TRÒ CHUYỆN VỚI
Huynh Trưởng Bậc Lực

Anh chị em Lam viên,
Kỳ nầy chúng tôi muốn trò chuyện với anh chị em bậc LỰC đôi điều,

Anh chị em thân mến,
Bậc Lực là bậc học cuối cùng trong chương trình tu học của chúng ta. Nhìn qua chúng ta cũng thấy nặng lắm, nhất là phần Giáo lý. Ngoài vấn đề tìm hiểu sâu về Giáo lý căn bản, về Phật giáo Thế giới, Phật giáo với nền hòa bình nhân loại v.v.. Chúng ta còn đi vào các bộ kinh lớn Đại thừa như kinh Pháp hoa, kinh Lăng nghiêm, kinh Thắng Man, kinh Duy Ma Cật … Bậc học cao nhất của Huynh trưởng mà! Các anh chị em cũng biết rồi, chúng ta không phải cốt trang bị một mớ kiến thức về kinh điển mà học để hiểu, để vận dụng trong đời sống chúng ta, trong việc tu tập của chúng ta. Học đến đâu, chúng ta hành đến đó, từ thấp lên cao, từ những căn bản trong bậc Kiên, bậc Trì nâng cao lên trong chương trình bậc Định. Rồi cao hơn nữa trong chương trình bậc Lực. Dù không đi sâu vào chi tiết lắm (quý Thầy ở các trường Cao cấp Phật học, mỗi bộ kinh như vậy phải học thường xuyên từ tháng nầy qua tháng khác, có khi cả năm) nhưng phải nắm được chủ yếu của mỗi phẩm để vận dụng vào tu tập. Nhiều anh chị em quan niệm rằng: học cho kỹ, hiểu cho rốt ráo để khi khảo sát cuối khóa đạt được kết quả tốt, để rồi . . .

Nói vậy không sai nhưng chưa phải là đúng lắm. Ngoài việc cần hiểu rộng, hiểu sâu, chúng ta còn phải biết chắt lọc những tinh túy để vận dụng trong việc tu tập.

Thỉnh thoảng chúng tôi có nêu vài mẩu về việc dựa vào tri kiến của chúng ta kinh qua phần “Văn”, “Tư” để “Tu”. Đến bậc Lực chúng ta phải tư duy thâm hơn, quán chiếu sâu hơn mới chắt lọc được phần tinh túy ấy và phải biết vận dụng vào tu tập như thế nào ? (Chắc chắn, sau mỗi buổi học, giảng sư đã chốt lại cho chúng ta và hướng dẫn cho chúng ta vận dụng tu tập có hiệu quả.

Tuy vậy, mỗi anh chị em vẫn có một lối nhìn riêng, có một kinh nghiệm tu tập riêng và dĩ nhiên kết quả không có khác.

Tôi xin nêu ở đây đôi mẩu chuyện, qua đó các anh chị có thể thấu suốt vấn đề nầy.

Một hôm, vị Thiền sư đi ngang qua nhà trù (nhà để làm những công việc sửa soạn cho trai phạn) thấy một thiền sinh đang ngồi gọt cà rốt, thầy đặt tay lên vai và hỏi: “Con đang làm gì đó ?” Thiền sinh đáp: “Bạch Thầy, con đang gọt cà rốt.” Thầy khen “giỏi” một số đạo hữu phục vụ ở đây ngạc nhiên: Sao Thiền sư đang trông thấy đệ tử của mình đang gọt cà rốt (ai mà không thấy) mà lại hỏi: “Con đang làm gì đó?”. Thầy có lẩm cẩm không? Sau câu trả lời của chú ấy thầy lại khen “giỏi”. Giỏi là giỏi như thế nào? Gọt cà rốt giỏi ư? giỏi cái công việc của cận sự nữ đang chuẩn bị cho buổi trai soạn ư ?

Ai không thấy thiền sinh nầy gọt cà rốt nhưng có thấy được cái tâm của chú như thế nào không? “Con đang gọt cà rốt” có nghĩa là: con đang chú tâm vào việc gọt cà rốt thôi, Tâm con đang trú ở đây (chứ không phải gọt cà rốt mà tâm rong chơi nơi khác), Đây tức là “Chánh niệm tỉnh giác” mà chúng tôi đã có lần trao đổi với anh chị em Lam viên.

Lại một lần khác Thiền sư đi qua nhà bếp (chỗ nấu ăn), một thiền sinh đang đứng trước cửa, mồ hôi nhễ nhãi, gương mặt lem luốc, Thầy hỏi: “con đang ở đâu thế?” – Bình thường thì mình sẽ hiểu rằng: con đang ở đâu mà mặt mày lem luốc thế ? (nhưng Thầy thì không có ý vậy) – Chú ấy đáp ngay không chần chừ: “Bạch Thầy, con đang ở trong thế giới an lạc và đang theo dõi hơi thở để tận hưởng sự thanh tịnh”.

Buồn cười thật, trong nhà bếp nóng nực đầy tro bụi, lửa củi, nồi chão nghênh ngang mà bảo là “đang ở trong thế giới an lạc”. Mà chú đáp ngay câu hỏi của sư phụ, không chút suy nghĩ, không chút chần chừ.

Thưa anh chị em, thiền sinh nầy đã thâm nhập nhiều lắm và đã thực tập tinh cần, hành trì miên mẫn mới có những câu trả lời nhanh nhẩu mà chúng ta ngỡ rằng “không đâu vào đâu”

Nếu đã học kinh Duy ma Cật, anh chị em còn nhớ không? đoạn đối đáp của Phạm Thiên Loa Kế với thầy Xá lợi Phất. Phạm Thiên nói với thầy Xá lợi Phất “Thầy đừng nghĩ cõi nầy không thanh tịnh, tôi thấy cõi nầy rất thanh tịnh không khác gì cung Trời Tự tại”. Thầy Xá lợi Phất nói: Tôi thấy chỗ nầy là đồi núi, chỗ kia là sỏi đá, gai gốc, chỗ nọ là bùn lầy, sao bảo là thanh tịnh được?” Phạm vương đáp: “Do tâm mình thanh tịnh thì tự nhiên mình sẽ thấy cõi nầy thanh tịnh” (Phẩm Phật quốc trong kinh Duy Ma Cật).

Đến bậc Lực, chúng ta phải học như vậy đó, hiểu thật rốt ráo, tư duy thật thâm sâu, vận dụng thật tinh tế và phải hành trì miên mẫn chứ đầu óc chúng ta không phải là vật dụng “để chứa”, không phải là “cái đảy đựng đồ”.

Đã có lần chúng tôi trao đổi vấn đề nầy với một Huynh trưởng bậc Lực, anh ta nói rằng: “Việc vận dụng tinh tế đến mức đó là chỉ dành cho quý vị xuất gia, chúng mình có học cao đến đâu cũng chỉ là tại gia thôi” chúng tôi cười rồi vổ vai em đó và bảo: “Như vậy, chúng ta học kinh mà không hiểu kinh gì cả rồi, hay em quan niệm: học, chỉ để mà học, để chứng tỏ bậc của mình là học nhiều kinh lớn như thế đó chứ không liên quan gì đến việc tu tập cả. Đó là một quan niệm quá sai lầm. Công đâu? thỉ giờ đâu? Tất cả giáo lý chúng ta học từ dưới lên là cốt để vận dụng vào tu tập. Chúng ta thấy đấy, ngay kinh Duy Ma Cật thôi, cũng là kinh bài bác cái chủ trương cho rằng: Người xuất gia mới có thể đạt đến mức độ “chứng quả” còn tại gia chỉ là ở vòng ngoài, chỉ là “cận sự” thôi.

Anh chị em bậc Lực thân mến, khi học đến kinh Thắng Man, kinh Duy Ma Cật, mình sẽ thấy rõ vấn đề nầy.

Rất mong anh chị em bậc Lực chúng ta biết vận dụng như thế nào, biết hành trì như thế nào để việc tu học chương trình bậc Lực có nhiều lợi lạc.

Thân ái
BBT

525 lượt xem