Thưa Anh Chị Em Áo Lam,

Trong Kinh “Hạng Cùng Đinh” có kể câu chuyện như sau: Lúc bấy giờ đức Thế Tôn ở Kỳ Viên, đắp y, mang bát chuẩn bị vào thành Xá Vệ để khất thực. Trong thành Xá Vệ cùng lúc ấy, có một người Bà la môn cũng đang chuẩn bị để dâng cúng vật thực. Đức Thế tôn ôm bình bát đi từ nhà này sang nhà khác, và đến gần nhà của người Bà la môn. Thấy đức Phật từ xa đến người Bà la môn nói: “hãy đứng lại, này ông thầy tu kia! Hãy dừng lại, này ông đạo bần tiện đê hèn! Hãy đứng lại đó, này người cùng đinh khốn khổ!”

Khi nghe như vậy, đức Thế tôn ôn tồn nói: “Này ông Bà la môn, ông có biết người cùng đinh là thế nào và cái gì làm cho người ta trở thành cùng đinh không?”

_ Không, quả thật tôi không biết! này Gotama, tôi không hiểu cùng đinh là thế nào và những gì làm cho người ta trở thành cùng đinh; xin hãy chỉ dạy cho tôi!
_ Hãy nghe đây, ông bà la môn: Mới sinh ra không ai là cùng đinh, không ai là Bà la môn; trở thành cùng đinh hay trở thành bà la môn là do ở hành vi; những hạng người sau đây:

1. con người dễ nóng giận, nhiều thói hư tật xấu, bản tính giả dối, ưa gạt gẫm, phỉnh lừa … _ người ấy là cùng đinh.
2. con người không có lòng bi mẫn đối với chúng sanh, thường làm tổn thương chúng sanh.
3. người đi tiêu diệt thôn xóm, vây hãm thôn xóm, áp chế và chinh phục, người ấy là cùng đinh.
4. người nào trộm cắp hay cướp đoạt tài sản, của cải của người khác dưới bất kỳ hình thức nào, người ấy là cùng đinh.
5. người nào giựt nợ rồi bỏ trốn, khi được hỏi thì lại nói ngược “tôi có thiếu nợ gì đâu”, người ấy là cùng đinh.
6. người nào vì lòng tham giết bạn để đoạt của, người ấy là cùng đinh.
7. người nào được mời làm nhân chứng mà vì lợi mình đã nói lời giả dối, người ấy là cùng đinh.
8. người nào dùng quyền lực áp bức hãm hiếp hay dụ dỗ phụ nữ, người ấy là cùng đinh.
9. người nào mắng chưởi hay đánh đập cha mẹ, người ấy là cùng đinh.
10. người nào giàu có mà không phụng dưỡng cha mẹ, người ấy là cùng đinh.
11. người nào khi được hỏi về những điều phải trái, thiện ác mà không chỉ dạy hết lòng, còn giấu kín những hiểu biết của mình, kẻ ấy là cùng đinh.
12. người nào đã làm điều ác mà không biết sám hối, còn giấu nhẹm, ấy là người cùng đinh.
13. người nào không đối đãi tốt với người đã đối xử tốt với mình, ấy là người cùng đinh.
14. người nào lường gạt, khuấy nhiễu, hoặc không dâng cúng vật thực cho một tu sĩ đi khất thực, một đạo sĩ ẩn dật, một người bà la môn … người ấy là cùng đinh.
15. người nào bị u mê, vô minh che lấp, lại bày trò tiên tri bậy bạ để mưu sinh bất chánh, người ấy là cùng đinh.
16. Kẻ nào tự tâng bốc mình, khinh rẻ người khác, kẻ ấy là cùng đinh.
17. Kẻ nào có tính ưa khấy nhiễu, tham lam vô độ, không biết hổ thẹn, không sợ gây tội lỗi, kẻ ấy là cùng đinh.
18. người nào mắng chưởi, nguyền rủa Phật và các đệ tử Phật, người ấy là cùng đinh.
19. người nào chưa đạt quả vị A la hán mà tự xưng A La Hán, người ấy là cùng đinh.

Sau khi nghe những lời giảng dạy của đức Phật, người Bà la môn tán thán công ơn của ngài như sau: lành thay, bạch đức Gotama! Cũng như người kia dựng lại ngay ngắn một vật đã bị lật đổ, hay khám phá ra một vật đã được giấu kín, hay vạch đường chỉ lối cho người lạc bước, hay cầm đèn soi sáng trong đêm tối … giáo pháp của ngài thật cao thượng, con xin được quy y với đức Gotama, nơi Giáo pháp của ngài và nơi các vị đệ tử của ngài!

Thưa Anh Chị Em,
Tâm Xả của đức Thế tôn đã cảm hóa người Bà La môn một cách kỳ diệu, từ một người không hiểu biết, phát ngôn bừa bãi, ông ta quay góc 180 độ khi thấy thái độ bình thản và từ ái của đức Thế tôn, ông ta đã “giác ngộ” hiểu được ý nghĩa 2 chữ cùng đinh khi nghe đức Phật từ bi giảng giải, rồi trở thành đệ tử Phật. Chúng ta hãy cùng nhau ôn lại ý nghĩa của tâm Xả _ một trong 4 Vô Lượng Tâm (Từ, Bi, Hỷ, Xả)

Tâm Xả = Upekkha theo Phạn ngữ gồm 2 từ “upa” và “ikkha” kết hợp lại. Upa là đúng đắn, chân chính, vô tư. “Ikkha” là trông thấy, nhận định, suy luận. Do đó, Upekkha là trông thấy đúng đắn, nhận định chân chính hay suy luận vô tư, nghĩa là không kèm theo lòng ưa thích, ghét bỏ hay bất mãn, cũng không tham, không sân.

Upekkha (Xả) không có nghĩa là lạnh lùng, lảnh đạm, bất cần đời, cũng không phải là trạng thái vô ký, không vui không buồn.
Khinh rẻ, phỉ báng, nguyền rủa … là thói thường của thế gian; cả những người đạo cao đức trọng, trong sạch … cũng có thể bị chỉ trích, chê bai, vu oan v.v.. Giữa những cơn giống tố của cuộc đời, người trau giồi tâm Xả luôn giữ tâm bình thản.

Trước 8 ngọn gió làm cho tâm con người dao động, chao đảo: thành – bại, được – mất, khen – chê, hạnh phúc – đau khổ, giữa những thăng trầm của thế sự như thế, đức Phật dạy luôn giữ tâm thản nhiên bằng cách hành tâm Xả thì sẽ được vững chắc như tảng đá lớn sừng sững giữa trời. Đức Phật dạy (trong Túc sanh truyện”): Trong hạnh phúc, trong đau khổ, lúc thăng, lúc trầm, ta phải giữ tâm như đất.

Cũng như trên đất ta có thể vất bất cứ vật gì, dù chua dù ngọt, dù sạch dù dơ, đất vẫn thản nhiên. Đất không giận cũng không thương.

Thân kính chúc Anh Chị Em khéo trau giồi Tâm Xả để luôn giữ được tâm bình khí hòa trước tất cả những nghịch cảnh, nội ma, ngoại chướng, những trái ý nghịch lòng, những điều “chướng tai gai mắt” v.v.. để giữ đúng điều luật thứ năm “ Phật tử sống hỷ XẢ để dũng tiến trên đường Đạo”.

Trân trọng,
Nhóm Áo Lam

522 lượt xem