Thưa Anh Chị Em Huynh trưởng bốn phương,
Có nhiều người học Phật một cách chơi chơi, tài tử (nghĩa là không tập trung tìm hiểu) nói rằng: Phật Pháp thật là kỳ quá, khi thì Lý này lý nọ, hết giáo Lý Nhân quả đến giáo lý Duyên Khởi, hết Tứ Thánh Đế thì tới Lý Nghiệp Báo …. mà khi thì “sắc tức thị không” rồi “không Khổ, Tập, Diệt Đạo” v..v.. rồi còn “Ngũ uẩn giai không” nữa chứ! Thật làm cho người ta “bể cái đầu”!
“Thiên hạ” nói sao cũng được nhưng nếu mình tự thấy mình là người Phật Tử, lại là Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử thì không thể nói như vậy được; vì mình là người hướng dẫn Phật Pháp cho các em, mà các em đoàn sinh của chúng ta bây giờ không giống các em ngày xưa, phạm vi học Phật pháp không chỉ ở Chùa, ở Đoàn mà còn ở trên mạng internet … bao la bát ngát nữa!
Chúng ta có bổn phận phải nhớ rằng giáo lý của đức Phật (Phật Pháp) không giống với Đạo Khổng, Đạo Lão, nghĩa là không chỉ dạy chúng ta làm người mà thôi; Phật Pháp không chỉ được giảng cho loài người mà còn giảng ở các cõi Trời v.v.. nữa, nói cách khác, giáo dục Phật Giáo gồm 5 hệ thống:
1. Nhân Thừa 2. Thiên Thừa 3. Thanh Văn thừa 4. Duyên giác thừa và 5. Bồ tát thừa.
Khi nói Kinh Thiện Sinh, hay nói về Nhân Quả là chúng ta đang nói về những giáo lý của Nhân thừa, còn khi nói đến Kim Cang, Bát Nhã là chúng ta đang ở trong giáo lý của Bồ Tát thừa, nếu chưa trang bị đủ những hiểu biết cần thiết thì không thể hiểu được, còn cho là mâu thuẩn nữa.
Thật vậy, ngay các thí dụ về Toán học ở thế gian cũng giúp ta rất dễ hiểu vấn đề này: hồi học lớp Một, chúng ta học phép tính cộng trừ đâu có bao giờ lấy số nhỏ mà trừ số lớn ? ví dụ (10 – 7) chứ không bao giờ biết có (7 – 10); nhưng với khái niệm về số đại số chúng ta thấy rất rõ : 7 – 10 = – 3 cái này không thể giảng cho các em học sinh lớp Một, lớp Hai được.
Tương tự như vậy, hồi chưa biết khái niệm về số ảo (hay số phức = nombre complex _ complex number) chúng ta học rằng 1 số âm (negative) không có căn (square root) bậc chẵn, ví dụ căn bậc 2 của (- 9) là không hiện hữu; nhưng với khái niệm về số ảo i = căn bậc 2 của (– 1) thì căn bậc 2 của (- 9) đã giải quyết được ngay (= 3i) và khái niệm đó đã mở ra cho Toán học một chân trời mới.
Cũng thế, giáo lý Bát Nhã đã giúp chúng ta đi vào hệ thống giáo dục của Đại thừa Bồ tát Đạo _ sự khác nhau giữa Toán học và Phật pháp là Toán học cần có những khái niệm mở rộng từ những nhà Toán học đi sau còn Phật Pháp thì có từ khi đức Phật Thích Ca thành Đạo, hay nói đúng hơn theo đức Thế Tôn giảng dạy _ là đã có tự muôn đời mà đức Phật Thích Ca là người phát hiện và tuyên bố ra _ Sau khi đã hiểu như vậy rồi, chúng ta không thể nói giáo lý Bát Nhã mâu thuẩn với giáo lý Tứ Đế được.
Chỉ có điều sự quán chiếu đề tài “Sắc tức thị Không” đối với chúng ta thật to lớn quá; hay chúng ta thử giới hạn đề tài quán chiếu này thành ra 1 phạm vi nhỏ hẹp hơn, ví dụ như: “Sóng tức là nước” và đoạn Kinh Bát Nhã sẽ thành ra: “Sóng chính là nước, nước chính là sóng; sóng không khác nước, nước không khác sóng v..v..” thì vấn đề quán chiếu sẽ nhẹ nhàng hơn một chút, chúng ta hãy thử nha!
Thân kính chúc Anh Chị Em một cuối tuần thật vui !
Trân trọng,
BBT
Xin giới thiệu với Anh Chị Em bài viết “Sóng và Nước”
SÓNG VÀ NỨƠC
Câu chuyện xảy ra giữa đại dương bao la: một hôm có con sóng nhỏ cảm thấy phiền não vì kích thước quá nhỏ bé của mình. Nó nhìn ra xa, một con sóng lớn gấp mấy lần nó, ngạo nghễ đánh vào bờ rồi hùng dũng kéo ra; nó thở dài buồn bã:
_ Tại sao mình nhỏ bé thế này? Tại sao tôi không được to lớn như bạn hả?
Con sóng lớn đáp: Tại vì bạn không chịu nhìn kỹ gốc gác của mình nên bạn mới phiền não như vậy! Thật ra, Bạn đâu có phải là con sóng nhỏ, tôi cũng đâu phải là con sóng lớn?
Con sóng nhỏ ngạc nhiên: Ô hay, bạn nói lạ chưa? Bạn với tôi không phải là sóng thì là cái gì?
Sóng lớn trả lời: Bạn với tôi đều là nước; sóng chỉ là một hình thức của nước. Nếu mình nhìn ra bản chất của mình, gốc rễ của mình, không chấp chặt vào hình thức bên ngoài, cái vỏ bọc bên ngoài, thì mình sẽ không còn mặc cảm tự tôn hay tự ti, không còn phiền não khổ đau nữa.
Con sóng nhỏ chợt “ngộ” ra chân lý ấy và cảm ơn bạn sóng lớn đã mở con mắt trí tuệ cho nó.
Cũng vậy, tất cả chúng ta đều thích hướng ngoại, tìm cầu, so sánh với người này, hơn thua với người khác, vĩ đại hơn thì bay lên không gian để khám phá ra phía bên kia mặt trăng, sao Hoả hay đời sống dưới đáy đại dương v.v.. Nhưng chúng ta lại không có hứng thú khám phá những chiều sâu tiềm ẩn bên trong chúng ta. Cách đây không lâu, người ta phỏng vấn một phi hành gia không gian không theo đuổi nghề nghiệp của mình nữa _ được hỏi tại sao lại bỏ nghề thì ông trả lời rằng: “Sau khi du hành vũ trụ, được lên mặt trăng, tôi đã chứng kiến được thế nào là không gian bao la nhưng tôi nghĩ rằng lòng người còn sâu hơn rộng hơn những gì tôi được kinh nghiệm qua những cuộc du hành trong vũ trụ; vì thế tôi muốn tự chiêm nghiệm, khám phá những chiều sâu bên trong chính tâm hồn tôi”
Thật đúng vậy, vũ trụ chỉ thực sự hiện hữu cho chúng ta khi và chỉ khi chúng ta kinh nghiệm được nó qua Thân và Tâm của chính mình, Vũ trụ không phải chỉ là vùng trời bao la xanh thẳm trên cao kia, mà nó ở ngay trong lòng mỗi chúng ta và ở ngay trong giây phút hiện tại này. Khi chúng ta trở về với vũ trụ bên trong, chúng ta sẽ thấy chúng ta và mọi người cùng một bản thể _ bất cứ con người “trần tục” nào cũng tiềm ẩn tánh Giác (hay đức Sáng, tánh Chúa, tánh Phật, hay Đại Ngã, hay Thượng Đế, Atman, Alah, Brahma v.v.. tùy theo đức tin tôn giáo của mình, bạn muốn gọi tên gì cũng được, nhưng đó là phần cốt lõi, bên trong chúng ta, nó tuyệt đối trong sạch, không bị ô nhiễm dù chúng ta sinh ra trong giai cấp nào, sống trong hoàn cảnh nào, trong bất cứ xã hội nào v.v..) _ Muốn làm hiển lộ tánh Giác ấy, chúng ta cần một đời sống đạo đức _ nghĩa là một đời sống tôn giáo đích thực: đó là một đời sống thanh tịnh, trong bình yên và hòa hợp với bản thân và đem lại sự bình yên và hòa hợp cho tha nhân. Đối với anh chị em chúng ta, những người có một đức Tin, một cuộc sống đạo đức với một cái Tâm được khéo kiểm soát và khép vào giới luật, với tấm lòng trong sạch luôn hăng say với từ ái và bi mẫn, đó chính là mục đích của TU _ chữ “tu” theo nghĩa rộng, không phải là xuất gia làm tu sĩ Phật Giáo hay Linh mục v..v.. mới gọi là tu. Một con người như vậy thật là một viên ngọc quí dù ở xã hội nào, giai cấp nào, nam hay nữ, giàu hay nghèo, có học thức cao hay không biết chữ v.v.. Đó chính là viên ngọc quí được cất giấu trong chéo áo của mỗi người mà chúng ta mãi chạy theo thế giới bên ngoài, không tự biết … Tất cả chúng ta đều nổ lực, tinh tấn làm hiển lộ tánh Giác, viên ngọc minh châu vô giá ấy, (Giác ở đây là sự Tỉnh thức, chữ Giác trong “giác ngộ” )
Đi từ quan điểm “tứ hải giai huynh đệ” của đạo Khổng đến “Không có gì khác nhau giữa người với người, trong giọt máu cùng đỏ và giọt nước mắt cùng mặn” của Phật giáo hay quan điểm Bác ái của Thiên Chúa giáo v.v.. Chúng ta thấy rằng tất cả chúng ta là một _ không chỉ loài người mà cả đến muôn loài, tất cả đều tham sống sợ chết, tham vui sợ buồn v.v.. Cho dù chúng ta nói bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, sống trong những nền văn hóa khác nhau nhưng những biểu hiện của những tình cảm vui, buồn, giận dữ, thương yêu v.v.. thì không cần đến ngôn ngữ, mọi người đều có thể hiểu nhau sâu sắc.
Tóm lại, mỗi người trong chúng ta, dù xuất hiện trong những hình thức khác nhau: sóng, băng, tuyết, hơi nước, mây, mưa, lụt, lũ v.v.. bản chất vẫn là một: đó là NƯỚC. Nếu đã biết như vậy, chúng ta không còn kỳ thị về bất cứ vì lý do gì, đem tình thương không phân biệt, vô điều kiện và sự hiểu biết chân chính đó để đến với nhau thì chúng ta không còn thấy cách biệt về biên giới quốc gia, tôn giáo, chính trị, xã hội v.v.. Chỉ khi nào giác ngộ được điều này thì mới không còn thù hận, khủng bố, chiến tranh nữa mà thôi _ Đừng nói gì là xã hội, quốc gia, thế giới, … chỉ nói đến trong 1 cộng đồng nhỏ, nếu chúng ta không hiểu biết và thưong yêu nhau, trái lại cứ phân biệt, cố chấp, kỳ thị, thành kiến … thì thế nào cũng có lục đục, chiến tranh (lạnh) hay biểu tình, phản đối v.v.. Chiến tranh hay khủng bố đều xuất phát từ Tâm con người nên mới có câu nói “Tâm bình thế giới bình” là vậy. Cầu mong cho Tâm chúng ta được an lạc và mọi người sống hòa hợp trong hiểu biết, thương yêu, để cho hòa bình hiện hữu trên Hành tinh xanh của chúng ta./.
451 lượt xem
Tin khác
NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG GĐPTVN ĐỐI VỚI ĐẠI DỊCH COVID-19 Nhật Bảo – Nguyễn Đức Nguyên Thông ghi lại từ Pháp thoại của Hòa thượng Thích Thái Hòa đêm mùng 8…
Pháp thoại tuần lễ huân tu mùa Phật Đản phật lịch 2564 – dương lịch 2020 Mời các bạn xem lại clip hay và ý nghĩa nhân mùa Phật Đản của…
Trung Quán Luận được kiết tập trong Đại Chính tân tu Đại tạng kinh, tập 30, kinh số 1564 (T30n1564), được Cưu-ma-la-thập dịch sang Hán vào năm 409 từ nguyên văn tiếng Phạn do Bồ…
NGÀY THẾ TÔN THÀNH ĐẠO – MỘT KỶ NGUYÊN MỚI Ngày thành đạo của Đức Thế Tôn cách đây 26 thế kỷ, đã mở ra cho nhân…
BAN HƯỚNG DẪN TRUNG ƯƠNG GĐPTVN TỔ CHỨC GIẢI TRÌNH LUẬN VĂN BẬC LỰC LẦN THỨ 10 TẠI CHÙA THẬP THÁP DI ĐÀ – TỈNH BÌNH ĐỊNH Sáng ngày 16/11/2019…