Thưa Anh Chị Em Áo Lam,

Phật Pháp là bất định pháp, có nghĩa là muốn đưa Phật Pháp vào quốc độ nào thì phải tùy duyên tùy cảnh, tùy phong tục tập quán … ở tại quốc độ đó, muốn đem Phật Pháp giáo hóa cho người nào thì cũng phải tùy căn cơ trình độ, tính tình, … của người ấy mà nói Pháp, chứ nếu không cẩn trọng, thì không những không có ích lợi mà còn phản tác dụng nữa. Đó là lý do mà Phật Pháp do đức Phật giảng dạy, kinh Phật đều được thỉnh từ Tây Trúc (Ấn Độ) nhưng Phật giáo Ấn Độ không hoàn toàn giống Phật giáo Việt Nam, Phật Giáo Việt Nam không giống y như Phật giáo Thái Lan mà Phật giáo Thái Lan cũng không hoàn toàn giống Phật giáo Trung Hoa hay Phật Giáo Tây Tạng v.v…

Vì vậy khi cử các phái đoàn đi truyền giáo các phương khác nhau đức Phật đã dặn dò các vị đệ tử rằng những giới điều gì mà Tăng đoàn gìn giữ, cho đó là thanh tịnh nhưng ở một nơi khác cho đó là không thanh tịnh thì khi vào quốc độ đó, không nên làm; ngược lại, có những việc đức Phật dạy không nên làm nhưng vào quốc độ đó cần phải làm thì không thể không làm. Những điều này nếu đưa ví dụ thì rất đơn giản và gần như là tất nhiên. Ví dụ: như qui luật của nhiều nước trên thế giới là tài xế ngồi phía bên trái, nhưng đối với nước Anh hay những nước thuộc liên hiệp Anh chẳng hạn thì tài xế ngồi phía bên phải! Chúng ta đâu thể nào làm trái được! Đây chính là khế lý khế cơ trong Phật Pháp. Ngoài ra việc giáo dục một người còn phải tùy thuộc vào cái “duyên” nữa, như Đức Phật giao La Hầu La (Rahula) cho tôn giả Xá Lợi Phất dạy _Xá Lợi Phất mới là sư phụ của Rahula, ngài giải thích rằng tôn giả Xá Lợi Phất có duyên với Rahula.

Mỗi lần Tết đến, thiên hạ ai nấy đều lo chúc nhau … những lời chúc này tuy là đại ý cũng giống nhau nhưng chúng ta cũng phải ý tứ trong lời chúc tụng mới tránh khỏi bị trách móc hay bị thất lễ, không những không làm vui lòng người ta mà còn làm người ta bực mình vì những lời chúc thiếu tế nhị, không đúng lúc, … của mình!   !!

Thưa Anh Chị Em,

Câu chuyện về lời chúc của 2 vị đệ tử Phật: tôn giả Xá Lợi Phất và tôn giả Ma Ha La nhắc nhở chúng ta “nói năng” sao cho hợp thời, hợp cảnh là điều rất quan trọng trong cuộc sống:

Một hôm tôn giả Xá Lợi Phất và tôn giả Ma ha la được một nhà giàu có ở thành Xá Vệ thỉnh đến để cúng dường. Hôm đó là một ngày vui của ông trưởng giả vì vừa đi một chuyến buôn bán thuận lợi, ở nhà vợ sinh con trai, nhà vua ban tặng một thôn ấp v.v…

Sau khi thọ trai xong, tôn giả Xá Lợi Phất chúc tụng bằng lời chú nguyện cho ông trưởng giả: “hôm nay là một ngày tốt, được nhiều phước báo; tiền tài, phúc lộc và nhiều niềm vui cùng đến, trong lòng hớn hở, vui mừng, lòng Tin tăng trưởng, thường nhớ nghĩ đến 10 trí lực của Như Lai. Sau này cũng giống như ngày hôm nay!” Trưởng giả nghe xong rất vui mừng, lấy quà tặng cho tôn giả Xá Lợi Phất. Ma ha la không có quà tặng, trong lòng rất buồn và nghĩ rằng: tôn giả Xá Lợi Phất được như vậy là nhờ những lời chúc tụng, ta phải xin học những lời chúc tụng ấy. Và tôn giả Ma Ha La năn nỉ tôn giả Xá Lợi Phất dạy cho mình. Tôn giả Xá Lợi Phất nói: “những lời chú nguyện đó không phải lúc nào cũng dùng được đâu, có lúc dùng được, có lúc không dùng được” nhưng Ma Ha La như không quan tâm đến điều đó, nhất định học thuộc và chờ cơ hội đem ra dùng.

Sau đó, ông cũng được mời đến nhà ông trưởng giả với tư cách thượng tọa, nhưng ngày hôm đó, trưởng giả gặp xui, buôn bán bị lỗ, vợ bị quan bắt, con trai chết v.v.. thế mà Ma Ha La vẫn dùng câu đã học được của tôn giả Xá Lợi Phất. Cho nên khi ông vừa đứt câu “…. sau này cũng giống như ngày hôm nay” thì ông trưởng giả nổi giận, đánh đuổi Ma Ha La về! Câu chuyện còn kể Ma Ha La gặp nhiều chuyện xui xẻo nữa do vô tình, thiếu thận trọng …

Câu chuyện gần giống như chuyện “chàng Ngốc” trong cổ tích dân gian Việt Nam. Cổ tích giới thiệu mẫu người ngu ngơ khờ dại để thiên hạ trêu chọc làm trò cười vui, còn chuyện 2 tôn giả đệ tử Phật nhấn mạnh sự quan trọng của lời nói, câu chúc … phải đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng.

Thân kính chúc Anh Chị Em Áo Lam “sáu thời đều an lành”

Trân trọng,
Nhóm Áo Lam

483 lượt xem