Trong Đại tạng kể:
Lúc Phật tại thế, có một lần ngài A Nan và ngài A Thù có một hiểu lầm nhỏ như vì chưa ngồi lại lắng nghe nhau nên “cái mảy xẩy cái ung”, dần dần Tăng đoàn trở nên không hòa hiệp.
Vốn là có một trưởng giả giàu có, đức tin Tam bảo rất lớn lại đầy thiện tâm, thường làm việc phước đức. Trưởng giả được ngài A Thù hướng dẫn tu tập theo chánh pháp. Ngoài đứa con trai của mình, ông còn nuôi thêm một người cháu (con người em), chủ tâm giúp dạy dỗ cháu nên người. Nuôi dưỡng như nhau mà nghiệp duyên có khác.
Ngài A Thù hứa khả.
Mười lăm năm sau, con cháu của trưởng giả đều đã trưởng thành, nhưng người con ruột thì ăn tiêu phung phí, bài bạc sa đọa còn người cháu thì siêng năng cần mẫn lại hiền hòa nhân ái, biết tôn quý Tam bảo.
Ngài A Thù theo lời phó chúc, trao châu báu cho người cháu. Chàng ta trích ra một phần ba giúp anh, một phần ba xây dựng tịnh thất cúng dường chúng Tăng, một phần ba bố thí cho người nghèo khổ, không giữ lại trong tay một chút nào. Vẫn với đôi bàn tay kiếm sống.
Khi hay tài sản của cha mình, ngài A Thù đã trao trọn cho em, người con vô cùng tức giận, đến hỏi ngài A Nan: “luật lệ xứ chúng ta, khi cha mẹ chết, tài sản để lại, con được hưởng hay cháu? “Ngài A Nan theo thường tình trả lời: “Dĩ nhiên con ruột được thừa kế, trừ khi không có con ruột cháu mới được hưởng”.
Rồi người con thưa lại chuyện với ngài A Nan chuyện ngài A Thù trao tài sản của ông trưởng giả cho người cháu.
Ngài A Nan liền tìm gặp ngài A Thù khiển trách điều đó.
Ngài A Thù im lặng. Nhưng từ bất đồng quan điểm nầy (mà đã lắng nghe nhau trình bày đâu?) Tăng đoàn không hòa hợp, tại trú xứ không bố tát, thí chủ không thể nào cúng dường, tín đồ rất buồn nản.
Rồi một sớm mai, ngài La Hầu La hành cước qua xứ nầy, có 500 tín nữ ra lễ bái nhưng ai nấy đều ưu sầu. Ngài La Hầu La tìm hiểu nguyên do, thì ra họ ưu sầu vì chuyện bất hòa hợp tăng, Rồi các tín nữ đồng thưa: “Bất hòa hợp tăng là một điều đau xót vô cùng, kính nhờ ngài tìm cách hóa giải”.
Ngài La Hầu La dặn dò họ mấy điều và trước khi tiếp tục lên đường, ngài còn ngoảnh lại bảo thêm: mười lăm ngày nữa ngài A Nan sẽ hành hóa qua đây, nhớ làm theo lời ta dặn”.
Quả đúng mười lăm ngày sau, ngài A Nan đi qua, 500 tín nữ đều ẵm con dại ra đón, đặt con xuống đất, đảnh lễ, rồi quỳ mãi ở đấy, để con khóc la khan cả tiếng mà không bế lên, Ngài A Nan hỏi: “Các ngươi không thương con của mình sao?” Các tín nữ trả lời: “Mẹ nào lại không thương con, để con lăn lóc như thế nầy chúng con đứt cả ruột, nhưng Tăng đoàn mất hòa hiệp, không bố tát kiết giới được thì còn đau xót gấp bội phần”. Nghe thế, ngài A Nan nẩy tâm tàm quí, trở về xin ngài Ưu ba Ly hội chúng để phát lồ sám hối.
Khi hội chúng đông đảo, ngài A Nan thuật lại câu chuyện rồi thành khẩn “Thưa đại chúng, Ngài A Thù không có tội gì cả, chính tôi là người có tội vì không suy xét tìm hiểu nguyên nhân nào ngài A Thù xử sự không theo lệ thường mà vội vàng khiển trách, không thực hiện ‘Ý hòa đồng duyệt’, tôi xin đảnh lễ sám hối”.
Ngài A Thù cũng ra trước đại chúng phát lồ: “Chính tôi mới là kẻ có tội, đệ tử của Như lai mà không vận dụng ‘kiến hòa đồng giải’ để xẩy ra bất hòa hợp, làm giảm thanh danh Tăng đoàn. Tôi xin thành tâm sám hối”.
Đại chúng vô cùng hoan hỷ. Sau đó tịnh xá trở lại sinh hoạt bình thường thiện tri thức ngày thêm đông đảo, giáo pháp càng được xiểng dương, Tăng đoàn hưng phấn.
Thưa Anh Chị Em,
Câu chuyện tưởng như “xưa” nhưng thật ra vô cùng mới mẻ, vì sao? _ Xin thưa, vì nó đang xảy ra hằng ngày, trong tập thể Áo Lam của chúng ta, có khi thường xuyên đến nỗi không ai nghĩ đó là một đại hoạ. Thật vậy, từ một sự hiểu lầm nhỏ mà không chịu áp dụng Lục hoà, không ai chịu lên tiếng trước để giải thích những việc làm của mình khi được phê bình chẳng hạn, để tự xem như “đời này không ai hiểu ta” (vì ta là một hòn núi Tu Di không ai vượt qua được !! !!) rồi đau khổ phiền não, rồi xa lánh ACE v..v…
Ước mong tập thể chúng ta nghe được câu chuyện này thì xem như đã được tôn giả La Hầu La chỉ điểm, hãy xích lại gần nhau, sám hối với nhau _ bởi vì chúng ta ai cũng có hai báu vật cốt lõi của người Phật tử _ đặc biệt là người Huynh trưởng GĐPT _ đó là hiểu biết và thương yêu _ chúng ta nhất định không để cho hiểu lầm, thành kiến, cố chấp v.v.. chen vào, biến lục hoà thành lục đục!
Thân kính chúc Anh Chị Em “một ngày như mọi ngày” an lạc và giải thoát (khỏi phiền não của đời sống hằng ngày)
Trân trọng,
BBT
428 lượt xem
Tin khác
NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG GĐPTVN ĐỐI VỚI ĐẠI DỊCH COVID-19 Nhật Bảo – Nguyễn Đức Nguyên Thông ghi lại từ Pháp thoại của Hòa thượng Thích Thái Hòa đêm mùng 8…
Pháp thoại tuần lễ huân tu mùa Phật Đản phật lịch 2564 – dương lịch 2020 Mời các bạn xem lại clip hay và ý nghĩa nhân mùa Phật Đản của…
Trung Quán Luận được kiết tập trong Đại Chính tân tu Đại tạng kinh, tập 30, kinh số 1564 (T30n1564), được Cưu-ma-la-thập dịch sang Hán vào năm 409 từ nguyên văn tiếng Phạn do Bồ…
NGÀY THẾ TÔN THÀNH ĐẠO – MỘT KỶ NGUYÊN MỚI Ngày thành đạo của Đức Thế Tôn cách đây 26 thế kỷ, đã mở ra cho nhân…
BAN HƯỚNG DẪN TRUNG ƯƠNG GĐPTVN TỔ CHỨC GIẢI TRÌNH LUẬN VĂN BẬC LỰC LẦN THỨ 10 TẠI CHÙA THẬP THÁP DI ĐÀ – TỈNH BÌNH ĐỊNH Sáng ngày 16/11/2019…