Thưa Anh Chị Em Áo Lam,

Anh Chị Em chúng ta thường hát bài “Chim Bốn Phương” với câu “Chúng ta là hương gió mang đi ngàn phương” một cách vô tư và không ai thắc mắc gì cả, nhưng ngày xưa thời đức Phật còn tại thế, đó là vấn đề tôn giả A nan đã thắc mắc và nhờ đức Thế Tôn giải đáp!

Thật vậy, thuở ấy, có một buổi chiều tôn giả A Nan ngồi một mình trong vườn của tịnh xá suy gẫm về vấn đề: “Hương thơm của bông hoa, của lá cây, thân cây, rễ cây. … các loại hương thơm này đều theo chiều gió mà lan rộng ra. Chẳng biết có loại hương thơm nào vừa bay theo chiều gió lại vừa ngược chiều gió chăng? Chẳng biết có loại hương thơm nào tỏa rộng bát ngát khắp nơi không?” A Nan nghĩ như vậy và không tự mình tìm ra câu giải đáp mà đến bên đức Phật thưa thỉnh ngài giải đáp cho mình!
Đức Phật nói: “Này A nan, thí dụ như có người quy y Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng, hành trì đầy đủ 5 Giới tại gia, tỏ ra rộng rãi trong việc bố thí, cúng dường, chẳng hề rít róng, người ấy thật có đức hạnh và đáng khen ngợi. Danh tiếng của người ấy sẽ lan rộng ra khắp chốn, và các tỳ kheo, các bà la môn … tất cả mọi người, ai ai cũng đều ngợi khen người ấy dù ngưòi ấy cư trú ở bất cứ nơi nào.

Rồi đức Phật nói lên hai bài kệ sau đây:

Hương chiên đàn, mạt lỵ, già la
Chẳng hương nào ngược gió bay xa
Chỉ có hương thơm người đức hạnh
Ngược gió mà phảng phất mười phương

(kệ 54)

Hương chiên đàn cùng hương mạt lỵ
Hương già la với hương vũ quí
Giữa những thứ hương này
Giới hương là tối thắng

(kệ 55)

Thi sĩ Phạm Thiên Thư dịch:

Hương kỳ hoa dị thảo
Ngược gió nào đơm hương
Đức hạnh người chân thật
Tự đưa khắp mười phương

Trầm quí ngát hương lên
Nào bằng giải thoát hạnh
Ngào ngạt suốt tam thiên
Là hoa dâng cõi Thánh

Chúng ta nguyện mãi mãi là “hương gió mang đi ngàn phương” đem gieo rắc khắp nơi ánh đạo vàng huyền diệu. Và cao hơn một bậc, rèn luyện tâm mình để một ngày nào đó hương thơm của đức hạnh cũng ngược gió lan tỏa ra khắp bốn phương trời.

Trân trọng,
Nhóm Áo Lam

502 lượt xem