Thưa Anh Chị Em Áo Lam,

Anh Chị Em GĐPT chúng ta dù ở trong nước hay ra đến hải ngoại, đều có một “truyền thống” rất tốt là xem nhau như anh chị em một nhà, hễ biết đích xác đây là một huynh trưởng hay một đoàn sinh mới đến từ trong nước hay từ một tiểu bang khác v..v.. thì chúng ta tay bắt mặt mừng ngay và cùng nhau làm việc _ việc GĐPT ở đâu cũng chừng đó chuyện, từ lễ Phật, dạy Phật Pháp, HĐTN, Việt ngữ … không có gì trục trặc cả! Và khi đã sinh hoạt chung với nhau trong một Đơn vị, trong một Miền … thì rất thân nhau, thậm chí còn gọi “các em của tôi” hay “các anh chị của tôi” … nữa!

Điều này cũng có cái hay và cũng có cái dở _ nói chung là việc gì cũng có 2 mặt, như “2 mặt của 1 đồng xu” mà người ta thường nói vậy đó! Về mặt tốt là như trên đã nói, đó là sự gắn bó, thân tình giữa anh chị em Áo Lam; còn mặt tiêu cực là lâu ngày mình không bỏ được chữ “của tôi” (các em của tôi) và lập tức nó biến thành cái ngã của mình (ngã sở), vì “của tôi” tức là tôi, ai đụng tới là phải biết !   !! “của tôi” đã trở nên một sự dính mắc không thể buông bỏ được!

Ai ai cũng biết cứ mỗi lần có thi đua giữa các Đơn vị hay trong các trại họp bạn, trại huấn luyện v..v.. hễ có điểm số là có “lời ra tiếng vào”; có khi thì “anh/chị ấy thiên vị, không cho “em của tôi” thủ khoa”; có khi thì “anh/chị ấy cho điểm tinh thần các em của anh/chị cao ơi là cao, nếu không thì “em của tôi” thủ khoa rồi” v..v.. nghe thật là rất kỳ cục, ai cũng thấy, ai cũng biết là không nên như vậy, nhưng không có Trại nào tổng kết hay rút ưu khuyết điểm … để chấm dứt được điều này!

Là huynh trưởng, điều cấm kỵ nhất là tư tưởng “cái gì của tôi là đúng, là tốt, cái gì ngược lại là sai” huống chi ở đây GĐPT đâu là của riêng ai? không phải đoàn sinh trong nước là “em của các anh chị trong nước”, các em ở hải ngoại là em của các anh chị ở hải ngoại, hay các em ở đơn vị X là của các anh chị ở đơn vị X … ai cũng biết rất rõ, thế nhưng cứ thiếu tỉnh giác rồi bị tư tưởng “bộ lạc” xâm chiếm đến nỗi có thể gây ra mất đoàn kết trong đại gia đình áo Lam.

Tu học Phật Pháp là dẹp bớt ích kỷ, tự ngã … mà chúng ta đã “tu nhầm” nên càng ngày ngã càng cao đến nỗi mỗi người là 1 ngọn núi Tu Di cao chót vót! Nếu chúng ta hình dung rằng 1 hôm nào đó, em A ở đơn vị X chuyển đến làm việc ở thành phố có đơn vị Y thì em A sẽ trở thành em của các anh chị ở Y rồi, và các anh chị ở đơn vị X đã “mất” em rồi sao?? Đây chỉ là chuyện nhỏ nhưng tục ngữ Việt nam có nói “lỗ thủng nhỏ có thể làm đắm thuyền” nên anh chị em chúng ta cần tự soi rọi lại mình để nếu có những thói quen “bộ lạc” như trên thì xin bỏ! Được như vậy thì thật là phước đức của GĐPT chúng ta.

Còn nữa, nhiều anh chị cho rằng đi theo GĐPT là một cái nghiệp, nhiều anh chị khác lại nói đi theo GĐPT là đại nguyện vì đây là con đường của Bồ tát … Thật ra, nguyện hay nghiệp là do chính mình thôi, không phải sao? Nếu chúng ta đi sinh hoạt ở Đơn vị, hay ở 1 ban hướng dẫn Miền, BHD trung ương v.v.. nghĩa là ở bất cứ nơi đâu, mà chúng ta cảm thấy hạnh phúc, thoải mái thì đó là nguyện, còn nếu trong khi sinh hoạt mà chúng ta không ngớt than van “anh này cố chấp” “chị kia hẹp hòi” “các em ngỗ nghịch” “công việc dồn dập mệt quá” v..v.. hay luôn cho mình đúng và quan trọng còn mọi người không đáng kể, rồi bị phê bình thì tự ái, tuyên bố bậy bạ v..v.. thì đó đích thị là nghiệp rồi! Nghiệp đây là những sợi dây “oan nghiệt” do tự mình gây ra qua thân, miệng, ý không phải trong nhiều đời nhiều kiếp mà chính ngay trong đời hiện tại này! Tóm lại, cái gì mình làm vì người khác, với tâm hoan hỷ thì đó là nguyện, cái gì làm mà động cơ chính là vì mình và khi bất thành thì nổi sân si … cái đó là nghiệp.

Phật Pháp Thứ Năm hôm nay chỉ nói “chuyện nhà” của GĐPT chúng ta do một vài bạn đọc yêu cầu.

Thân kính chúc Anh Chị Em đầy đủ sức khoẻ và luôn tinh tấn trên đường phụng sự lý tưởng.

Trân trọng,
Nhóm Áo Lam

615 lượt xem