Xưa kia, ở Nam Thiên Trúc (Thiên Trúc tức Ấn Độ ngày nay, xưa kia nước ấy chia làm 5 phương, ở về phương Nam, gọi là Nam Thiên Trúc) có một nước tên Tư Ha Kiết, nằm trên bờ biển, rộng chừng 8 vạn dặm. Bấy giờ, nhân gặp lúc giặc giã đói khát, có một bà già tên A Long từ một nước lân cận lang thang đi kiếm ăn và lưu lạc tới nước nầy.

           Một hôm bà lão tìm đến nhà một vị trưởng giả, ý muốn cầu xin giúp đỡ. Vợ ông trưởng giả cật vấn bà lão, bà lão cứ tình thiệt mà thưa ra, do đó, được vợ chồng ông trưởng giả bằng lòng cho bà ta ở luôn trong nhà mình. Bà lão vừa mừng và thưa: “Lòng tốt của ông bà quá lớn lao, tôi không biết làm cách nào để đền đáp, vậy, từ nay tôi xin được làm một người ở tốt phục vụ ông bà, hầu báo đền phần nào cái công ơn trời biển ấy.”

            Sau khi đã có nơi nương tựa, một hôm bà ngồi nghĩ lại những ngày đã qua của mình, bà tự than trách: ngày trước mình giàu có, muốn cúng dường chúng tăng cái gì cũng đủ sức, bây giờ hóa ra thân thế như vầy, lấy đâu ra để có thể thực hiện cái việc cúng dường như trước?!

            Một ngày nọ, nhân khi đến viếng thăm một vị tăng trưởng, đảnh lễ xong, bà lão hỏi tới vấn đề ngọ trai của tăng chúng, vị tăng trưởng cho biết là sáng nay chúng tăng vào thành khất thực, nhưng chẳng được ai bố thí gì cả. Nghe thế, bà lão lòng rất muốn cúng dường chúng tăng, song ngặt vì quá nghèo, nên bà thưa với vị tăng trưởng để cho bà vào thành tìm cách xem sao, nếu có đủ phương tiện cúng dường chúng tăng, bà sẽ trở lại để báo tin ngay; bằng không, bà cũng sẽ tin chúng tăng biết. Nói xong, bà lão vội vàng trở về nhà thưa với phu nhân ông trưởng giả: “Tôi có việc cần kíp phải dùng tới một số tiền, tôi định làm giấy bán thân tôi cho bà, xin suốt đời làm người hầu hạ ông bà, không biết bà có thể giúp tôi được chăng?”

            Vị phu nhân nói: “Bà ở đây cơm áo đầy đủ, cái gì cũng có tôi lo, bà còn cần tiền để làm gì?” “Tôi có việc riêng cần tiền, song không tiện nói rõ ra,” bà lão trả lời. Do đó, vị phu nhân đưa cho bà lão một số tiền và bảo: “Tiền đây, bà lấy dùng, khi nào có bà trả lại cho tôi, không cần viết giấy tờ gì cả.”

            Có tiền rồi, bà lão liền nhờ bạn bè mua sắm vật phẩm và mang tới cúng dường chúng tăng. Trông thấy bà lão, chúng tăng ai nấy đều ngạc nhiên, hỏi:

          Chứ bà ở đâu, sao chúng tôi vào thành khất thực khắp nơi mà chẳng bao giờ gặp bà?

Bà lão thưa:

          Tôi là dân một nước khác (không phải dân nước Tư Ha Kiết), Ông Bà Cha Mẹ tôi vốn đều tín ngưỡng Tam bảo, chẳng may gặp lúc hoang loạn, cửa nát nhà tan, lưu lạc tới đây, một mình một bóng, chẳng biết nương cậy vào ai, nên tôi phải ở giúp việc cho vợ chồng một vị trưởng giả nước nầy!… Rồi một hôm nhân gặp chúng tăng, lòng tôi vừa mừng vừa tủi, vì rất muốn cúng dường các Ngài, song không đủ phương tiện! Do đó, tôi tự nguyện bán thân cho ông bà trưởng giả, để có chút tiền cúng dường chúng tăng…

          Nghe vậy, chúng tăng đều hết sức khen ngợi lòng chí thành của bà lão. Và, để đáp lễ lòng tốt ấy, chúng tăng nhất tề nhập định, uy linh của định lực làm chấn động cả cảnh giới, hình như cây cối hoa cỏ cũng đang cúi đầu lễ bái, tán thán công đức của thí chủ. Điềm lành ấy cũng làm kinh ngạc quốc vương nước nầy; nhà vua cho triệu tập quần thần để tìm hiểu nguyên do. Quần thần cho người đi khắp nơi để tra hỏi và khi được biết rõ về câu chuyện bà lão cúng dường chúng tăng như trên, liền trở về tâu với quốc vương. Quốc vương lập tức hạ lệnh cho mời bà lão vào cung. Khi bà lão nhận được lệnh đòi của nhà vua, bà vô cùng lo sợ và thưa với sứ giả: “Tôi là người giúp việc của một bà trưởng giả, nên không thể tự do đi lại.” Sứ thần trở về tâu vua, vua cho đòi luôn cả hai người (vị phu nhân trưởng giả và bà lão) vào để dò hỏi nguyên do. Bà lão cứ thật tình tâu hết đầu đuôi sự việc, nhà vua nói: “Trẫm là chủ của một nước, giàu sang quyền thế không ai bằng, song không biết phụng kính Tam Bảo, cúng dường người tu hành, ngươi tuy chỉ là một người giúp việc, nhưng lại có hành động cao quý làm cảm động cả đất trời, thật đáng làm bậc thầy của ta, xin cung thỉnh bà ngồi vào “sư tòa.” Từ đó, nhà vua phát tâm thụ Ưu Bà Tắc giới và gần hai vạn cung phi mỹ nữ cũng đều xin thụ giới Ưu Bà Di. Vì vậy, nhân dân cả nước, kẻ trước người sau đều hướng về chính đạo.

(Kinh Tạp Thí Dụ)

            Bằng sự cố gắng, hăng hái, không buông lung, tự khắc chế lấy mình, kẻ trí tự tạo cho mình một hòn đảo chẳng có ngọn thủy triều nào nhận chìm được.

(Phật ngôn)

602 lượt xem