Người Chết Rồi Còn Biết Ăn Chăng?

            Xưa kia có một vị hiền giả tu hành tinh tấn; lúc chết, vợ con thương tiếc gào khóc thảm thiết. Sau khi chôn cất xong, không biết thiết bàn thờ để tụng kinh cầu nguyện, vì nhà giàu, nên chỉ biết vào ngày mồng một và rằm hằng tháng sát sanh để nấu các món cao lương mỹ vị, rồi đem đến tận mộ phần vừa cúng bái vừa kêu khóc hết sức bi ai.

            Người chồng khi còn sống nhờ tu 10 nghiệp thiện, nên sau khi chết được sinh về cõi trời; anh ta dùng thiên nhãn nhìn thấy vợ con mình đang khóc lóc một cách mê lầm đáng thương, liền hóa làm một đứa bé chăn trâu bên cạnh mồ – nơi gia đình của anh đang cúng kính than khóc – rồi đột nhiên con trâu ngã lăn ra chết. Bấy giờ, cậu bé ấy vừa khóc vừa đi cắt cỏ đem về, kể kể khóc khóc và kêu nài con trâu hãy ăn cỏ đi! Cứ thế suốt ngày. Những người bên cạnh chê trách cậu bé và hỏi: “Mày con nhà ai? Trâu chết sao không về báo tin cho gia đình biết, lại cứ ở đó mà khóc một cách vô ích như thế? Trâu đã chết còn biết ăn chăng?” Cậu bé trả lời: “Tôi không ngu đâu, trâu chết còn nằm đó, dù sao cũng còn có chút hi vọng, còn chồng, cha các người đã chết từ lâu, sao còn nấu cả trăm món ăn để cúng, khóc, xương trắng có còn biết gì đâu, có còn ăn được chăng?” Mọi người nghe xong đều tỉnh ngộ. Lúc đó, cậu bé mới nói tiếp: “Ta vốn là chồng, cha các ngươi, nhờ tu mà được sinh về cõi trời, vì thương hại sự si mê của các người, nên hiện xuống để giải thích.” Nói xong, liền biến trở lại thân Trời và tiếp: “Nếu các ngươi muốn được như ta, nên cố gắng tu hành!” Từ hôm ấy trở đi, vợ con anh và cả gia đình bên nội, bên ngoại không còn ưu sầu như trước, chuyên tâm tu hành và làm các việc phước thiện. Rốt cuộc ai nấy đều được sinh về cõi trời.

(Kinh Tạp Thí Dụ)

Sự tiến bộ có phải cứ nằm im rồi nó đến với ta đâu? Muốn tiến bộ phải chịu cực khổ, cay đắng, phải toát mồ hôi, không sợ điều khinh bỉ của kẻ nhục nhãn, chẳng quản tiếng thị phi của kẻ ganh hiền, cúc cung tận tụy với chí thanh cao của mình, phải kiên tâm, nỗ lực…

(Tư Tưởng)

441 lượt xem