Thưa Anh Chị Em Áo Lam,

Hôm nay, Nhóm Áo Lam xin kể câu chuyện về cây Bồ đề Ananda trong Tịnh xá Kỳ Viên và ý nghĩa “thấy Phật” hay “thấy Như Lai” là gì.

Ananda (chúng ta thường gọi là tôn giả A nan) là em chú bác ruột của thái tử Tất Đạt Đa; tôn giả xuất gia sau khi đức Phật thành đạo 2 năm và khi đức Phật được 55 tuổi thì Anan trở nên thị giả của ngài. Trong suốt 20 năm, bất luận là ngày hay đêm, tôn giả đi theo chăm sóc cho đức Phật như bóng theo hình. Kinh kể lại rằng hàng đêm, đại đức Ananda tay cầm gậy, tay cầm đuốc, đi quanh tịnh thất của đức Phật 9 lần để khỏi ngủ quên và để đức Phật khỏi bị quấy rầy.

Cây bồ đề mang tên Ananda vì chính ngài đã trồng. Hồi đó, Phật tử khắp nơi đến hầu thăm đức Phật thường mang theo những tràng hoa hay lễ vật đến cúng dường ngài. Khi họ đến mà ngài đi vắng thì họ đặt những thứ ấy trước cửa thất của ngài rồi ra về. Trưởng giả Cấp Cô Độc thấy vậy mới đề nghị với tôn giả Ananda thử bạch Phật xem có nơi nào khác trong tịnh xá mà Phật tử có thể đến đó lễ bái trong khi đức Phật phải vắng mặt ở Chùa vì bận hoằng pháp phương xa không.
 
Đại đức Ananda thưa: Bạch đức Thế Tôn, có bao nhiêu bảo vật để chúng sanh lễ bái cúng dường, xin ngài hoan hỷ giải thích.

_ Này Ananda! Có tất cả 3: đó là những vật có liên quan đến thân như xá lợi Phật, những vật liên quan đến đồ dùng cá nhân và những vật để tưởng niệm Phật.
_ Bạch đức Thế Tôn, trong lúc ngài còn tại thế, có nên xây dựng tháp thờ ngài không?
_ Không, vật để chúng sanh lễ bái cúng dường có liên qua đến thân chỉ nên được kiến tạo sau khi Như Lai nhập diệt. Vật lễ bái cúng dường để tưởng niệm Phật hoàn toàn thuộc về tinh thần; những vật kỷ niệm ấy chỉ là những tượng trưng, không có một căn bản vật chất. Nhưng cây bồ đề to lớn mà xưa kia đã có lần che mưa đỡ nắng cho Như Lai là vật để chúng sanh lễ bái cúng dường, dù Phật còn tại thế hay đã nhập diệt.
_ Bạch đức Thế Tôn, khi ngài đi thuyết pháp phương xa, Tịnh xá Kỳ Viên rộng lớn này không còn nơi nương tựa và thiện nam tín nữ đến đây không biết hướng vào đâu để lễ bái, cúng dường. Bạch đức Thế Tôn, xin ngài hoan hỷ cho phép con lấy một hột của cây bồ đề mẹ để gieo trồng trước cửa Tịnh xá.
_ Được lắm, này Ananda, hãy trồng đi! Làm như vậy cũng như luôn luôn có mặt Như lai ở đây.

Đại đức Ananda thuật lại cho những vị đại thí chủ như ông Cấp Cô Độc, bà Visãkhã, vua Kosala, rồi xin đức Mục Kiền Liên giữ lại một vài trái chín muồi từ cây rơi xuống và trao lại đại đức Ananda để đại đức dâng cho vua. Vua đưa cho trưởng giả Cấp Cô Độc trồng.

Từ đó một cây bồ đề tươi tốt sớm mọc lên và mang tên là cây bồ đề Ananda.

Ngày nay có rất nhiều nơi có cây bồ đề lấy từ cây bồ đề mẹ ở Bồ đề Đạo tràng (Bodhi Gaya). Phật tử khắp nơi có truyền thống lễ bái cây bồ đề là do vì câu nói mà đức Thế Tôn đã nói với tôn giả Anan: hãy trồng (cây bồ đề) đi! Làm như vậy cũng như luôn có mặt Như Lai ở đây.

Nhưng “thấy mặt Như Lai” có nghĩa là gì? _ Xin Anh Chị Em hãy nhớ lời đức Phật nói với Vakkhali _ vị tỳ kheo bị bệnh rất nặng, sắp chết, cầu xin được một lần chót thấy mặt đức Thế Tôn. Ngài đi đến thăm tỳ kheo Vakkhali và sau khi hỏi thăm bệnh tình, hỏi Vakkhali quán 5 uẩn thấy như thế nào v.v.. ngài nói với Vakkhali: này bạn, bạn cần gì phải thấy, phải gặp mặt Như Lai, cái thân ngũ uẩn của Như Lai cũng như của bạn thôi, có gì quí giá? Nhưng thấy Như Lai, có nghĩa là thấy Pháp, ai thấy Pháp, người ấy thấy Như Lai …. Nhờ vậy Vakkhali tỉnh giác quán 5 uẩn là vô thuờng, vô ngã … rồi Vakkhali rời bỏ thân ngũ uẩn không luyến tiếc, không đau khổ …

Thân kính chúc Anh Chị Em “một ngày như mọi ngày”, luôn tưởng nhớ Phật, nghĩa là luôn nghĩ đến chánh Pháp, luôn tỉnh giác để thấy được tính vô thường, vô ngã của các pháp, để có được vô lượng an lạc.

Trân trọng,
Nhóm Áo Lam

498 lượt xem