Thưa Anh Chị Em Áo Lam,
          Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương có kể câu chuyện giữa đức Phât với các vị đệ tử của ngài về mạng sống của con người. Một hôm đức Thế Tôn đang ngồi giữa các vị tỳ kheo trẻ, các đệ tử mới xuất gia của ngài.
Đức Phật hỏi : “Mạng sống của con người được bao lâu?”

Một Thầy tỳ kheo đáp : Bạch Thế tôn, có thể cho là 100 năm,
Đức Thế tôn mỉm cười và lại hỏi một Thầy tỳ kheo khác,
Thầy này trả lời : bạch Thế tôn, vài chục năm thôi,

Đức Phật lại mỉm cười và hỏi tiếp một thầy tỳ kheo khác; thầy này trả lời: Bạch Thế tôn, một tuần lễ,

Đức Phật chỉ mỉm cười và hỏi một thầy tỳ kheo khác nữa, thầy này trả lời: Bạch đức Thế tôn, một ngày một đêm,
Đức Phật vẫn chỉ mỉm cười, và lại hỏi một vị tỳ kheo ngồi gần đó, thầy ấy trả lời: “Bạch Thế tôn, mạng sống của con người chỉ trong một hơi thở”
          Đức Phật gật đầu, xác nhận.
Tổ Qui Sơn nói: “Chuyển tức tức thị lai sanh” có nghĩa là “khi chuyển 1 hơi thở vào thành 1 hơi thở ra là chúng ta đã sanh ra một đời khác rồi” nói cách khác, đời người thật ra chỉ giới hạn trong một hơi thở. Thật vậy, hơi thở vào không có hơi thở ra hay hơi thở ra không có hơi thở vào là dấu hiệu chấm dứt sự sống!
            Do vậy, muốn có an lạc và hạnh phúc thì phải có an lạc ngay trong từng hơi thở. Muốn có hạnh phúc trong từng hơi thở, chúng ta phải có cái nhìn rộng rãi, cái thấy rất sâu, cái thấy của Hoa Nghiêm, siêu việt thời gian, thấy “khoảnh khắc là thiên thu” nghĩa là thấy thông suốt.
          Làm sao để có thể nhìn thấy như vậy? Chúng ta thường nhìn mọi sự việc, sự vật, hiện tượng không phải với con mắt vô tư mà luôn luôn với thành kiến có sẵn, cho nên mọi sự việc trở nên “méo mó” không đúng thật tánh của nó. Nhìn sao thì SỐNG vậy, vì thế nếu nhìn kẹt thì sống khổ, nhìn suốt thì sống vui; vui tức là giải thoát khỏi phiền não, đau khổ.
          Muốn có cái nhìn rộng rãi, chúng ta thực tập: khi đi đứng, nằm ngồi, đánh răng súc miệng v..v.. chúng ta đều phát ra những lời nguyện rộng lớn, nghĩa là thay vì “cầu cho tôi” thì đổi lại “cầu cho chúng sanh” Phương pháp này, giáo lý Hoa Nghiêm gọi là Xảo nguyện _ nghĩa là những lời nguyện thiện xảo vì ý nghĩa lợi tha của nó. Ví dụ khi đi trên đường : dù trên đường thẳng, đường giốc, đường sạch sẽ hay bụi bặm hay gặp con sông v..v… chúng ta đều phát những lời ước nguyện hướng về tất cả chúng sanh, như:
 
TRÊN ĐƯỜNG
Khi đi trên đường
Nguyện rằng chúng sanh
Đi theo đường Phật
Hướng tới Vô Dư
 
 BƯỚC ĐI
Thoăn thoắc bước đi
Nguyện rằng chúng sanh
Dạo tịnh pháp giới
Tâm không chướng ngại
 
LÊN GIỐC
Thấy đường lên giốc
Nguyện rằng chúng sanh
Vĩnh thoát tam giới
Tâm không khiếp nhược
 
XUỐNG GIÔC
Gặp đường xuống giốc
Nguyện rằng chúng sanh
Cõi lòng khiêm hạ
Nuôi thiện căn Phật
 
QUANH CO
Gặp đường quanh co
Nguyện rằng chúng sanh
Bỏ đường bất chính
Vĩnh trừ ác kiến
 
THẲNG TẮP
Gặp đường thẳng tắp
Nguyện rằng chúng sanh
Cõi lòng chánh trực
Không dối, không nịnh
 
ĐƯỜNG BỤI BẶM
Gặp đường đầy bụi
Nguyện rằng chúng sanh
Rời xa bụi bặm
Giữ Tâm  thanh tịnh
 
ĐƯỜNG SẠCH SẼ
Thấy đường sạch sẽ
Nguyện rằng chúng sanh
Thường hành đại bi
Lòng luôn tươi nhuận
 
GẶP CON SÔNG
Nếu thấy sông lớn
Nguyện rằng chúng sanh
Gia nhập dòng Pháp
Vào biển trí Phật
 
ĐÁNH RĂNG SÚC MIỆNG
Đánh răng và súc miệng
Nguyện rằng chúng sanh
Cõi lòng trong sạch
Dứt hết phiền não
 
THỞ VÀO THỞ RA
Thở vào thở ra
Nguyện rằng chúng sanh
Tâm hằng tươi mát
An lạc thảnh thơi
v..v...
Và tương tự như vậy, chúng ta có thể sáng tác những bài kệ cho riêng mình, mỗi bài kệ là một lời nguyện. Từ đó chúng ta thấy rằng sự vi diệu của phương pháp này là bắt đầu bằng những quán tưởng rất bình thường, thân thiết, và thực tế, nhưng qua sự thực tập cho nhuần nhuyễn thì sẽ đưa đến sự “nhập tâm” và từ đó kết quả là sự an lạc trong từng cử chỉ, từng hành động trong đời sống hằng ngày.
 
Thân mến chúc ACE an lạc trong từng hơi thở.
 
Trân trọng,
Nhóm Áo Lam

867 lượt xem