Thưa Anh Chị Em Áo Lam,

Chúng ta thường nhắc nhở nhau: Nói năng như Chánh Pháp, Im lặng như Chánh Pháp. Hai câu thông thường như vậy thôi mà thật khó áp dụng; bởi vì ngay từ định nghĩa đã gặp khó khăn rồi! Thế nào là “nói năng” và thế nào là im lặng? Im lặng có phải là “không nói” hay không? _ và “không nói” có phải là im lặng không?

Thật vậy, chúng ta không nói, có nghĩa là miệng không phát ra âm thanh, không ai nghe được nhưng không phải là chúng ta “không nói” đâu nha! Chúng ta thường oán trời trách đất khi có chuyện không may mà chúng ta cho là “do Trời hại”; chúng ta cũng thường oán người này, trách người kia khi họ xúc phạm đến mình, chúng ta cũng có khi “mắng” người này, “chưởi” người khác khi họ làm điều gì mình cho là sai trái, vô sĩ v..v.. nhưng vì mình nói mình nghe hoặc “nói trong tâm” nên không ai nghe, chứ không phải là “không nói”.   !!

Trong một bộ đồ chơi có tên là “Ba Không” gồm có 3 con Khỉ, 1 con che mắt lại, 1 con bịt tai lại và 1 con che miệng lại .. Con khỉ thứ ba che miệng không nói là hoàn toàn đóng một cánh cửa lại, tức là đóng bớt 1 căn _ không nói năng mà chỉ im lặng để tránh khẩu nghiệp, bởi vì chúng ta đều biết rằng trong 10 điều ác (thập ác) về Thân, Miệng và Ý thì miệng chiếm hết 4! (đó là 4 tội = nói dối, nói lời độc ác, nói hai lưỡi, nói thêu dệt)

Người Huynh Trưởng GĐPT chúng ta biết rằng Phật giáo không chủ trương “bịt mắt, bịt tai, bịt miệng …” để đừng thấy đừng nghe, đừng nói, mà điều cốt yếu là giữ cho cái thấy, cái nghe .. được thanh tịnh. Nếu cái thấy chỉ thuần túy là cái thấy, cái nghe thuần túy là cái nghe, thì đó là chánh niệm tỉnh thức, không bị ngoại cảnh chi phối, không bị tâm phân biệt lôi kéo, an lạc sẽ theo sau, còn ngược lại thì phiền não tới liền

Chánh Niệm tức là Thiền:

Đối cảnh không tâm mạc vấn thiền
(đối trước cảnh mà không khởi tâm thì khỏi cần thiền _ Không khởi Tâm tức là không chạy theo vọng tưởng)

Sự thực hành Thiền có 3 điểm cốt yếu; đó là: đưa Tâm về nhà, Buông Xả và Thư giãn.

Đưa Tâm về nhà, là hướng dẫn Tâm đến chánh niệm, là xoay Tâm vào trong, và an trú trong bản tính tự nhiên của nó:

Hãy an trú tịch nhiên
Cái Tâm mệt mỏi này
Bị nghiệp làm xơ xác
Với tư duy cuồng loạn
Như sóng vỗ không ngừng
Trong biển lớn sinh tử
Hãy an trú tịch nhiên

(thơ của Nyoshul Khempo)

Buông Xả là giải phóng Tâm ra khỏi ngục tù chấp thủ (bởi vì chúng ta đều biết rằng tất cả mọi phiền não, đau khổ, sợ hãi đều do sự chấp thủ mà ra)

Thư giãn là khoáng đạt, giải toả Tâm khỏi mọi căng thẳng.
Như vậy, những hình ảnh ngụ ngôn đã đưa chúng ta đến sự suy gẫm về Thiền.

Một bài học nữa là về 2 chữ “Ba không” _ “ba Không” đây không phải không thấy không nghe không biết mà đây có thể nói là “châm ngôn” khi thực hành hạnh Bố thí. Nếu chúng ta bố thí mà Tâm chúng ta có được 3 cái không này thì việc bố thí được gọi là bố thí ba la mật, có công năng cao nhất; đó là:

Không thấy có người cho
Không thấy có người nhận
Không thấy có vật đem cho (của cải vật chất hay tinh thần)

Bố thí như vậy là bố thí với Tâm không _ thi ân không cần báo đáp, không còn nhớ nghĩ đến việc ấy nữa.

Thưa Anh Chị Em,

Chỉ còn vài tuần nữa là Tết truyền thống của dân tộc đến rồi. Tuy ở hải ngoại, không khí Tết không rộn ràng như ở quê nhà nhưng ACE chúng ta vẫn giữ tục lệ chúc nhau,

Thân kính chúc ACE
Một Mùa Xuân Di Lặc Hoan Hỷ
Một năm mới Tân Mão an khang thịnh vượng
và 365 ngày hạnh phùc, an lạc và thảnh thơi trong chánh niệm, tỉnh thức.

Trân trọng,
Nhóm Áo Lam

722 lượt xem