Có hai anh em con nhà rất giàu sang, cha mẹ chết, tuy là anh em, song ý hướng không giống nhau: Người anh ưa chuộng đạo đức tu hành, người em lại thích của cải danh lợi. Nhân nhà ở gần Kê Minh tịnh xá, nên người anh thường thường tới lui hỏi đạo học kinh, không tham dự vào gia kế với người em. Người em thấy thế, bực tức và nói: “Cha mẹ đã mất sớm, lẽ ra hai anh em chúng ta cần phải hợp lực lo làm ăn mới đúng, ngược lại, anh bỏ bê gia nghiệp, đi theo các vị sa môn để học hỏi kinh Phật! Em xin hỏi anh, các vị sa môn ấy có thể cho anh cơm, áo và của cải chăng? Nếu không may, một ngày nào đó, gia đình trở thành nghèo khổ, sẽ bị người đời chê cười là chúng ta đã phế diệt gia nghiệp của cha ông, anh có thấy vậy không? Vì thế, là hiếu tử thì phải nối tiếp và phát triển cái di nghiệp của mẹ cha.”
Người anh nói với em rằng: “Theo anh, giữ ngũ giới, hành thập thiện, tu lục độ, tọa thiền, cúng dường Tam Bảo v.v… để cảm hóa và siêu hóa cha mẹ mới gọi là con có hiếu. Đạo và tục khác nhau, những cái đạo ưa thì tục ghét, những cái gì tục quý giá thì đạo lại xem thường; trí và ngu, mê mờ và sáng suốt không thể cùng tồn tại. Do đó, người có trí tuệ, từ bỏ mê mờ, tìm về đường sang. Nay em vì mến chuộng cái “ngã” đầy dẫy khổ não nầy, nên nhận lầm tất cả thế gian giả dối kia làm thật, há không phải là đáng thương lắm ư?” Người em nghe anh nói vừa giận vừa không tin. Thấy vậy, người anh bèn bảo: “Em tham gia sự, lấy của tiền làm quý, nhưng anh lại thích kinh đạo, lấy trí tuệ làm trọng, xem thân mạng như hạt bụi bay liệng trong không gian, sống rày chết mai, thay hình đổi dạng, muôn đời vẫn không thoát khỏi tội nghiệp buộc ràng. Vì muốn tránh nơi nguy hiểm, đến chỗ an lành, nên quyết chí xuất gia đầu Phật.” Người em thấy anh mình ý chí đã quyết, mặc dù bực tức, nhưng không muốn nói năng gì nữa!
Từ khi xuất gia làm sa môn, người anh đêm ngày chuyên tâm tu luyện, chẳng bao lâu đã có phần chứng ngộ. Một lần nữa, người anh lại trở về nhà khuyến dụ người em nên tín phụng Tam Bảo thực hành ngũ giới, thập thiện, bố thí là điều kiện cơ bản cho việc sinh về cõi trời và tăng trưởng đạo huệ. Nghe thế, người em lại càng giận dữ và nói: “Anh đã bỏ bê gia nghiệp, đi theo con đường tu hành mà anh cho là đúng thì cứ đi đi, đừng trở về quấy rầy đời sống của tôi, anh mau mau ra khỏi nhà nầy!”
Nghe vậy, người anh ra đi, lòng trĩu nặng buồn thương. Còn người em thì cứ mãi mê say lăn lộn với tài, sắc, danh, lợi, chả bao giờ biết đến Phật pháp là gì, đạo đức là gì… Thế rồi, một hôm quỉ vô thường tới gọi, anh ta đành phải bỏ lại tất cả cho đời, với hai bàn tay trắng từ giã thế gian. Phản ảnh trung thành với nghiệp nhân đã tạo, sau khi chết, anh phải đọa làm thân trâu và được một người lái buôn mua về nuôi để hằng ngày chở muối đi bán. Ngày lại ngày làm lụng cực nhọc khốn khổ, nên một hôm con trâu ngã quỵ, dù người chủ có lôi kéo, đánh đập tới đâu, nó cũng không sao đứng dậy nổi!
Bấy giờ, người anh đang du hành bay liệng giữa hư không, xa xa thấy như vậy; liền dùng định lực quán chiếu và biết đó chính là em ruột của mình, lập tức tới vỗ về và bảo với trâu rằng: “Em trước kia chỉ lo mải mê với vợ con, nhà đất, vàng ngọc của tiền, nay các thứ ấy ở đâu cả mà một mình em phải làm thân trâu thảm hại đến thế này?” Vừa nói vừa dùng uy lực chiếu thị cho người em nhìn thấy lại cái kiếp trước của mình. Con trâu kia giật mình rơi lệ và tự than trách: “Tôi ngày trước không nghe lời anh, tham lam tật đố, không tin Tam Bảo, khinh mạn chúng tăng, bỏ chánh theo tà, không biết tu phước bố thí, giờ đây mới nên nông nỗi nầy!…” Người anh thấy em mình than thân trách phận, ân hận như thế, thật cũng đáng thương; liền đem đầu đuôi câu chuyện trình bày với chủ trâu, đồng thời xin ông ta cho mình được phép đem con trâu ấy về chùa nuôi dưỡng. Rồi từ đó, ngày đêm người anh không quên khuyên trâu nên ăn năn sám hối tội lỗi và tín niệm Tam bảo. Nhờ vậy, khi thoát kiếp làm trâu, người em liền được sinh về cõi trời Đao Lợi.
Thế mới hay: của tiền vàng bạc ngọc ngà châu báu v.v… chỉ là phương tiện tạm bợ của con người trong dục giới (vì sắc và vô sắc giới không cần những thứ đó còn các cõi Tu La, bàng sanh, ngạ quỉ, địa ngục cũng không thể dùng các thứ ấy). Một khi vĩnh biệt cuộc đời, chúng ta sẽ không bao giờ mang theo được bất cứ một thứ gì, ngoại trừ tội (ác nghiệp) và phước (thiện nghiệp) do chính ta đã tự tạo ra lúc còn sống.
Nghiệp ác sẽ làm cho chúng ta mất thân người, nghĩa là không còn làm người được nữa mà phải đầu thai vào các cõi thấp hơn, như: địa ngục, bàng sanh v.v… Đó mới là sự thoái hóa đúng nghĩa theo tư tưởng Phật giáo. Trái lại, nghiệp thiện sẽ khiến cho con người siêu thăng, tiến hóa, đi vào các cảnh giới tốt đẹp hơn thế giới loài người. Bởi vậy, đừng ai trong chúng ta ngớ ngẩn đi làm cái việc trái ngược là: khinh thị con người nhưng lại trọng thị những vật ngoài con người (ruộng đất, của tiền…), nói khác đi, là đừng bỏ quên con người, để đến nỗi sau nầy ăn năn thì sự đã rồi như tiền thân con trâu trong câu chuyện.
(Theo: Kinh Tạp Thí Dụ)
Tuy tụng ít kinh nhưng thường y giáo hành trì, hiểu đúng, trừ diệt tham, sân, si, tâm hiền lành, thanh tịnh, giải thoát, xa bỏ thế dục, thì dù ở cõi này hay cõi khác, người ấy vẫn hưởng phần ích lợi của Sa môn.
(Phật ngôn)
518 lượt xem
Tin khác
NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG GĐPTVN ĐỐI VỚI ĐẠI DỊCH COVID-19 Nhật Bảo – Nguyễn Đức Nguyên Thông ghi lại từ Pháp thoại của Hòa thượng Thích Thái Hòa đêm mùng 8…
Pháp thoại tuần lễ huân tu mùa Phật Đản phật lịch 2564 – dương lịch 2020 Mời các bạn xem lại clip hay và ý nghĩa nhân mùa Phật Đản của…
Trung Quán Luận được kiết tập trong Đại Chính tân tu Đại tạng kinh, tập 30, kinh số 1564 (T30n1564), được Cưu-ma-la-thập dịch sang Hán vào năm 409 từ nguyên văn tiếng Phạn do Bồ…
NGÀY THẾ TÔN THÀNH ĐẠO – MỘT KỶ NGUYÊN MỚI Ngày thành đạo của Đức Thế Tôn cách đây 26 thế kỷ, đã mở ra cho nhân…
BAN HƯỚNG DẪN TRUNG ƯƠNG GĐPTVN TỔ CHỨC GIẢI TRÌNH LUẬN VĂN BẬC LỰC LẦN THỨ 10 TẠI CHÙA THẬP THÁP DI ĐÀ – TỈNH BÌNH ĐỊNH Sáng ngày 16/11/2019…