Thưa Anh Chị Em Áo Lam,
Các bạn còn nhớ không? Bài học Phật Pháp đầu tiên của ngưòi Huynh trưởng GĐPT là bài “ba pháp ấn” và chúng ta đã từng thắc mắc tại sao nhiều tài liệu không giống nhau, chỗ thì 3 pháp ấn là: Vô thưòng, Vô ngã, Khổ; chỗ thì Vô thưòng, Vô ngã, Không; chỗ thì Không, Vô Tướng, Vô tác. Cũng may, khi đã hiểu rõ thì nói cách nào chúng ta cũng không còn bối rối hay bị kẹt vào ngôn từ. Chúng ta đã làm quen nhiều với Vô Thường, Vô Ngã, hôm nay chúng ta thử phân tích 3 pháp ấn với KHÔNG, VÔ TƯỚNG, VÔ TÁC.
Trước hết, Pháp ấn là con dấu chứng thực tích cách chân xác của Chánh Pháp. Có 3 con dấu tất cả, bất cứ giáo pháp nào, pháp môn nào không mang dấu vết của 3 dấu ấn ấy thì không phải là chánh pháp của Phật. Ba con dấu ấy cũng gọi là 3 cánh cửa giái thoát vì nhờ nó chúng ta mới tu hành đạo giải thoát được.
Dấu ấn thứ nhất: KHÔNG: Không ở đây là rỗng không, không có tự ngã riêng biệt, không tồn tại độc lập. Thật vậy, như chúng ta đã biết, vạn pháp nương nhau mà tồn tại, không có cái gì tồn tại độc lập được cả. Các pháp sinh khởi và tồn tại trong liên hệ nhân duyên trùng trùng _ “cái này có vì cái kia có, cái này sinh vì cái kia sinh, cái này không vì cái kia không, cái này diệt vì cái kia diệt” Chúng ta phải tập nhìn, tập quán sát vạn pháp trong quan hệ nhân duyên như vậy để thấy rằng trong “cái một” có “cái tất cả” và ngược lại trong “cái tất cả” có “cái một” _ Với cái nhìn như vậy, trong một chiếc lá chúng ta có thể thấy cả rừng cây, có thể thấy mặt trời, mưa nắng, hạt giống v.v.. đó là cái nhìn rộng rãi, mở ra một chân trời tự do bao la chứ không còn bị bọc kín trong cái võ của tự ngã nữa. Tương tự như vậy, chúng ta quán chiếu 5 uẩn, không có uẩn nào có tự tánh riêng biệt, quán chiếu 6 căn và 6 trần v.v.. cũng thế. Đó chính là tánh KHÔNG của vạn pháp. Thấy được tánh Không rồi, chúng ta không còn tham đắm, yêu ghét, chạy trốn hay mời gọi bất cứ pháp nào, từ đó chúng ta có thể vượt thoát được nhiều phiền não do tham đắm hay kỳ thị .. đối với các pháp.
Dấu ấn thứ 2 là VÔ TƯỚNG: mọi sự vật, hiện tượng cũng không thể tồn tại độc lập, không có tướng riêng biệt. Những hiện tượng như sinh, diệt, còn, mất, dơ, sạch v.v.. cũng không phải cố định. Vì vậy với cái nhìn bằng mắt trần sẽ khác với cái nhìn của sự quán chiếu sâu sắc. Bằng con mắt quán chiếu, chúng ta sẽ hiểu sâu ý nghĩa của sinh, diệt, dơ, sạch v.v.. Ví dụ quán chiếu một bông hoa, từ khi nó tươi tốt đến khi nó héo tàn đem làm phân xanh để bón cho cây chẳng hạn, hoa hồng có “chết” không? _ có thể nói nó sống trong những bông hoa sẽ nở ra! Quán chiếu 1 trái xoài, nó không phải chỉ hình thành khi đã thành trái xoài chín mà nó đã tiềm tàng trong cây xoài rồi; nhưng nói rằng nó ở trong thân cây, trong lá cây trong rễ cây v.v. đều không đúng. Quán chiếu một chén nước, đối với con kiến thì đó là một đại dương, nhưng với con cá nó không thấy được (như chúng ta không thấy không khí vậy) còn đối với vi trùng thì đó là nơi sinh sống của hàng vạn con vi trùng v.v… Nói cách khác, tướng trạng của các pháp, của sự sinh, diệt, hình thành, biến mất là không cố định; các hiện tượng đan vào nhau, lồng vào nhau, nương tựa vào nhau mà xuất hiện, hình thành chứ không phải độc lập. Quán sát như vậy, chúng ta sẽ có cái nhìn rộng rãi hơn về các hiện tượng trong trời đất, đó là sự tương tức tương nhập (Sấm sét, mưa gió, giông bảo v.v.. có ảnh hưởng đến sự lớn mạnh trưởng thành của 1 cái cây); cái nhìn của chúng ta vì vậy không bị sai lầm như nhìn sợi dây mà tưởng là con rắn.
Dấu ấn thứ 3 là VÔ TÁC: Vô tác là không ham muốn, không ghét bỏ, không truy tìm, không chạy trốn bất cứ pháp nào. Thói thường, ngưòi ta đuổi theo những cuộc vui, chạy trốn nỗi buồn, tham sống sợ chết, theo đuổi giàu sang, chạy trốn nghèo nàn v.v.. Chúng ta tu tập quán chiếu đã hiểu rằng các pháp tồn tại trong nhau ví dụ: trong sinh tử có niết bàn, trong phiền não có giải thoát, trong sinh có tử v.v.. trong tươi tốt có tàn úa v.v.. vậy thì chúng ta không cần trốn chạy cái gì và đuổi theo cái gì nữa cả; với quán chiếu, cái nhìn của chúng ta sẽ rộng rãi hơn, không truy tìm, không ước vọng, không tham đắm .. đó chính là ý nghĩa của Vô tác.
Thưa Anh Chị Em,
Điều cần lưu ý là người Phật tử phải có lòng từ bi và trí tuệ nên bất cứ làm việc gì, nói điều gì, nghĩ cái chi … đều kèm theo Bi và Trí. Ví dụ chúng ta hiểu KHÔNG nhưng không phải để dửng dưng, lạnh lùng, từ chối không làm những việc thiện, có lợi ích cho tha nhân, hiểu VÔ TƯỚNG nhưng không phải chúng ta không quan tâm đến sống chết, vui buồn của người khác, hiểu VÔ TÁC nhưng không ngần ngại hoàn thành những mơ ước, những nhu cầu … của cha, mẹ, vợ, chồng, con cái, bạn bè .. trong khả năng của mình.
Giác ngộ và giải thoát không phải là những pháp ở ngoài thân tâm chúng ta nên cả 3 pháp ấn này _ 3 cánh cửa giải thoát mở ra khi chúng ta tập quán chiếu bên trong, nhìn sâu vào chính thân tâm mình vì đức Thế Tôn đã dạy hạt giống giác ngộ đã “ngủ” sẵn trong Tâm ta
Thân kính chúc Anh Chị Em chúng ta tinh tấn tu tập Tỉnh thức.
Trân trọng,
Nhóm Áo Lam
470 lượt xem
Tin khác
NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG GĐPTVN ĐỐI VỚI ĐẠI DỊCH COVID-19 Nhật Bảo – Nguyễn Đức Nguyên Thông ghi lại từ Pháp thoại của Hòa thượng Thích Thái Hòa đêm mùng 8…
Pháp thoại tuần lễ huân tu mùa Phật Đản phật lịch 2564 – dương lịch 2020 Mời các bạn xem lại clip hay và ý nghĩa nhân mùa Phật Đản của…
Trung Quán Luận được kiết tập trong Đại Chính tân tu Đại tạng kinh, tập 30, kinh số 1564 (T30n1564), được Cưu-ma-la-thập dịch sang Hán vào năm 409 từ nguyên văn tiếng Phạn do Bồ…
NGÀY THẾ TÔN THÀNH ĐẠO – MỘT KỶ NGUYÊN MỚI Ngày thành đạo của Đức Thế Tôn cách đây 26 thế kỷ, đã mở ra cho nhân…
BAN HƯỚNG DẪN TRUNG ƯƠNG GĐPTVN TỔ CHỨC GIẢI TRÌNH LUẬN VĂN BẬC LỰC LẦN THỨ 10 TẠI CHÙA THẬP THÁP DI ĐÀ – TỈNH BÌNH ĐỊNH Sáng ngày 16/11/2019…