Thưa Anh Chị Em Áo Lam,
Người xưa căn dặn: “Khí kiêng nhất là hung hăng, tâm kiêng nhất là hẹp hòi, tài kiêng nhất là bộc lộ”
Đức Phật thì dạy: “Một niệm sân khởi lên, đốt cháy cả rừng công đức”, rồi “Từ bi và Trí tuệ là hai cánh nâng con người lên hàng Thánh đạo” và “người ngu tưởng mình có trí, thật xứng gọi là chí ngu” (Kinh Pháp Cú _ kệ số 63)
Chúng ta đều biết hết, thuộc hết, nhưng thường quên thực hành khi nói năng suy nghĩ, hành động; bởi vậy cho nên lời nói thường hung hăng, huênh hoang, có khi “dọc ngang chẳng biết trên đầu có ai” và có khi tự khoe một cách lộ liễu “ai cũng sai, ai cũng không biết làm, chỉ có tôi mới biết mà thôi”…. tự đề cao mình như vậy mà không hề hổ thẹn. Những ai phạm sai lầm như vậy đều không được mọi người kính trọng, kể cả đàn em của mình. Thế cho nên mới nói thân giáo rất quan trọng đối với người huynh trưởng GĐPT, học thì phải hành và người Huynh truởng sai lầm nhất là người phải nói với đàn em rằng “hãy làm như anh/chị nói chứ đừng làm như anh/chị làm”!! !!
Trong Kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ Huệ Năng cũng dạy “đừng nhìn lỗi người, chỉ nên thấy lỗi mình” v.v.. Tất cả những lời dạy trên đây đều cần thiết cho việc rèn luyện đức tính _ nhất là cho người huynh trưởng, vừa là anh là chị, vừa là thầy/cô giáo của đàn em mình.
Làm sao để thực tập tính nhẫn nại, khiêm tốn (để chịu lắng nghe người khác, không hung hăng nóng nảy, không huênh hoang khoác lác?) _ đức Phật đã có dạy chúng ta hạnh TUỲ HỶ.
Tùy Hỷ là ngựợc lại với đố kỵ, ganh ghét. Người ganh ghét đố kỵ thì thấy ai hơn mình là không chịu nỗi: người ta làm nhiều hơn mình, mình cũng ghét, người ta giỏi hơn mình, mình cũng ghét, thậm chí người ta bố thí nhiều hơn mình, mình cũng ghét luôn! Phật dạy Tùy hỷ thật là hay tuyệt. Trong Kinh Pháp Hoa, phẩm TÙY HỶ CÔNG ĐỨC, đức Phật có dạy: một người giàu sang đem của cải bố thí, một người khác nghèo, không có của bố thí nhưng tùy hỷ _ nghĩa là vui theo người bố thí, giống như chính mình được làm công việc bố thí vậy _ thì công đức hai người như nhau. Mình không làm được điều gì lớn lao mà thấy người ta làm được việc thiện lớn, mình vui theo .. tất cả như vậy đều gọi là tùy hỷ. Thậm chí, nếu trong giảng đường nghe Pháp, mình nhường chỗ cho người đến sau để họ có thể ngồi thoải mái nghe Kinh thì công đức đó cũng gọi là tùy hỷ công đức.
Như vậy Tùy Hỷ là để đối trị với Tâm xấu là tâm đố kỵ. Trong khi người bố thí xả được cái Tâm tham lam ích kỷ, người tùy hỷ thì xả được cái tâm tật đố, nên hai người có công đức bằng nhau. Thế gian thường tình thì không muốn ai hơn mình, còn anh chị em chúng ta học Đạo, gần Đạo, có bổn phận truyền đạt Đạo lại cho đàn em chúng ta phải học hạnh Tùy hỷ, thấy ai làm được việc gì tốt, có lợi cho tổ chức, cho Phật sự chung … đều phải tùy hỷ hết, sách tấn nhau cùng làm việc. Có thực tập tùy hỷ thường xuyên chúng ta mới thực hành hạnh Hỷ Xả được. Sở dĩ có người bảo rằng “GĐPT là một pháp môn tu” bởi vì chúng ta đeo hoa Sen, học theo 5 hạnh của chư Phật và Bồ tát (Hoa Sen có 5 cánh trên tượng trưng cho 5 hạnh): Từ Bi, Trí Tuệ, Tinh tấn, Thanh Tịnh, Hỷ Xả; thực hành 5 Hạnh trong đời sống hằng ngày thì chính là đã “giác ngộ” đạo Vô Ngã rồi đó vậy.
Thân kính chúc Anh Chị Em tinh tấn tu học và tu tập để dũng tiến trên đường Đạo và để hướng dẫn đàn em những bước vững chãi trên hành trình tiến về đất Phật.
Trân trọng,
Nhóm Áo Lam
518 lượt xem
Tin khác
NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG GĐPTVN ĐỐI VỚI ĐẠI DỊCH COVID-19 Nhật Bảo – Nguyễn Đức Nguyên Thông ghi lại từ Pháp thoại của Hòa thượng Thích Thái Hòa đêm mùng 8…
Pháp thoại tuần lễ huân tu mùa Phật Đản phật lịch 2564 – dương lịch 2020 Mời các bạn xem lại clip hay và ý nghĩa nhân mùa Phật Đản của…
Trung Quán Luận được kiết tập trong Đại Chính tân tu Đại tạng kinh, tập 30, kinh số 1564 (T30n1564), được Cưu-ma-la-thập dịch sang Hán vào năm 409 từ nguyên văn tiếng Phạn do Bồ…
NGÀY THẾ TÔN THÀNH ĐẠO – MỘT KỶ NGUYÊN MỚI Ngày thành đạo của Đức Thế Tôn cách đây 26 thế kỷ, đã mở ra cho nhân…
BAN HƯỚNG DẪN TRUNG ƯƠNG GĐPTVN TỔ CHỨC GIẢI TRÌNH LUẬN VĂN BẬC LỰC LẦN THỨ 10 TẠI CHÙA THẬP THÁP DI ĐÀ – TỈNH BÌNH ĐỊNH Sáng ngày 16/11/2019…