Thưa Anh Chị Em Áo Lam,

Chúng ta ai cũng biết rằng đạo Phật là đạo từ bi và trí tuệ ; nhưng đôi khi chúng ta nhầm lẫn lòng từ bi với luyến ái, như vậy thì “sai một ly đi một dặm” rồi. Mặt khác, đôi khi chúng ta có thể nhầm lẫn giữa từ bi và yêu thương trong ý nghĩa yêu – ghét, lấy – bỏ, hoàn toàn do chấp ngã _ “ta” và “của ta” là số một, tức là chỉ thương những ai giống ta, phe ta v..v.. mà thôi. Sự nhầm lẫn này đã gây ra rất nhiều tai hại cho người khác và cho chính bản thân mình. Tai hại nhất là gây ra một sự phân hoá ghê gớm cho tập thể.

Thật vậy, những hiện tượng, “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” thật là không ít: Mới hôm qua tay bắt mặt mừng, thân thân ái ái, mà hôm nay đã trở mặt làm ngơ, mới hôm qua ca ngợi hết lời, hôm nay trở mặt chê bai, chưởi mắng, mạt sát thậm tệ, thậm chí còn vu khống, nói oan, giá họa cho người ta, không hề sợ nhân quả nghiệp báo !   !! Đây chính là “tình người” hay “tình đời”! Cái mà các nhà văn thường gọi là “tình đời bạc trắng hơn vôi” đó các bạn ạ! Điều đáng nói là chúng ta có những người bạn, những người anh em, những người Thầy gọi chúng ta là “đạo hữu” nghĩa là “bạn Đạo” _ bạn trong Đạo, không phải bạn ngoài đời, nghĩa là hiểu ngầm với nhau rằng chúng ta là những người hiểu Đạo, Đạo ở đây là đạo Phật, là Đạo từ bi và trí tuệ! Thế nhưng lại xử sự với nhau toàn bằng những lời nói và hành động vô đạo!! cái đó mới là “Thật đáng buồn thay!!”

Sở dĩ Nhóm Áo Lam (NAL) thốt lên những lời “áo não” này là vì đã có một bạn nói rằng “buồn thay, cho đến ngày nay mà Ấn Độ còn phân chia giai cấp”! NAL nghĩ rằng tập thể Phật tử chúng ta còn đáng buồn hơn Ấn Độ nhiều: Ấn Độ có rất nhiều tôn giáo khác nhau, sự phân chia đó là của giai cấp Bà La Môn từ ngàn xưa, sự kỳ thị có thể nói là tất nhiên thôi _ Phân chia giai cấp cũng do nguồn gốc kỳ thị _ Nhưng còn Phật tử chúng ta cùng là “con Rồng cháu Tiên,” cùng thờ một đức Bổn Sư Thích Ca, cùng học chung giáo lý Ngũ Uẩn, Duyên Khởi, Tứ Đế v..v.. vậy mà kỳ thị quá trời! đó mới là đáng buồn chứ!   !! Cho nên chúng ta hãy lắng nghe và suy gẫm lời ngài Huệ Năng “Nên thấy lỗi mình, đừng nói lỗi người”

Thưa Anh Chị Em,

Chắc là chúng ta phải học lại cách yêu thương, nghĩa là tình yêu vô điều kiện, không phải là yêu-ghét thường tình _ yêu thương mọi người mọi loài, như chúng ta dạy cho các em “Em thương người và loài vật” vậy đó! Thật ra chúng ta đã học rồi, (và cũng đã quên rồi!   !!) đã từng đọc chuyện tiền thân “Quả báo làm mẹ đau khổ” các bạn còn nhớ không? _ Chúng ta hãy cùng nhau ôn lại nha!

Vào thời quá khứ, khi đức Bổn sư của chúng ta đang còn là một người bình phàm chưa giác ngộ, ngài đã từng tái sinh trong địa ngục vì quả báo của những việc làm xấu ác, trong đó nặng nhất là quả báo làm mẹ đau khổ. Do những tội lỗi đó, ở địa ngục, ngài phải đội 1 vòng sắt sát vào đầu, vòng sắt co thắt từng chặp khiến cho đầu óc ngài đau buốt đến tận xương tủy. Ngài chiêm nghiệm về nỗi đau khổ của mình là do kết quả những việc làm bất thiện trước đây; ngài nghĩ đến những chúng sanh khác cũng có thể chịu cùng cảnh ngộ đau khổ cùng cực như mình .. Thế rồi trong lòng ngài khởi lên một tình thương rộng lớn, ngài phát lời nguyện là ngài sẽ gánh chịu đeo vòng sắt này đời đời, thay thế cho tất cả những chúng sanh phạm tội như ngài, để đừng ai phải chịu cảnh đau đớn này nữa. Vừa dứt lời nguyện, vòng sắt lập tức rời khỏi đầu ngài, bay mất. Và cũng ngay lời nguyện ấy, ngài được giải thoát khỏi địa ngục. Câu chuyện tiền thân trong chương trình Phật Pháp Hướng Thiện ngày xưa đã dạy chúng ta một bài học lớn, đó là tình thương không điều kiện, tình thương dành cho tất cả mọi người không phân biệt thân sơ .. đã làm ra phép lạ như giải thoát cho mình và cho mọi người khỏi ngục tù đau khổ. Và những người có loại tình thương đó được gọi là những vị bồ tát – là những người có sức mạnh tinh thần phi thường, luôn đặt an lạc và lợi ích của chúng sanh lên trên hết; vì thế bồ tát có thể bố thí cả thân mạng mình, hay mắt, tai, mũi, lưỡi … của mình cho chúng sanh (như chúng ta đã được học về hạnh bố thí của Thái Tử Tu Đại Noa hay lòng từ bi vô hạn của Thái tử Câu Na La v..v..).

Cầu mong cho tất cả những ai tự cho mình là Phật Tử, là con của đức Phật, dù là con đầu (Trưỏng tử) hay con út, nếu không học được hạnh từ bi của chư Phật, chư Bồ tát, thì cũng đừng làm những điều, nói những điều tổn hại đến người khác … đó chính là giữ Giới, một cách tự trang nghiêm thân tâm mình của chư Tăng Ni cũng như của hàng Phật tử tại gia _ theo lời dạy của đức Thế Tôn vậy.

Trân trọng,
Nhóm Áo Lam

409 lượt xem