Hạnh lắng nghe là một phương pháp thực tập quan trọng, có khả năng trị liệu và chuyển hóa. Nếu một người biết lắng nghe thì người ấy có thể hiểu và mang lại hạnh phúc cho chính mình cùng mọi người.
Đức Bồ tát Quán Thế Âm là vị Bồ tát luôn lắng nghe: nghe đến cùng tận âm ba vô thanh của tự tánh, siêu việt lên tất cả (phản văn văn tự tánh) và nghe hết thảy niềm đau của chúng sanh để cứu độ (tầm thanh cứu khổ). Học theo hạnh Ngài là nguyện luôn lắng nghe. “Kính lạy Đức Bồ tát Quán Thế Âm, chúng con xin học theo hạnh Ngài, biết lắng tai nghe cho cuộc đời bớt khổ…”.
Trong tâm thức của mọi người, Bồ tát Quán Thế Âm là người mẹ hiền, thương chúng sanh như con đỏ. Đa phần chúng ta niệm danh hiệu để cầu cứu Ngài gia hộ trong những khi nguy cấp mà ít ai chịu thực tập theo hạnh nguyện của Ngài trong đời sống thường nhật là biết lắng nghe, nghe chính mình và mọi người để hiểu, để thương và chứng đạt hạnh phúc.
Lắng nghe ta ở cấp độ sâu là nghe tự tánh. Nương nơi tánh nghe trở về tự tánh là yếu chỉ của Lăng Nghiêm đồng thời là con đường thể nghiệm hạnh lắng nghe siêu việt của Đức Bồ tát Quán Thế Âm. Tự tánh là thể của tâm, vốn không sanh không diệt, và ngay đây chủ thể và đối tượng nghe đều không tồn tại. Nghe được tự tánh tức nghe đến tận cùng sâu thẳm của vô thanh, nghe ra cái tịch nhiên im lặng sấm sét. Ngay đây, phiền não rơi rụng, tuệ giác hiện tiền, thực tại hiển bày “vượt ngoài thế gian và xuất thế gian, sáng suốt cùng khắp mười phương, trên thì hợp với bản giác diệu tâm mười phương chư Phật đồng một từ lực với Như Lai, dưới hợp với tất cả chúng sanh đồng với chúng sanh một lòng bi ngưỡng” (Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Viên thông về nhĩ căn).
Không chỉ lắng nghe chính mình mà còn biết lắng nghe mọi người. Bồ tát Quán Thế Âm luôn lắng nghe tất cả những nỗi lòng của mọi loài, nhất là những niềm đau, nỗi khổ của chúng sanh để tìm cách cứu độ (Kinh Pháp Hoa, Phổ môn). Vì thế, Ngài được xưng tán là vị Bồ tát tầm thanh cứu khổ và chúng ta, trong những lúc nguy khốn thường niệm hồng danh "Nam mô Đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ tát".
Học theo hạnh Ngài, chúng ta thực tập lắng nghe người khác. Chỉ cần lắng nghe thôi thì chúng ta đã “cứu khổ” cho người rất nhiều. Ai trong chúng ta mà không có những niềm đau! Rồi niềm đau ấy ngày một tích tụ và lớn dần lên khi không tìm ra người hiểu mình để sẻ chia, đồng cảm. Đến khi niềm đau vượt ngưỡng chịu đựng cho phép sẽ bùng vỡ thành tai họa. Vì vậy, được một người lắng nghe tâm sự, thấu hiểu nỗi lòng của mình là một niềm hạnh phúc. Mọi người cần được lắng nghe để thấu hiểu và yêu thương nên tu tập hạnh lắng nghe là việc cần làm của mỗi người con Phật.
Lắng nghe mình và người khác để hiểu và thương nhằm xây dựng hạnh phúc chính là từ bi, ban vui cứu khổ, là học theo hạnh nguyện của Đức Bồ tát Quán Thế Âm. Cuộc sống với các đặc điểm của xã hội hiện đại đã biến con người thành những ốc đảo. Dù có thể kết nối, liên lạc với mọi người ở khắp nơi trên thế giới, song con người ngày càng cô đơn hơn bởi sự bế tắc, không hiểu được nhau giữa những người thân trong gia đình và thế hệ khác nhau trong xã hội. Những “hội chứng” nổi loạn, phá phách của tuổi trẻ hay buồn bã, bi quan của tuổi già cùng tất cả những biểu hiện suy đồi, thực dụng, tiêu cực v.v… của đời sống hiện đại phải chăng là phản ứng quẫy đạp khi không thiết lập được cảm thông? Theo Phật giáo, thực tập hạnh lắng nghe có thể hóa giải và trị liệu những “hội chứng” này, giúp con người xích lại gần nhau, hiểu và thương nhau hơn và đó cũng chính là quà tặng “cam lộ” của Đức Bồ tát Quán Thế Âm đến với mọi người.
Phước Viên
857 lượt xem
Tin khác
NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG GĐPTVN ĐỐI VỚI ĐẠI DỊCH COVID-19 Nhật Bảo – Nguyễn Đức Nguyên Thông ghi lại từ Pháp thoại của Hòa thượng Thích Thái Hòa đêm mùng 8…
Pháp thoại tuần lễ huân tu mùa Phật Đản phật lịch 2564 – dương lịch 2020 Mời các bạn xem lại clip hay và ý nghĩa nhân mùa Phật Đản của…
Trung Quán Luận được kiết tập trong Đại Chính tân tu Đại tạng kinh, tập 30, kinh số 1564 (T30n1564), được Cưu-ma-la-thập dịch sang Hán vào năm 409 từ nguyên văn tiếng Phạn do Bồ…
NGÀY THẾ TÔN THÀNH ĐẠO – MỘT KỶ NGUYÊN MỚI Ngày thành đạo của Đức Thế Tôn cách đây 26 thế kỷ, đã mở ra cho nhân…
BAN HƯỚNG DẪN TRUNG ƯƠNG GĐPTVN TỔ CHỨC GIẢI TRÌNH LUẬN VĂN BẬC LỰC LẦN THỨ 10 TẠI CHÙA THẬP THÁP DI ĐÀ – TỈNH BÌNH ĐỊNH Sáng ngày 16/11/2019…