xã hội văn minh vật chất, ngay cả ở phương Đông cổ kính cũng vậy thôi!

Thưa Anh Chị Em,

Chính vì thế mà đức Phật đã dạy: “Ngũ dục là gốc rễ của địa ngục đọa lạc, giống như mũi tên độc đã ngấm vào da thịt, khó nhổ cho ra, và dù có nhổ ra được thì đau đớn biết bao nhiêu và chất độc đã ngấm vào cơ thể rồi” ! Chúng ta, người Huynh trưỏng Gia Đình Phật Tử có lẽ ít ai “chết” vì danh, sắc, ăn uống, nhậu nhẹt … vì ít nhiều chúng ta cũng có sự tu tập không nhiều thì ít, nhưng chúng ta_nhất là nam Huynh trưởng_lại vướng vào vòng cờ bạc rất dễ dàng. Thật vậy, cả trong nước lẫn hải ngoại, thật đúng là chuyện khó tin mà có thật, phải không các bạn?

Như đã nói, cờ bạc mà kiểu mạc chược hay tổ tôm hay xì tố hay “chơi số đề” v.v.. là quá xưa rồi; cờ bạc của thế kỷ 21 không chỉ là casino hay “đại thế giới hiện đại”, cờ bạc hôm nay là cá độ, cá con ngựa nào hay nhất, cá đội bóng nào thắng, cá nước nào được nhiều huy chương vàng nhất trong kỳ Olympic này v.v.. thôi thì muôn ngàn hình thức cờ bạc _ sát phạt nhau đến nỗi phải tan gia bại sản _

Tất nhiên, hiện tượng này không phổ biến, vì được giấu rất kỹ, chỉ có những người đồng hội đồng thuyền mới biết thôi! Tuy nhiên, chúng ta thử nghĩ xem, nếu 1 ngày nào đó, có 1 Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử _ dù trong nước hay ở hải ngoại _ bị phá sản vì cờ bạc, hay bị kiện tụng vì những lý do “ngũ dục” thì đâu phải 1 mình Huynh trưỏng ấy, mà cả tập thể chúng ta đều phải cúi đầu xấu hổ, và làm sao trả lời trước đàn em của chúng ta? _ xin thưa, rất may, mọi việc đều chỉ đang là một chuyện giả tưởng do mấy chữ “ngũ dục” gợi ra !   !!

Vì vậy chúng ta hãy hết sức tỉnh giác và giữ tâm thanh tịnh, quán chiếu về giới thứ 5 (Không uống rượu) để tránh xa tất cả những thứ gì vật chất hay tinh thần, có thể làm chúng ta say sưa (“ghiền”) đến nỗi quên hết bổn phận, mất khả năng lý luận, phán đoán … rồi lạc mất hướng đi !

Mong lắm thay!

Trân trọng,
BBT

501 lượt xem