Thưa Anh Chị Em Huynh Trưởng bốn phương,

Những người học Phật đều cho rằng Kinh Kim Cang chỉ dành cho hàng tối thượng thừa, còn hạng Phật tử sơ cơ như Anh Chị Em chúng ta không thể nào tin và hiểu được. Điều này không được chính xác lắm, bằng cớ là ngày xưa đức Phật đã từng đem tinh thần Kim Cang ra giảng cho những thanh niên Bà La Môn để thuyết phục họ và ngài đã dùng chính giáo lý của Kinh Vệ Đà được coi là thánh kinh của Bà La Môn (và ngày nay Anh Chị Em trại sinh Vạn Hạnh cũng đã từng học Kinh Kim Cang cùng với nhiều bộ Kinh Đại thừa khác. Nói tóm lại, khó hiểu hay dễ hiểu còn tùy theo cách truyền đạt, phải không thưa Anh Chị Em?)

Trở lại với buổi pháp đàm giữa đức Phật và chàng thanh niên Bà La Môn Sonnadanda (chúng ta gọi tắt là Sonna) và gần 500 vị Bà la môn tham dự. Sonna là một chàng thanh niên nổi tiếng là thông minh xuất chúng, con nhà giàu có, dòng dõi Bà La Môn, v.v.. hội đủ nhiều điều kiện để được mọi người ái mộ, nên khi nghe Sonna định đến viếng thăm đức Gotama, mọi người kéo nhau đi theo.

Khi Sonna chưa biết nên chọn đề tài gì để mở đầu câu chuyện thì đức Phật đã ân cần hỏi: _ Các vị học giả trong giới Bà La Môn, hãy cho chúng tôi biết những điều kiện thiết yếu để có thể thật sự là một người Bà la Môn chân chính? Các vị có thể dựa vào kinh điển Vệ Đà của quí vị.

“Được lời như cởi tấm lòng” vì kinh Vệ Đà là “tủ” của Sonna rồi, chàng đã thông thuộc và rành rõi nữa! Chàng trả lời ngay: Thưa Sa môn Gotama, 1 vị Bà La môn đích thực cần phải có đủ 5 điều kiện; đó là: 1. phải có dung mạo đẹp đẽ; 2. phải biết kỹ thuật xướng tụng và chú thuật; 3. phải có huyết thống thuần tuý trong 7 đời; 4. phải có đức hạnh; 5. phải có tuệ giác.

Đức Phật hỏi: trong 5 điều kiện ấy, điều nào là căn bản? Còn điều nào dù là không có, người ấy vẫn có thể là một người Bà La Môn đích thực?

Sonna trả lời dần theo những câu hỏi của đức Phật, và đi đến kết luận 2 điều sau cùng là 2 điều kiện căn bản của một vị bà La Môn đích thực. Sonna đồng ý rằng cho dù một người không có dung mạo đẹp đẽ, không có huyết thống thuần túy trong 7 đời, không biết kỹ thuật xướng tụng và chú thuật nhưng có đức hạnh và trí tuệ thì người ấy vẫn có thể là một người Bà La Môn đích thực.

Những người Bà la Môn rất giận dữ, họ la ó phản đối Sonna đã bị đức Phật lung lạc bằng lý luận để đánh mất lập trường, chối bỏ điều kiện tiên quyết là điều kiện về huyết thống, làm cho họ bị mất mặt !   !!

Đức Phật trấn an đám đông: _ này quí vị quan khách, nếu quí vị có lòng tin nơi người lãnh đạo của quí vị là Sonna thì quí vị hãy im lặng để tôi tiếp tục đối thoại với ông ta; nếu quí vị không có lòng tin ở ông ta thì quí vị yêu cầu ông ta im lặng để tôi nói chuyện với quí vị.

Mọi người im lặng, Sonna lên tiếng: Xin Sa môn Gotama yên tâm, cho tôi xin có vài lời với các bạn của tôi! Rồi hướng về đại chúng, Sonna nói tiếp: “Các bạn có thấy cháu của tôi là Angaka ngồi ở kia không? Angaka là một thanh niên khôi ngô tuấn tú, dung mạo đẹp đẽ, không ai trong chúng ta so sánh được. Angaka lại thông hiểu tất cả nghĩa lý ba bộ kinh Vệ Đà, thông thạo kỹ thuật xướng tụng, chú thuật và có huyết thống 7 đời bên cha cũng như bên mẹ v.v.. như mọi người đều đã biết, nghĩa là có đầy đủ 3 điều trên. Nhưng giả thử Angaka sát sinh, trộm cứơp, tà dâm, nói dối v.v.. thì dung mạo tốt dẹp có còn giá trị không? kiến thức về kinh Vệ Đà và kỹ thuật xướng tụng cũng như Chú thuật còn có ý nghĩa và ích lợi gì nữa? Thưa các bạn, vì vậy, 2 điều kiện căn bản của một người Bà La Môn đích thực chính là Đức Hạnh và Tuệ Giác. Đây là sự thật chung cho tất cả chúng ta chứ không phải sự thật riêng của Sa Môn Gotama.”

Tiếng hoan hô vang dậy, đức Phật chờ cho đại chúng im lặng mới hỏi Sonna: Nhưng trong 2 điều kiện còn lại, chúng có thể bỏ bớt một điều để chỉ giữ lại 1 điều hay không?

Sonna đáp: thưa Sa môn Gotama, không thể được; nhờ giới hạnh nghiêm minh mà tuệ giác phát triễn, nhờ tuệ giác phát triễn giới hạnh càng trang nghiêm; hai thứ này nâng đỡ và phát triễn lẫn nhau.

Đức Phật khen: Hay lắm, Sonnadanda! Những điều ông nói chính là sự Thật; Giới hạnh và Trí tuệ là hai thứ quí nhất trên đời mà một người có thể dùng làm đồ trang sức thanh tịnh nhất, cao quí nhất cho Thân và Tâm mình.

Thưa Anh Chị Em,
Có phải trong buổi pháp đàm này chúng ta đã học được 1 bài kệ Kim Cang dưới hình thức khác hay không?

Nếu dùng sắc để thấy (dung mạo đẹp đẽ)
Dùng âm thanh để nghe (kỹ thuật xướng tụng)
Dùng tướng bề ngoài để đánh giá (huyết thống 7 đời ..)
Thì đó không phải đích thực là Bà la môn!
Vì các pháp hữu vi đều là hư dối!

Thân kính chúc Anh Chị Em tinh tấn trau giồi, phát triễn Giới Đức và Trí Tuệ. Đây không chỉ là công việc trong đời này mà còn có thể kéo dài trong nhiều đời nhiều kiếp khác.

Trân trọng,
BBT

461 lượt xem