Anh chị em Lam viên thân mến, Nhân đầu năm Dần, Ban biên tập xin kể tặng anh chị em một câu chuyện cọp: VUA HÓA HỔ

Năm Thiên chương Bảo tự thứ tư, đời Lý thần Tôn (1136), nhà vua mắc một chứng bệnh kỳ lạ, tâm thần hổn loạn, mình mọc đầy long, gương mặt trở nên hung dữ, ai thấy cũng khiếp đảm, thỉnh thoảng lại nhảy chồm lên, gào thét ầm ĩ giống như cọp. Người đời gọi là bệnh hóa hổ.

Ngoài ngự y trong triều, đình thần còn truyền lệnh thầy thuốc tài giỏi tập trung về chửa bệnh cho vua.

Hằng ngàn lương y đều bó tay trước cái bệnh kỳ quái ấy.

Trong lúc đó, khắp vùng quê bọn trẻ thường tụ tập chơi đùa hát nghêu ngao: “Tập tành vông, có thầy Minh Không chửa lành hoàng thượng”.
Triều đình sai người đi thăm dò tìm ra Minh Không rồi đưa thuyền đến rước về chửa bệnh cho nhà vua.

Khi quan quân triều đình đến mời Minh Không xuống thuyền xong, binh lính cũng vào thuyền đầy đủ, Minh Không bảo mọi người: “Yên tâm ngủ đi một lát, đợi lúc thủy triều lên sẽ đi”.

Nghe lời, quân lính ngủ cả trong thuyền. Khi tỉnh giấc, thuyền đã đến kinh kỳ, mọi người mừng rỡ và ngạc nhiên trước pháp thuật của Minh Không.

Minh Không (1) vào hoàng cung với dáng vẻ quê mùa, áo nâu sồng đã bạt màu, ai cũng tỏ vẻ khinh thị. Các thầy thuốc tiếng tăm cùng các phù thủy tài giỏi túc trực cả trên điện mà chẳng có phương thức nào cứu chửa cho vua, triều đình nhất trí mời Minh Không chửa bệnh cho Hoàng thượng.

Minh Không đến trước mặt vua thét lớn: “Đại trượng phu đã phú quý lại làm đến Thiên tử, sao lại còn cuồng loạn như thế ?” Vừa dứt câu, tự nhiên vua không còn gào thét như trước mà lại nằm im lìm, run rẩy. Mọi người nghĩ rằng: trong tiền kiếp nhà vua và Minh Không có liên hệ gì với nhau đây. Minh Không bảo lấy một cái vạc lớn, đổ đầy nước, hòa thuốc đã đem theo, đun sôi lên rồi để nguội dần vừa ấm, đích thân Minh Không tắm cho vua. Tay Minh Không xoa đến đâu thì lông trên người vua rụng đến đấy. Tắm xong, tức thì vua khỏi bệnh, trở lại bình thường. Cả triều đình ai cũng mừng rỡ vô cùng. Vua ngạc nhiên hỏi: “Nguyên nhân nào mà gây ra chuyện lạ lùng khủng khiếp như thế ?”. Minh không đáp: “Người tu hành tinh thông (chỉ từ Đạo Hạnh) thì một niệm mê lầm, chỉ thành tâm sám hối là gột sạch, không khó khăn gì.”

Sau đó vua phong cho Minh Không làm Quốc sư và ban thưởng nhiều châu báu nhưng nhà sư không nhận.

Vua Thần Tông chính là hậu thân của sư Từ Đạo Hạnh (1)

Từ Đạo Hạnh con của Từ Vinh (1), ngày trước Từ Vinh có mối thù gì đó với Diên Thành Hầu. Diên Thành Hầu nhờ tay pháp thuật Đại Điên giết chết Từ Vinh rồi quăng xuống sông. Từ Đạo Hạnh trước ở chùa Thiên phúc, núi Phật tích (tức chùa Thầy ở Sơn tây) nhưng vì thù cha quá lớn, quyết chí học pháp thuật để báo thù. Khi đã cao tay ấn, liền dùng pháp thuật hại Đại Điên, ông ta lâm bệnh nặng rồi chết.

Khi oán cừu đã kết thúc, Đạo Hạnh thanh thản tâm hồn, không vướng mắc hồng trần, dạo khắp tùng lâm tìm xin ấn chứng. Ban đầu cầu học với Sùng Phạm tại chùa Pháp Vân, sau đến tu tại Sài Sơn tỉnh Sơn Tây.

Có một lần, một môn đồ của Đạo Hạnh hỏi thầy về Tâm Phật, Sư trả lời bằng bài kệ (1):
“Tắc hữu, trần sa hữu
Vi không, nhất thiết không.
Hữu không như thủy nguyệt
Vật trước hữu không không”.

Sau nầy thiền sư Huyền Quang (1254-1334) dịch:
“Có thì có tự mảy may
Không thì cả thế gian nầy cũng không
Vầng trăng vằng vặc in sông
Chắc chi có có không không mơ màng”

Sư Đạo Hạnh có một đệ tử trí tuệ sáng suốt, tu hành miên mẫn, theo thầy đến bốn mươi năm, đó là Nguyễn chí Thanh. Thời gian thọ giáo với thầy ở chùa Thiên Phúc, Đạo Hạnh đã nhận ra Chí Thanh là người kham nhẫn có chí tu hành, đặt cho Pháp hiệu là Minh Không (1).

Khi Đạo Hạnh sắp xả báo thân, bảo Minh Không “… Kiếp sau ta ở thế gian, tạm giữ ngôi Thiên tử 23 năm, chắc là không tránh khỏi bệnh nợ. Bấy giờ ngươi nên vì nghĩa thầy trò mà tìm cách cứu ta”.

Ngày sư Đạo Hạnh xả báo thân, vào tháng sáu năm Bính thân (1116) cũng chính là lúc Dương Hoán (tức là vua Thần Tông sau nầy) chào đời.
Sau khi Đạo Hạnh tịch, Minh Không trở về quê nhà cày cấy, ẩn tích 20 năm, cho đến ngày triều đình tìm đến rước về kinh chửa bệnh cho vua Thần Tông.

Phỏng theo “Truyện cổ tích Việt nam" Của Nguyễn Bình

BBT

(1) Xem “Lịch sử Phật giáo Việt nam của Lê mạnh Thát Quyển III chương V

769 lượt xem