Thưa Anh Chị Em Áo Lam,
Nói về cuộc đời, người thì cho là mình đang “kéo lê” cuộc đời mệt mỏi, người thì cho cuộc đời thoáng qua như “1 giấc mộng” _ Có người nói:
Hỡi ngày vui xin dừng cánh lại
Giờ ngọc vàng xin hãy khoan bay
Có người lại than:
Hỡi thần chết xin hãy đến mau
Trần gian khổ lắm sống thêm sầu!
Nhà thơ Nguyễn Công Trứ thì chán làm người:
Kiếp sau xin chớ làm ngưòi
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo
v..v..
Mỗi người mỗi ý, cuộc đời dài hay ngắn, đáng sống hay không đáng sống, có ý nghĩa gì hay không v.v.. tất cả đều tùy theo từng tâm trạng, từng tâm lý sai khác của mỗi con người. Anh Chị Em chúng ta thì được dạy rằng thời gian không đo bằng năm tháng mình sống mà đo bằng những gì mình làm lợi ích cho tha nhân. Thật vậy, nếu 1 cuộc đời chỉ hưởng thụ mà không chia xẻ, chỉ biết “nhận” mà không biết “cho” thì người Phật tử chúng ta cho rằng đó là một cuộc sống vị kỷ, như cái cây không có trái, không có bóng mát, như dòng sông khô cạn không có nước không có lợi ích gì cho tha nhân, cho cuộc đời cả!
Chúng ta hãy nghe những lời đối đáp giữa đức Thế Tôn và các vị đệ tử mới nhập môn của ngài. Một hôm, đang đi dạo với các đệ tử mới vào đạo, Đức Phật hỏi: đời sống của con người được bao nhiêu năm?
Một vị đáp: bạch Thế tôn, chừng 80 năm
Đức Phật nói: chưa đúng lắm!
Vị thứ 2 trả lời: bạch Thế tôn, trung bình loài người sống được 60 năm
Đức Phật vẫn chưa hài lòng: cũng chưa đúng!
Vị thứ 3 thưa: Bạch Thế tôn, đời người chỉ dài bằng một hơi thở vào, ra mà thôi!
Đức Phật khen: đúng rồi! một hơi thở ra không có hơi thở vào hay 1 hơi thở vào mà không ra nữa v.v.. thì sự sống đã kết thúc. Vì vậy các ông phải tinh tấn tu tập bởi vì không biết ngày mai mình có còn sống không. Đừng bao giờ hẹn đến ngày mai vì không ai điều đình được với đạo quân Thần Chết. Sống là sống bây giờ và ở đây, ngay trong giờ phút hiện tại, các ông không nên truy tìm về quá khứ, không nên mơ ước tương lai: quá khứ đã đi qua mà tương lai thì chưa đến. nếu chúng ta cứ bám víu quá khứ, vui buồn, say đắm hay tiếc nuối quá khứ hoặc chỉ biết mơ mộng về tương lai mà để cho những giờ phút hiện tại trôi qua trong quên lãng, thiếu tỉnh thức thì chúng ta đã “chết” chìm trong quá khứ hay trong cơn mê mà bỏ mất những phút giây hiện tại quí báu _ thật là uổng phí quá; rồi đức Phật nói lên bài Kệ “Nhất dạ hiền giả”:
Quá khứ không truy tìm
Tương lai không ước vọng
Quá khứ đã đoạn tận
Tuơng lai thì chưa đến
Chỉ có pháp Hiện tại
Tuệ quán chính là đây
Không động không lay chuyển
Biết vậy nên tu tập
Hôm nay nhiệt tâm làm
Ai biết chết ngày mai
Không ai điều đình được
Với đạo quân Thần Chết
Cứ như vậy nhiệt tâm
Đêm ngày không mệt mỏi
Xứng gọi “nhất dạ hiền”
Bậc yên tĩnh trầm lặng
Thưa Anh Chị Em,
Nếu chúng ta sống tỉnh thức với giây phút hiện tại thì đó là một cuộc sống có ý nghĩa, chúng ta sẽ tránh được rất nhiều phiền não do những ý tưởng, suy nghĩ tiêu cực, lung tung, tán loạn gây ra.. nghĩa là mình tự tạo phiền não cho mình chứ không ai khác.
Thân kính chúc Anh Chị Em sống tỉnh thức để có thể tận hưởng hiện tại _ những giờ phút đẹp tuyệt vời.
Trân trọng,
Nhóm Áo Lam
459 lượt xem
Tin khác
NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG GĐPTVN ĐỐI VỚI ĐẠI DỊCH COVID-19 Nhật Bảo – Nguyễn Đức Nguyên Thông ghi lại từ Pháp thoại của Hòa thượng Thích Thái Hòa đêm mùng 8…
Pháp thoại tuần lễ huân tu mùa Phật Đản phật lịch 2564 – dương lịch 2020 Mời các bạn xem lại clip hay và ý nghĩa nhân mùa Phật Đản của…
Trung Quán Luận được kiết tập trong Đại Chính tân tu Đại tạng kinh, tập 30, kinh số 1564 (T30n1564), được Cưu-ma-la-thập dịch sang Hán vào năm 409 từ nguyên văn tiếng Phạn do Bồ…
NGÀY THẾ TÔN THÀNH ĐẠO – MỘT KỶ NGUYÊN MỚI Ngày thành đạo của Đức Thế Tôn cách đây 26 thế kỷ, đã mở ra cho nhân…
BAN HƯỚNG DẪN TRUNG ƯƠNG GĐPTVN TỔ CHỨC GIẢI TRÌNH LUẬN VĂN BẬC LỰC LẦN THỨ 10 TẠI CHÙA THẬP THÁP DI ĐÀ – TỈNH BÌNH ĐỊNH Sáng ngày 16/11/2019…