Thưa Anh Chị Em Áo Lam,

Chuyện kể rằng có 2 thầy trò kia, một vị sư phụ và một chú Sa Di thị giả đi với nhau xuyên qua một khu rừng, Sư phụ đi trước đệ tử theo sau bưng tay nãi cho Sư phụ. Bất ngờ, một con hổ nhảy ra, chú Sa Di nhảy lên trước Sư Phụ, sẵn sàng bảo vệ Thầy mình. Sư phụ thất kinh, nhảy tới kéo đệ tử mình về, đánh đuổi cọp đi rồi hai thầy trò tiếp tục lên đường; nhưng Sư Phụ đứng lại chờ người đệ tử rồi dừng bước để người đệ tử đi trước và dành lấy tay nãi tự xách đi sau. Người đệ tử sau phút xúc động đến bàng hoàng liền suy nghĩ xem tại sao Sư phụ lại nhường mình đi trước? _ À phải rồi, vì ta đã hy sinh nhảy ra chận hổ cứu sư phụ! Người Thầy đọc được tư tưởng ấy (Sư phụ có tha tâm thông mà!) liền bước lên phía trước, giao tay nãi cho đệ tử rồi tiếp tục đi, chú Sa Di ôm tay nãi, rảo bước theo sau …

Thế đấy, thưa Anh Chị Em! Nói thì lâu nhưng sự chuyển hoá tâm thức xảy ra trong tíc tắc. Một người được gọi là Sư Phụ, đệ tử, là Anh là Chị hay là em là thầy là trò v.v.. không phải do tuổi tác, học vị, chức tước, quyền uy v.v.. của thế gian mà do nơi phẩm chất, đạo đức .. nói chung là “kích thước” cái Tâm của người ấy. Như trong chuyện kể trên đây, chú Sa Di khi nhảy ra cứu Thầy hoàn toàn không suy nghĩ lợi hại, không nghĩ đến bản thân mình, đó chính là tâm địa rộng lớn của một vị Bồ tát _ không khác gì cử chỉ của vị thiền sư lóc thịt của mình cho con vật sắp bị chết đói _ đó là cái Tâm đã đạt đến chỗ vô ngã, bố thí Ba La Mật, “cho” mà không thấy có người cho, vật đem cho và người nhận; và làm cái việc bố thí cả thân mạng mình mà không hề suy nghĩ đắn đo, người Sư Phụ nhận thấy rằng “nó tuy là đệ tử của ta nhưng tâm địa cuả nó rộng lớn hơn ta nhiều, công phu tu luyện chưa đến đâu nhưng gặp nguy hiểm là xả thân cứu người. Ta cần phải học hỏi nó, ta phải là đệ tử của nó chứ không phải là Thầy của nó đâu” Đó là lý do tại sao sư phụ đi xuống dưới, bưng tay nãi để cho người đệ tử đi trước. Đó là sự kính trọng, ngưỡng mộ, bái phục. Thế nhưng về phần người đệ tử, sau khi “xuất thần” quên mình cứu Sư Phụ, và được Sư phụ đánh giá cao, cậu ta đã mất sự tỉnh giác, đánh mất chánh niệm, để Tâm móng khởi lên tư tưởng tự mãn, cảm giác ngã mạn làm ô nhiễm Tâm và trong phút chốc toà lâu đài vĩ đại của Tâm Thanh tịnh bị sụp đổ, vị bồ tát vừa xuất hiện chợt biến mất, để trơ trọi lại một chú Sa Di tầm thường nhỏ nhoi vì cái tư duy cạn cợt, ấu trĩ, thảm hại của mình … Sư phụ đọc được những gì móng khởi trong Tâm người đệ tử, biết rằng Tâm Phật đã rời xa, người đệ tử đã “bình thường và tầm thường” trở lại … như chúng ta thường nói “phút trước là Phật, phút sau là Ma” …. Chúng ta cũng vậy, trong một ngày 24 giờ, chúng ta làm Phật (tâm Thanh Tịnh) được bao lâu? cho nên chúng ta phải nên luôn tỉnh giác, soi rọi lại Tâm mình, đùng để khởi lên những Tâm bất thiện (chúng ta đều biết thế nào là Tâm bất thiện rồi   ! đó là Tâm Tham, Tâm Sân, Tâm Ngã mạn, Tâm Nghi ngờ, Tâm Đố kỵ v.v.. những Tâm làm chậm sự tiến bộ, làm chướng ngại sự tu tập của chúng ta, nói chung là làm ô nhiễm Tâm. Đó là những đám mây đen làm bầu trời Tâm tối lại, giông bão phiền não nỗi lên … làm chúng ta rơi vào Địa ngục, đau khổ không lối thoát!

Người Huynh trưởng GĐPT khi nói rằng mình mặc áo Lam cài Hoa Sen Trắng có nghĩa mình sống, thực hành theo 5 Hạnh của chư Phật chư Bồ Tát và quy y Tam Bảo cũng là nói rằng mình luôn tôn trọng 5 điều luật và 3 đức tính trong châm ngôn của GĐPT; điều này rất lớn lao, vĩ đại, không phải dễ dàng chút nào. Đó chính là ý nghĩa Huy hiệu Hoa Sen mà anh chị em chúng ta đã được học từ khi mới vào Đoàn nhưng thời gian hoàn thành có thể là cả đời chưa xong! Bởi vậy, đạo Phật nói chung, GĐPT nói riêng, không có cao thấp, hơn thua ở hình tướng bên ngoài; con người là thánh hay phàm, đáng kính hay đáng chê chỉ là ở cách suy nghĩ, cách nói năng, cách sống của mình. Phật Pháp chỉ có lợi nếu chúng ta biết áp dụng vào cuộc sống sao cho mỗi ngày thêm một chút vị tha, rời xa vị kỷ để một ngày kia thấu hiểu được bằng kinh nghiệm bản thân ý nghĩa của “Tất cả là Một” hay “Một là Tất cả”.

Trân trọng,
Nhóm Áo Lam

539 lượt xem