Thưa Anh Chị Em Huynh Trưởng,

  Vấn đề quan tâm hàng đầu của chúng ta bao giờ cũng là vấn đề giáo dục; vì vậy, tự tu học và hướng dẫn các em tu học luôn là câu chuyện muôn đời của người Huynh trưởng GĐPT.

  Thêm vào đó, người HT GĐPT không bị ràng buộc bởi một pháp môn tu nào, một tông phái nào, miễn là mục đích tôn chỉ là Phật Pháp, những điều cốt lõi của lời Phật dạy là được rồi. Thế cho nên người HT GĐPT dù lớn tuổi hay trẻ tuổi, dù là HT Lộc Uyển, hay Vạn Hạnh đều lấy mấy câu đầu tiên của Kinh Pháp Cú làm kim chỉ nam:

Tránh tất cả các việc ác
Làm tất cả các việc thiện
Thanh lọc tâm ý
Đó là lời dạy của chư Phật
 Thưa Anh Chị Em,
Thế nhưng khi đi vào định nghĩa THIỆN và ÁC (BẤT THIỆN) thì lại có vấn đề! Đó chính là nguyên nhân chia ra thành nhiều tông phái Phật giáo khác nhau, vì một nhóm người đồng ý với định nghĩa này mà nhóm kia không chấp nhận, họ chọn một định nghĩa khác, hình thành một tông phái khác phù hợp với định nghĩa của mình v..v.. GĐPT chúng ta không bị ràng buộc bởi những định nghĩa nên không phủ nhận hay thừa nhận những hình thức nghi lễ thế gian của các tông phái, cho nên thoát ra được, đứng ngoài các tông phái, chúng ta không phân biệt chùa nào là của Nam tông, của Bắc Tông, của Thiền Tào Động, hay của Nhật liên tông v.v.. Chúng ta tôn trọng tất cả tôn chỉ của họ, nhưng chúng ta có định nghĩa về Thiện và Ác (Bất thiện) theo Pháp (Dhamma) _nghĩa là theo Qui Luật Chung của Tự Nhiên .

           Bất cứ hành động nào làm hại người khác, quấy rối sự an lạc, hài hoà của ngừoi khác là bất thiện, là xấu ác.
           Bất cứ hành động nào gíup ích cho người khác, mang lại an lạc, hài hòa cho người khác là thiện, là tốt lành.
Vì theo qui luật tự nhiên, trước khi chúng ta có thể làm những việc có hại cho người khác, tâm chúng ta phải chất chứa những phiền não như ganh ghét, nóng giận, sợ hãi, thù óan v.v.. và mỗi khi trong tâm phát khởi lên những phiền não như vậy thì chúng ta trở nên đau khổ, chúng ta phải sống trong “địa ngục nội tâm”_nghĩa là mình tự dựng lên một địa ngục ngay trong lòng mình, trong tâm trí mình.

Tương tự như thế, chúng ta không thể làm những việc giúp ích cho ngưòi khác nếu trước đó tâm chúng ta không phát khởi tình thương, thiện chí, lòng từ bi…Tâm này được gọi là Tâm thanh tịnh. Như vậy, ngay khi chúng ta phát triễn được những phẩm chất tốt đẹp của một Tâm thanh tịnh thì chúng ta đã bắt đầu hưởng được một “thiên đường an lạc nội tâm” ; điều đó có nghĩa: thiên đường hay địa ngục cũng ở ngay trong TÂM của chúng ta mà thôi. Và kết luận tất nhiên mà chúng ta suy ra được là: Khi chúng ta giúp đỡ người khác, chúng ta đã đồng thời tự giúp mình; ngược lại, khi chúng ta làm hại ai, chúng ta đồng thời làm hại chính mình; đây chính là Pháp ( Dhamma), là chân lý, là quy luật tự nhiên.

Con đường của Dhamma được gọi là Bát Thánh Đạo, nghĩa là ai tu tập theo đường lối này thì sẽ trở nên thánh thiện, sẽ trở thành một Thánh nhân. Con đường này gồm có 3 phần: Giới ( Sila), Định ( Samadhi) và Tuệ (Panna). Giới giúp chúng ta tránh những lời nói và hành động bất thiện, thực hành những việc thiện, lành ; Định giúp chúng ta làm chủ được Tâm và Tuệ giúp thanh lọc tâm ý.

Ba mục thuộc về GIỚI trong Bát Thánh Đạo là: Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng.
Ba mục thuộc về ĐỊNH là: Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định
Hai mục thuộc về TUỆ là: Chánh Kiến và Chánh Tư Duy.

Đây là nội dung bài Bát Chánh Đạo trong chương trình tu học của ACE Huynh trưởng và đoàn sinh GĐPT nên rất quen thuộc rồi, không cần khai triễn.
Quan trọng là phần thực hành và chià khóa của thành công là Tinh Tấn. Đó là khẩu hiệu Tinh Tấn mà ACE chúng ta vẫn nhớ nằm lòng, nhưng ý nghĩa cũng đáng cho chúng ta suy gẫm.Tinh Tấn không chỉ có nghĩa là siêng năng đâu, Tinh Tấn là cố gắng, nổ lực làm 4 việc:
Chận đứng những tư tưởng bất thiện, không cho sinh khởi
Dứt trừ những điều bất thiện đã sinh khởi
Làm phát khởi những điều thiện chưa sinh
Phát triễn những điều thiện đã khởi sinh
(đó chính là nội dung của Tứ Chánh Cần _ là 4 phẩm nằm trong “37 phẩm trợ đạo” đó thôi)

Thân kính chúc ACE một mùa Thanksgiving sum họp, an lạc và thảnh thơi.

Kính chào Tinh Tấn!
Trân trọng,
BBT

442 lượt xem