Thưa Anh Chị Em Huynh trưởng,

Có một vị Thầy của chúng ta nói rằng mỗi ngày ai cũng tắm rửa cái thân này (mặt mũi tay chân v.v..) một hay nhiều lần nhưng không thấy ai thường xuyên tắm rửa cái Tâm của mình _Ý của Thầy là Anh Chị Em mình nhác tu. Nói cho đúng, không phải tất cả Anh Chị Em chúng ta đều nhác tu nhưng chắc chắn là có một số rất đông lơ là việc tu tâm dưỡng tánh. Hôm nay, chúng ta thử bắt đầu nhìn lại cái Thân 5 uẩn này.

Khi học về 5 uẩn: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức chúng ta thường so sánh tập thể 5 uẩn với những màu sắc của một cái cầu vồng. 7 màu của cầu vồng: Đỏ, Cam, Vàng, Xanh, Lam, Chàm, Tím là do ánh sáng mặt trời chiếu vào một dãi sương hay một dòng nước v.v.. cho nên chúng ta thường thấy cầu vồng trên bầu trời sau cơn mưa hay mỗi khi tưới cây, mặt trời rọi vào những tia nước từ vòi tưới cũng phát sinh một cầu vồng …

Cầu vồng là thật hay giả? 7 màu của cầu vồng có tồn tại độc lập được không? _ Cũng vậy, thân ngũ uẩn này có thật không? và 5 uẩn có thể tồn tại độc lập không? Đó là những bài thực tập đầu tiên, chúng ta có thể quán chiếu “vô thường” và “vô ngã” khi học về giáo lý 5 uẩn.

Thưa Anh Chị Em,

Một nhà thơ đã viết rằng:

“Có thì có tự mảy may
Không thì cả thế gian này cũng không
Hãy xem bóng nguyệt lòng sông
Mới hay Không, Có, Có Không là gì?”

Thân 5 uẩn này cũng hư ảo như mặt trăng dưới lòng sông, cũng mong manh và dễ biến mất như cầu vồng; một cái sẩy tay, sẩy chân, một cơn gió độc, một trận thiên tai, một tai nạn giao thông v.v.. đều có thể đưa đến cái chết: cuộc đời thật ngắn ngủi, vô thường. Đó là thông điệp mà đức Phật muốn dạy cho hàng đệ tử của ngài qua giáo lý 5 uẩn.

Giáo lý 5 uẩn cũng soi sáng cho chúng ta khái niệm về “Tánh Không” đơn giản, dễ hiểu nhất: thân tứ đại này của chúng ta không khác gì bóng trăng dưới lòng sông hay cầu vồng trên bầu trời: xuất hiện có điều kiện (nhân duyên họp lại) và biến mất khi nhân và các duyên tan rã.

Ngoài ra, qua giáo lý 5 uẩn, chúng ta nhận thấy một cách sâu sắc rằng tất cả mọi người đều giống nhau; đều do 5 uẩn tụ họp lại, sắc là phần vật chất và thọ, tưởng, hành, thức có thể gọi chung là phần tinh thần; như vậy, những cảm thọ hoàn toàn giống nhau (tham sống sợ chết, tham vui sợ khổ, v.v..) từ đó chúng ta tự dặn mình đừng bao giờ làm những gì mà ta không muốn người khác làm cho mình.

Giáo lý 5 uẩn còn dạy chúng ta tu 6 Căn (Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý) khi tiếp xúc với 6 Trần (Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp) sao cho:

Mắt thấy Sắc nhưng không đắm vào sắc, không chấp trước [nghĩa là nhìn thấy những sự vật hiện tượng quanh mình “như – nó – là” (as-it-is) không thêm ý phân biệt của mình vào (yêu-ghét, lấy-bỏ)]

Tai nghe âm thanh thì thuần túy là “nghe” thôi, nghe khen không tham đắm, nghe chê không giận dữ v.v..

Tương tự như vậy đối với các căn khác _nghĩa là giữ cho cái THẤY, cái NGHE v.v.. được thanh tịnh.

Còn tu về Ý thì thật khó vì Ý cũng chính là Tâm; nhưng đức Phật đã luôn dặn dò, nhắc nhở nên chúng ta phải ghi sâu trong lòng những câu Kệ trong Kinh Pháp Cú:

Ý dẫn đầu các Pháp
Ý chủ, Ý tạo tác
Nếu nói hay hành động
với tâm ý ô nhiễm
khổ não sẽ theo ta
như xe theo con vật kéo

Ý dẫn đầu các pháp
Ý chủ, Ý tạo tác
Nếu nói hay hành động
với tâm ý thanh tịnh
Hạnh phúc sẽ theo ta
Như bóng không rời hình

Thưa Anh Chị Em,
Đức Phật còn dạy một điều nữa là “Không phải ngũ (5) uẩn làm cho con người khổ mà sự chấp thủ 5 uẩn mới kéo cái Khổ đi theo” nên có bài kệ dặn chúng ta phải “đặt gánh nặng 5 uẩn xuống” thì mới có an lạc:

Năm uẩn là gánh nặng
kẻ gánh nặng là người!
Nhấc gánh nặng ấy lên
Ấy là Khổ ở đời
Đặt gánh nặng ấy xuống
Chính là lạc ở đời

“Đặt gánh nặng 5 uẩn xuống” có nghĩa là đừng chấp chặt ý kiến của mình, đừng có thành kiến với bất cứ ai, tập huấn luyện cái nhìn của mình cho rộng rãi, vô tư … Chúng ta có thể gặp những người gọi là “bệnh tâm thần” cứ nói thao thao bất tuyệt về những chuyện đau khổ của mình … Chúng ta thương hại cho họ, nhưng không ngờ rằng có những lúc chúng ta cũng hành động giống y như họ, chỉ khác là không nói ra lời, môi không mấp máy, không có âm thanh phát ra … mà thôi!   !!

Thật vậy, rất nhiều khi, tuy miệng chúng ta không nói nhưng tâm ý cứ “lải nhải” hoài; ví dụ gặp chuyện bất như ý, không chịu nói ra, để khi không có ai thì “càm ràm” không ra tiếng, một mình mình biết, một mình mình nghe! Hết trách người này đến trách người kia, giận người nọ v.v.. như thế, đức Phật gọi là tâm ý ô nhiễm, không thanh tịnh.

Thưa Anh Chị Em,

Những phương pháp tu này chúng ta có thể thực hành ngay trong đời sống hằng ngày, trong mọi lúc: đi đứng, nằm, ngồi, không có gì gọi là “mất thì giờ” cả … đó chính là “soi rọi lại mình” hay “tắm rửa Tâm” là công việc cũng cần thiết phải làm, y như tắm rửa cho thân thể được sạch sẽ mát mẻ vậy !

Kính chào tinh tấn,
BBT

517 lượt xem