Thưa Anh Chị Em Huynh trưởng bốn phương,

Mỗi khi chúng ta đi thiền hành, vị thầy hướng dẫn luôn nhắc nhở phải bước những bước chân vững chãi, tỉnh thức, như bước đi của đức Phật v..v..

Ở những nơi ghi lại các thánh tích, chúng ta cũng thấy hình những bước chân Phật để kỷ niệm sự việc Thái Tử Tất Đạt Đa (Bồ tát Hộ Minh) khi giáng trần, đã đi 7 bước trên hoa sen.

Hôm nay anh chị em chúng ta cùng nhau ôn lại 7 bưóc này để làm đề tài quán chiếu của mình trong 7 ngày của tuần lễ nha!

Kinh kể lại rằng khi mới xuất hiện trong cõi Ta Bà này, cậu bé thái tử Tất Đạt Đa bước 7 bước thật vững chãi, và trong mỗi bước chân, ngài lại nhìn vào một hướng (phương) để xác nhận sự hiện diện của mình trong thế giới này.

Bước thứ nhất, ngài nhìn về phương Đông và nói: “vì chúng sanh mà ta làm bậc đạo sư.” Phương Đông là phương mặt trời mọc, tượng trưng cho trí tuệ, cho nguồn năng lượng vĩ đại nuôi dưỡng và sưởi ấm muôn loài. Cũng vậy, Bồ tát xuất hiện để làm Phật, đem nguồn tuệ giác soi đường cho chúng sanh, khai thị cho chúng sanh thấy được Phật tánh trong mỗi người. Như vậy bước chân thứ nhất là bước chân của bậc Đạo Sư đầy đủ trí đức.

Bước chân thứ hai, ngài nhìn về phương Nam và nói: “vì hết thảy chúng sanh mà ta làm ruộng phước.” Ruộng, đất là nền tảng vững chắc, nơi chúng sanh làm nhà để ở, gieo trồng lúa gạo, cây trái v.v.. để nuôi thân. Cũng vậy, Bồ tát xuất hiện làm Phật, làm mảnh đất, mảnh ruộng để chúng sanh có nơi nương tựa, gieo trồng và vun xới những hạt giống từ bi, trí tuệ, mai sau gặt được những hoa trái giác ngộ, giải thoát. Phương Nam là biểu tượng của Trung Đạo (ở giữa Đông và Tây) hay là chánh trực. Trung đạo như chúng ta đã biết, đó là không rơi vào hai cực đoan, ví dụ về phương diện tu tập không rơi vào ép xác khổ hạnh, cũng không bị cuốn vào phóng dật, buông thả …. Như vậy, bước chân thứ hai của ngài là bước chân phước điền đầy ân đức, nuôi lớn những hành vi tốt đẹp, thiện lành của chúng sanh.

Bước chân thứ ba, ngài nhìn về phương Tây và nói: “vì hết thảy chúng sanh, thân này là thân sau cùng.” Phương Tây là phương mặt trời lặn, đối với chúng sanh trên mặt đất này thì mặt trời mọc ở phương Đông, lặn ở phương Tây, nên phương Tây là điểm kết thúc của 1 hành trình, chu kỳ của 1 ngày. Đó chính là nơi gặt hái những hoa trái thơm ngon của cõi Cực Lạc, (cõi Tịnh Độ) khi, suốt hành trình, công phu niệm Phật “nhất tâm bất loạn” được thành tựu viên mãn. Cũng vậy, Bồ tát bằng đại hạnh và đại nguyện của mình, trong quá trình tu tập, vượt thắng tất cả chướng ma để kết thúc vòng luân hồi sinh tử. Như vậy, bước chân thứ ba của ngài là bước chân của thân cuối cùng trong sinh tử luân hồi, còn gọi là bước chân đoạn đức _ bước chân đã đoạn tận tất cả những phiền não, ô nhiễm để đạt Niết bàn hay Cực Lạc.

Bước chân thứ tư, ngài nhìn về phương Bắc và nói: “vì hết thảy chúng sanh mà ta thành tựu Giác ngộ vô thượng”. Phương Bắc là giao tuyến của Đông và Tây, giữa sáng và tối, giữa ngày và đêm, giữa sinh tử và niết bàn. Cũng vậy Bồ tát vì đại nguyện cứu độ chúng sanh, thị hiện vào cõi Ta Bà, bóng đêm của sinh tử, tinh tấn tu tập để thành tựu Đạo Giác ngộ Vô thượng, nghĩa là từ bóng đêm sinh tử bước ra vùng ánh sáng của trí tuệ và từ bi. Như vậy, bước chân thứ tư là bước chân của đại nguyện.

Bước chân thứ năm, nhìn xuống phương Dưới, ngài nói: “vì hết thảy chúng sanh mà tận diệt 10 đạo quân của ma vương” Chúng ta đã biết “ma” là tất cả những chướng ngại ngăn chận sự tu tập, chúng ở ngay trong tâm ta, chúng là những hạt giống bất thiện trong ta (là chấp ngã, là thành kiến v.v..) Phương Dưới là biểu tượng của những sự thấp hèn, kém cỏi, xấu ác về thân, lời, ý …. Cho nên Bồ tát xuất hiện trong cuộc đời dùng gươm bén của trí tuệ chặt đứt tất cả ma phiền não để cứu độ chúng sanh. Như vậy bước thứ năm là đại phá ma quân hay là tuệ đức.

Bước chân thứ sáu, nhìn lên phương Trên, ngài nói: “vì hết thảy chúng sanh mà làm nơi nương tựa cho thế giới Trời, Người” Phương Trên là biểu tượng của những gì cao quí, thiện lành … hai loại chúng sanh “cao nhất” trong lục đạo là Trời và Người. Cho nên Bồ tát thị hiện ra đời để cứu những chúng sanh đó; vì tuy ở “cao” hơn, có nhiều phước báo hơn, nhưng vẫn còn tham sân si nên vẫn còn có thể bị đọa nếu không lo tu tập. Như vậy bước chân thứ sáu là bước chân nhân thiên qui kính còn gọi là bước chân đại đức.

Bước chân thứ bảy, chúng ta đã nhớ rồi, đó là bước chân cuối cùng, một tay chỉ lên trời, 1 tay chỉ xuống đất, ngài nói “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn” câu nói bất hủ và cũng là đề tài bất tận của những nhà học giả nghiên cứu đạo Phật _ chưa ai giải thích thỏa đáng cho tất cả mọi người. Nói xong câu này, có 2 dòng nước nóng và lạnh phun ra tắm cho ngài, sau đó ngài trở lại như những em bé bình thường (chưa biết đi, chưa biết nói)

Thưa Anh Chị Em,

Như thế đó, là 7 bước của đức Phật. Chúng ta, với danh nghĩa là con Phật, là Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử, chúng ta cũng phải thực tập những bước chân như vậy, những bước chân của Đại Bi, Đại Trí, Đại Hùng, Đại Lực, Đại Nguyện v.v.. và TIN rằng chúng ta cũng bước được những bước vững chải, thảnh thơi như Đức Phật vậy, chúng ta phải duy trì niềm tin ấy, để nó luôn có mặt mỗi khi ta cất bước… Đến một lúc nào đó, 7 bước chân sẽ được thuần hoá, và kiên định, “thường trú” trong tâm ta. Và như vậy đức Phật không chỉ có mặt trong ta (dưới hình thức Phật tánh) mà còn có mặt trong mỗi bước chân của chúng ta.

Thân kính chúc Anh Chị Em tinh tấn tu tập pháp môn “từng bước nở hoa sen” với 7 bước chân của đức Phật.

Trân trọng,
BBT

586 lượt xem