Thưa Anh Chị Em Áo Lam,
Chúng ta đã biết rằng con ngưòi là một chúng sanh kỳ diệu hơn bất cứ loại chúng sanh nào, bởi vì con người, bằng chính năng lực của mình, có thể trở nên một vị Thánh cao thượng nhất hay một kẻ sát nhân, tồi tệ nhất trân gian.
Những yều tố nào, những đức tính nào đã dự phần chuyển đổi con người từ phàm phu trở nên một vị Thánh? _ Xin thưa, đó là 4 Tâm Vô lượng: Từ, Bi, Hỷ và Xả. Hôm nay, thứ Năm ngày 3/2/2011 nhằm ngày mồng Một Tết Cổ truyền của người Việt Nam chúng ta, ngày Vía đức Phật Di Lặc, vị Phật tượng trưng cho hạnh Hỷ Xả; chúng ta hãy nói qua về đức Phật Di Lặc với 2 đức tính Hỷ và Xả.
Thưa Anh Chị Em,
Như chúng ta đều biết, Đức Phật Di Lặc được Phật tử kính ngưỡng tạc tượng Ngài phương phi, hồng hào, mạnh khỏe, miệng luôn cười toe dù chung quanh ngài có 5 đứa bé không ngừng quấy phá: đứa thì móc mắt, đứa thì móc mũi, đứa thì ngoáy tai, đứa leo lên mình v.v.. nếu là người thường thì đã la lối, đánh đuổi bầy con nít phá phách đi xa từ lâu rồi … Nhưng có 2 ý nghĩa để chúng ta hiểu về tượng Phật Di Lặc:
Thứ nhất, 5 đứa bé là tượng trưng cho 5 giác quan (Mắt, Tai, Mũi Lưỡi, Thân) đáng lẽ có 6 mới đúng (có Ý nữa _ nhưng Ý là vô hình chứ không phải cụ thể như mắt, tai v.v. nên chỉ tạc 5 đứa bé chứ không phải 6 vì đưa bé tượng trưng cho Ý không thể thấy được _ thường gọi là Lục Tặc) Lục Tặc là 6 tên giặc làm chướng ngại đường tu. Ở đây, tại sao 6 giác quan lại gọi là lục tặc? _ Muốn hiểu rõ, chúng ta hãy nhớ lại lời Đức Phật đã dạy đệ tử của ngài: “Mắt là biển lớn mà ngươi phải vượt qua” Tại sao? _ Xin thưa: Mắt giúp ta nhìn sắc, nghĩa là những loại vật chất, như con người, cây cối, vàng bạc, châu báu v.v.. Từ cái thấy, lòng tham nổi dậy, ham muốn thúc đẩy con người làm việc bất thiện. Trong lịch sử nhân loại đâu thiếu những ví dụ: 2 người bạn thân đi kiếm vàng, khi đứng trước mỏ vàng, tâm trí mờ tối, chỉ có làm sao để dành cho được kho báu về phần mình không còn tình bạn gì nữa, có khi đi đến thanh toán nhau để chiếm đoạt mỏ vàng … Nếu Mắt nhìn thấy mà tâm không khởi lên sự tham đắm thì đâu có gì xảy ra, nói theo ngôn ngữ Phật Pháp, nếu cái thấy của MẮT chỉ là cái THẤY thuần túy, thì tội lỗi không bao giờ phát sinh. Nhưng cái thấy lại đi liền với phân biệt: Thấy cái này đẹp, cái kia xấu, người này hay người kia dở, v.v.. thế là thị phi xuất hiện và phiền não kéo tới! Tương tự, tai nghe âm thanh, nếu cái NGHE chỉ thuần túy là cái nghe, thì mọi việc đều trôi chảy tự nhiên, nhưng thói thường nghe khen thì vui, nghe chê thì buồn, nghe hợp ý mình thì khen, nghe trái ý mình thì chê v.v.. thế là cố chấp, thành kiến xuất hiện, thuận nghịch xảy ra, tranh chấp kéo tới, làm sao mà có an lạc được? Đức Phật Di Lặc, ngài an nhiên tự tại trước những điều mắt THẤY, tai NGHE; ngài không thích cũng không ghét, không lấy, không bỏ, không chê không khen vì Tâm ngài thanh tịnh, cái thấy cái nghe thuần túy chỉ là thấy và nghe nên Tâm không động; Thiền có câu:
Đối cảnh không tâm
khỏi hỏi Thiền
có nghĩa là: khi 6 Căn (mắt, tai, mũi, lưỡi …) tiếp xúc với 6 Trần (Sắc, thanh, hương, vị …) mà không khởi tâm phân biệt thì đó chính là Thiền.
Thứ hai, Đức Phật Di Lặc là biểu tượng của đức Hỷ Xả; HỶ (Muditã) và XẢ (Upekkhã). Hỷ không phải là trạng thái vui vẻ, thoả mãn, sung sướng, hạnh phúc, hay vui với 1 người nào. HỶ đây là tâm vui thích hoan hỷ trước hạnh phúc của người khác, trước danh dự dành cho người khác, trước sự thành công của người khác v..v.. Vì vậy, lòng ganh tị, đố kỵ là “kẻ thù trực tiếp” của tâm Hỷ; nói cách khác, HỶ là niềm vui làm tiêu tan lòng ganh tị.
XẢ là tâm vô tư, nhận xét đúng đắn, không yêu thích, không ghét bỏ, không ham muốn, không bất mãn, không tham cũng không sân. Người có tâm Xả không phải lạnh lùng, bất cần đời mà là luôn giữ tâm bình thản không dao động trước mọi thăng trầm, được mất, hơn thua, thành bại v.v.. trong cuộc đời. “Kẻ thù trực tiếp” của tâm Xả là luyến ái (rãga).
Học theo hạnh Hỷ Xả của đức Phật Di Lặc, anh chị em chúng ta luôn giữ Tâm vô tư bình đẳng trước mọi biến chuyển của cuộc đời, không săn đón, dính mắc, cũng không xa lánh, dứt bỏ …
Năm Tân Mão sắp về, chúng ta chúc nhau
MỘT MÙA XUÂN DI LẶC HOAN HỶ
MỘT NĂM MỚI TÂN MÃO AN LẠC, THẢNH THƠI
SỐNG HÒA THUẬN TIN YÊU VUI VẺ VỚI THA NHÂN !
Trân trọng,
Nhóm Áo Lam
742 lượt xem
Tin khác
NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG GĐPTVN ĐỐI VỚI ĐẠI DỊCH COVID-19 Nhật Bảo – Nguyễn Đức Nguyên Thông ghi lại từ Pháp thoại của Hòa thượng Thích Thái Hòa đêm mùng 8…
Pháp thoại tuần lễ huân tu mùa Phật Đản phật lịch 2564 – dương lịch 2020 Mời các bạn xem lại clip hay và ý nghĩa nhân mùa Phật Đản của…
Trung Quán Luận được kiết tập trong Đại Chính tân tu Đại tạng kinh, tập 30, kinh số 1564 (T30n1564), được Cưu-ma-la-thập dịch sang Hán vào năm 409 từ nguyên văn tiếng Phạn do Bồ…
NGÀY THẾ TÔN THÀNH ĐẠO – MỘT KỶ NGUYÊN MỚI Ngày thành đạo của Đức Thế Tôn cách đây 26 thế kỷ, đã mở ra cho nhân…
BAN HƯỚNG DẪN TRUNG ƯƠNG GĐPTVN TỔ CHỨC GIẢI TRÌNH LUẬN VĂN BẬC LỰC LẦN THỨ 10 TẠI CHÙA THẬP THÁP DI ĐÀ – TỈNH BÌNH ĐỊNH Sáng ngày 16/11/2019…