Thưa Anh Chị Em Huynh Trưởng,

 Nhân mùa lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) chúng ta hãy bàn về “cho” và “nhận”, biết ơn, báo ơn … theo cái nhìn của người Phật tử (nghĩa là dưới ánh sáng của Phật Pháp).

 “Cho” hay “tặng” hay “bố thí”, “cúng dường” đều mang cùng một ý nghĩa, chỉ là thay đổi từ ngữ cho thích hợp tùy theo chủ thể và đối tượng mà thôi! Để làm nền cho đề tài Câu Chuyện Dưới Cờ hôm nay chúng tôi xin nhắc lại câu chuyện của chàng trai nghèo khó xứ Ấn Độ cúng dường đức Phật và “lời bàn” của Đức Thế Tôn về sự cúng dường ấy. Chúng ta tạm gọi tên chàng trai ấy là Balia.

 Một hôm Balia vừa cho cha mẹ già ăn cơm xong, còn dư nửa chén cơm và nửa bát canh, anh ta để lên bàn đậy lại để phần mình thì nhìn ra ngõ thấy đức Phật đang đi khất thực đứng ngay trước cửa, Balia không ngần ngại đem nửa chén cơm và nửa bát canh ra cúng dường ngài; sau đó vài tháng, nghe tin Tăng đoàn của đức Phật chuẩn bị cất một tu viện để làm nơi cư trú và tu học, Balia liền giở một nửa căn nhà của mình ra bán, lấy tiền cúng dường vào việc đó …

  Mùa an cư năm đó, vua Ba Tư Nặc cúng dường trai tăng cho 5000 vị tỳ kheo đệ tử Phật trong suốt 3 tháng, cung cấp y phục, thức ăn, thuốc men, tất cả tiện nghi v.v.. đầy đủ. Vua hoan hỷ nói với đức Phật: bạch đức Thế tôn, trên thế gian này đã có ai cúng dường đức Thế Tôn và Tăng đoàn của ngài bằng con chưa? Con xin ngài cho con biết, để nếu có người nào bằng con hay hơn con, con sẽ làm theo y như họ hay hơn họ nữa. Đức Phật trả lời: Đại Vương! có đấy! Vua ngạc nhiên quá vì ngài hỏi là hỏi chơi thôi, đâu thể ngờ đến câu trả lời “sấm sét” như vậy! nhưng lời nói của đức Thế Tôn không thể là nói chơi nên ngài suy nghĩ dữ lắm, cuối cùng vua hỏi: Bạch Thế tôn, ai có thể giàu có hơn con, quyền lực cao hơn con để có thể cúng dường Thế Tôn và Tăng đoàn của ngài hơn con được? Đức Phật điềm tĩnh trả lời: đó là chàng trai Balia nghèo khổ nhất xóm kia, đã đem thức ăn cả ngày của mình để vào bình bát của Như Lai không do dự và là ngưòi dám giở nửa căn nhà của mình cúng dường cho chư Tăng xây cất thiền viện để có nơi ăn ở và tu học. Đại vương! Đã có vị vua nào trên thế gian này chịu nhịn đói một ngày để cúng dường ẩm thực cho Như Lai và chia một nửa giang sơn của họ cho chư Tăng xây cất tịnh xá chưa?
Thế đấy, thưa Anh Chị Em Huynh trưởng,

Bố thí cúng dường, cho hay tặng v.v.. là cốt ở tấm lòng thành khẩn, thiết tha, không cần phải giàu sang như vua chúa mới có phương tiện cúng dường, mà một bà già ăn xin nghèo khổ cùng cực vẫn có thể, như câu chuyện “bà già cúng đèn” mà chúng ta đã dạy cho các em từ khi các em còn là Oanh Vũ. Có đôi khi chỉ cần một nụ cười thông cảm, một cử chỉ thân ái, một cái bắt tay v.v.. cũng đã là một món quà quí cho nhau. Bài học của sự bố thí, cúng dường có mục đich cho chúng ta mở rộng lòng ra để thương yêu tất cả, đó là những thực tập cần thiết để trau giồi tình yêu thương, nuôi lớn những hạt giống từ bi, hỷ xả, những hạnh lành của chư Phật và Bồ tát. Hơn ai hết, người Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử cần tự huấn luyện Tâm mình biết chia sẻ, bao dung, biết “cho”, biết “cúng dường”, biết “trao tặng” v.v.. mới bỏ được những tập khí lâu đời của ích kỷ, thành kiến, cố chấp, kiêu căng, ngã mạn v.v.. vì Tổ chức chúng ta là một tổ chức giáo dục theo tinh thần Đạo Phật _ nghĩ đến người khác truớc _ chúng ta cần hoàn thiện mình để phục vụ tuổi trẻ Phật giáo và trên đường phục vụ chúng ta sẽ trở nên hoàn thiện nhờ vào sự trau giồi Từ Bi và Trí Tuệ trong từng giờ từng ngày.

Xin chép tặng Anh Chị Em 2 câu thơ của ai đó, rất hợp cho mùa Lễ Tạ Ơn này:

Cảm ơn Đời mỗi sớm mai thức dậy,
Ta có thêm ngày nữa để yêu thuơng !

Trân trọng,
BBT

512 lượt xem