CHỌN BẠN MÀ CHƠI
(Câu Chuyện Dưới Cờ của Huynh Trưởng Tâm Lễ, nói trong ngày 27.12.2011, tại Trại họp bạn Phổ Hòa, họp bạn cấp Gia Đình toàn liên bang Úc Đại Lợi)
Trên cuộc đời nầy không ai có thể sống lẽ loi, đơn độc một mình mà không có một vài người quen biết xa gần, để lúc cần thiết thì qua lại giúp đỡ nhau, còn lúc có thì giờ rảnh rỗi thì cùng lui tới vui chơi, chia sẻ vui buồn. Quan hệ đó ta gọi là tình bạn.
Để tạo nên nhân cách con người, việc kết bạn để giao du, quan hệ, vui chơi quả thật hết sức quan trọng. Các vị Cổ Đức ngày xưa đã dạy rằng: “Sinh ra ta là cha mẹ, nhưng nên hay hư; tốt hay xấu là do bởi bạn bè. Gần gũi bạn hiền giống như đi trong sương, tuy không ướt áo liền nhưng dần dần rồi sẽ thấm. Còn thân cận bạn ác thì nuôi lớn tri kiến ác, sớm tối thường làm những điều ác liền bị quả báo, sau khi chết phải chịu đọa lạc. Một khi mất thân nầy rồi thì muôn kiếp khó được trở lại” (Sinh ngã giả phụ mẫu, thành ngã giả bằng hữu. Thân phụ thiện hữu giả như vụ lộ trung hành, tuy bất thấp y thời thời hữu nhuận. Áp tập ác giả trưởng ác tri kiến, hiểu tịch tạo ác tức mục giao báo một hậu trầm luân. Nhất thất nhơn thân vạn kiếp bất phục – Quy Sơn Cảnh Sách). Do đó khi chọn bạn để giao du quan hệ, qua lại vui chơi, phải nên hết sức cẩn thận.
Làm bậc Phụ huynh, muốn cho con em của mình không bị tiêm nhiễm những thói hư tật xấu, thì cần nên giúp đỡ và tạo điều kiện, khuyến khích con em mình lui tới sinh hoạt với những đoàn thể trẻ mang mục đích giáo dục, có nhiều chương trình sinh hoạt vui chơi lành mạnh và bổ ích. Do được gần gũi, kết bạn, vui chơi với người cùng trang lứa, cùng theo đuổi mục đích học tập, rèn luyện để trở nên người có nhân cách, hữu ích cho gia đình và cho xã hội, lâu ngày chầy tháng không ít thì nhiều, con em mình cũng tập nhiễm theo. Mẹ ông Mạnh Tử ngày xưa, cũng nhờ biết cách chọn nơi cư trú, tạo một môi trường sinh hoạt lành mạnh cho con mình, mà sau nầy Thầy Mạnh Tử được người đương thời xưng tán là bậc “Á thánh Đại hiền” (Á Thánh là người có nhân cách cao thượng, chỉ đứng sau bậc Thánh nhân (của thời đó là đức Khổng Tử).
Chuyện kể rằng, bên Trung Hoa thời xưa có ông Mạnh Tử. Lúc còn bé, nhà ông ở sát bên cạnh một lò sát sanh, nơi hàng ngày người ta mỗ thịt trâu bò để mang ra chợ bán. Hàng ngày, ông Mạnh Tử thường chứng kiến cảnh tượng những người đồ tể làm thịt trâu bò. Những người nầy hay uống rượu say sưa, tánh tình hung dữ, hành vi thô tháu, lời ăn tiếng nói lỗ mảng. Từ đó, ông Mạnh Tử cũng bắt chước theo. Mẹ ông thấy vậy mới than rằng: “Chỗ nầy không phải là chỗ con ta nên ở”. Rồi bà dọn nhà sang nơi khác.
Nơi ở mới gần bên một khu chợ sầm uất. Hàng ngày, ông Mạnh Tử chứng kiến cảnh người ta mua bán, lường gạt, gian tham, trộm cắp, nói dối, đánh lộn, chưỡi bới lẫn nhau… Ông Mạnh Tử cũng bắt chước kết bạn với đám trẻ con ở chợ bày trò trao đổi mua bán, ăn cắp, nói dối, chưỡi bới, đánh lộn… Mẹ ông lại than rằng: “Thôi rồi, chỗ nầy cũng không phải là chỗ con ta nên ở”. Nói rồi, bà dọn nhà sang nơi khác.
Lần nầy, chỗ ở mới của gia đình ông Mạnh Tử nằm sát bên cạnh một ngôi trường học. Hàng ngày, thấy những đứa trẻ cùng trang lứa với mình cắp sách đến trường, chăm chỉ học hành, ngoan ngoãn và biết vâng lời, ăn nói lễ độ… ông Mạnh Tử lại bắt chước, đòi mẹ cho đi học, tập nhiễm theo những đức tánh tốt như lễ phép, chăm chỉ học hành, siêng năng, ngoan ngoãn, vâng lời, có hiếu với mẹ… Chính nhờ mẹ ông biết chọn lựa chỗ ở tốt, tạo nên một môi trường thích hợp, lành mạnh cho con mình, mà sau nầy Thầy Mạnh Tử trở thành Thánh nhân trong thiên hạ.
Đó là nói về phần trách nhiệm của cha mẹ. Còn về phần của bản thân chúng ta thì sao? Qua thời gian dài đúc kết kinh nghiệm sống, tiền nhân đã viết thành những bài học thiết thực để truyền lại cho con cháu. Trong kho tàng kinh nghiệm đó có câu tục ngữ: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.
Xét về mặt ngữ pháp, đây là một câu văn thật gọn gàng, nhưng súc tích và hết sức trong sáng. Những người đi trước đã hết sức thông minh, mượn hai hình ảnh tương phản nhưng lại rất gần gũi, để tượng trưng cho hai thái cực:
Mực: tượng trưng cho sự dơ bẩn, lem luốc, tối tăm, xấu xa, tội lỗi.
Đèn: tượng trưng cho sự sạch sẽ, trong sáng, tốt đẹp, lương thiện, đạo đức.
Sau chữ mực và chữ đèn đều có chữ “thì” như một sự khẳng định chắc chắn.
Về nghĩa đen, câu nầy có ý muốn nói rằng: nếu đứng gần mực thì sẽ bị dính mực khiến cho quần áo bị vấy bẩn, mặt mày trở nên lem luốc, dơ dáy. Còn nếu đứng gần đèn thì nhờ có áng sáng của ngọn đèn chiếu vào sẽ khiến cho mình trở nên rõ ràng, sáng sủa, đẹp đẽ.
Còn nói về nghĩa bóng, câu trên muốn ám chỉ: nếu ở môi trường, hoàn cảnh xấu, giao thiệp với những người bạn ác, không sớm thì muộn, chắc chắn mình sẽ bị tiêm nhiễm những thói hư tật xấu, bị lôi kéo vào con đường hư hỏng, phạm pháp. Ngược lại, nếu được sinh hoạt trong môi trường lành mạnh, gần gũi những người bạn tốt, dần dần rồi mình cũng sẽ huân tập được những đức tính tốt, để trở nên người có nhân cách, hữu dụng cho gia đình và cho xã hội.
Anh chị em chúng ta hãy nên suy nghĩ, quán chiếu về điều nầy: Người có bạn ham câu cá, săn bắn thì cũng nhiễm sở thích săn bắn, câu cá. Người thường giao du với giới băng đảng giang hồ, đâm thuê chém mướn, hay buôn bán ma tuý, thì họ cũng bắt chước theo: không lo học hành, không chịu làm ăn, chỉ biết đàn đúm, ăn chơi nhậu nhẹt, tụ tập băng nhóm, sử dụng hay phân phối ma túy, đâm mướn chém thuê, làm điều phạm pháp. Người kết bạn với giới xâm mình, hay đeo khuyên tai, thì thường bắt chước theo, cũng thích xâm mình, cũng đeo khuyên tai. Hễ đi chơi với người có tánh gian dối, hay nói tục, chửi thề thì mình cũng nhiễm theo tánh nết dối trá, có thói quen hễ khi mở miệng là chửi thề, nói tục. Giao thiệp, kết bạn với người có đam mê cờ bạc hoặc có tánh thường hay trộm cắp, thì mình cũng quen với thói trộm cắp, đánh bạc… vì “Gần mực thì đen” mà.
Ngược lại, nếu chúng ta kết bạn, giao du với những người biết lo chăm chỉ học hành, biết sống tri túc, biết lo làm lo ăn, siêng năng cần mẫn, biết tinh tấn thực tập những lời Phật dạy: vâng làm điều lành, lánh xa điều dữ, thường lễ Phật, tụng kinh, ưa bố thí, có lòng thương người và hay giúp đỡ những người bất hạnh, ham học hỏi, có chí cầu tiến và biết phục thiện… thì dần dần chúng ta cũng sẽ huân tập được những đức tính tốt như biết lo chăm chỉ học hành, có chí tiến thủ, có lòng thương người, siêng năng, tinh tấn, xa lánh điều ác, vâng làm việc lành… vì “Gần đèn thì sáng”. Được như vậy cũng là lẽ tất nhiên.
Đó là nói trong phạm vi việc đời. Nhưng việc đạo cũng đâu có gì khác. Với người có chí hướng tu học thì phải nên thân cận chư Trưởng lão, Thiện tri thức, đó là điều kiện bắt buộc để có thể tiến xa trên con đường tu tập. Trong kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới đã viết như vậy, bởi lẽ: “Ăn cơm có canh, tu hành có bạn”. Trên đường học đạo, nếu không được các bậc Trưởng lão (là những người có đức độ và kinh nghiệm tu tập) hướng dẫn, khuyên bảo, sách tấn; nếu không chịu thân cận chư Thiện hữu tri thức (là những người bạn lành, đồng hạnh đồng sự với mình) để được hỗ trợ, hay ngăn cản, la rầy mỗi khi mình tỏ ra hư hỏng; khen ngợi, cổ vũ mỗi khi mình giỏi giang tiến bộ, thì sự tu tập của cá nhân mình sẽ trở nên giải đãi, biếng nhác, thối lùi, mà không thể siêng năng tinh tấn, nguyện lực, sơ tâm lúc ban đầu cũng sẽ mai một theo thời gian mà không còn dõng mãnh, kiên cố như thuở ban đầu nhập đạo.
Bởi vậy, người có trí nên xa lánh bạn ác, gần gũi bạn lành. Người khôn phải biết nên chọn bạn mà chơi là do như vậy.
443 lượt xem
Tin khác
NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG GĐPTVN ĐỐI VỚI ĐẠI DỊCH COVID-19 Nhật Bảo – Nguyễn Đức Nguyên Thông ghi lại từ Pháp thoại của Hòa thượng Thích Thái Hòa đêm mùng 8…
Pháp thoại tuần lễ huân tu mùa Phật Đản phật lịch 2564 – dương lịch 2020 Mời các bạn xem lại clip hay và ý nghĩa nhân mùa Phật Đản của…
Trung Quán Luận được kiết tập trong Đại Chính tân tu Đại tạng kinh, tập 30, kinh số 1564 (T30n1564), được Cưu-ma-la-thập dịch sang Hán vào năm 409 từ nguyên văn tiếng Phạn do Bồ…
NGÀY THẾ TÔN THÀNH ĐẠO – MỘT KỶ NGUYÊN MỚI Ngày thành đạo của Đức Thế Tôn cách đây 26 thế kỷ, đã mở ra cho nhân…
BAN HƯỚNG DẪN TRUNG ƯƠNG GĐPTVN TỔ CHỨC GIẢI TRÌNH LUẬN VĂN BẬC LỰC LẦN THỨ 10 TẠI CHÙA THẬP THÁP DI ĐÀ – TỈNH BÌNH ĐỊNH Sáng ngày 16/11/2019…