Kinh DUY MA CẬT diễn tả khung cảnh trưởng giả Duy Ma Cật thị hiện thân lâm trọng bệnh tại tư gia, nhằm mục đích diễn bày lý vô thường và tánh không – bát nhã

Đức Phật cử các ngài: Xá-lợi-phất, Ma-ha Mục-kiền-liên, Ma-ha-ca-diếp, Tu-bồ-đề, Phú-lâu-na, Ca-chiên-diên, A-na-luật, Ưu-ba-li, La-hầu-la và A-nan-đà, 10 đại đệ tử hàng thanh văn đến thăm bệnh Duy Ma Cật, nhưng tất cả đều thoái thác, không đủ khả năng thăm bệnh ông Duy Ma Cật

Đức Phật phó thác Văn Thù Sư Lợi: “Ông hãy đi thăm bệnh ông Duy Ma Cật”
Hai nhân vật kiệt xuất Duy Ma Cật và Văn Thù Sư Lợi:

1. “Theo lời giải của La Thập, "Duy Ma Cật, tiếng nước Tần (Trung Hoa) nói là Tịnh Danh. Tức là một người trong số năm trăm đồng tử. Từ nuớc Diệu hỷ, du hành đến cõi này. Sau khi làm xong những việc cần làm, lại trở về chỗ cũ. Cùng tác phẩm, dẫn lời giải của Trúc Ðạo Sinh: "Duy Ma Cật, tiếng Hoa gọi là Vô Cấu Xứng. Sen lẫn trong hành vi ngũ dục, nhưng siêu nhiên không vấy bẩn, danh thơm lan xa, cho nên có tên Vô Cấu Xứng"

Duy Ma Cật là một cư sĩ, một thương gia giàu có, còn có tên là Tịnh Danh
Tịnh danh có nghĩa là bạch tịnh, trong trắng – thanh sạch

Duy Ma Cật cư ngụ tại thành Vaisali (Tỳ Da Ly), giỏi tranh luận biện tài vô ngại, có trí nhớ phi thường. Ông có đời sống tục đế, nghiêm túc trong sự giác ngộ. Ông đại biểu cho giới cư sĩ, hiện thân cho tinh thần Ðại thừa, khước từ đời sống tu viện hạn hẹp. Ông nhấn mạnh tinh thần nhập thế cởi mở, dấn thân hòa mình, đi vào xã hội

2. Văn Thù Sư Lợi được gọi là Mạn Thù Thất lỵ, có nghĩa là Diệu Đức, Diệu Cát Tường. Diệu Đức, là mọi đức đều tròn đầy. Văn Thù Sư Lợi xuất hiện hầu hết trong tất cả các kinh điển quan trọng của Phật giáo Đại thừa, như: Hoa Nghiêm, Thủ Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, Duy Ma Cật… Là một nhân vật thân cận Đức Phật Thích Ca, chính thức thay mặt Đức Thế Tôn diễn nói Chánh pháp. Là người điều hành chương trình, giới thiệu đến thính chúng một thời pháp quan trọng mà Đức Bổn Sư sắp diễn thuyết. Với vai trò quan trọng này, mà Văn Thù Sư Lợi được tôn xưng là Pháp Vương Tử. Là vị Bồ tát tiêu biểu cho trí tuệ siêu việt

Văn Thù Sư Lợi thay mặt Đức Phật đến thăm bệnh trưởng giả Duy Ma Cật. Cùng tháp tùng Văn Thù Sư Lợi còn có 8.000 Bồ tát, 500 Thanh văn và trăm nghìn Thiên nhơn, để khán thính một cuộc tranh luận thư hùng về giáo pháp của hai nhân vật thiện sĩ quán chúng nảy

Được biết Văn Thù Sư Lợi đến thăm, Duy Ma Cật dùng sức thần thông, dọn căn nhà thành trống không, đồ dạt cũng không, người hầu cũng không. Một căn phòng nhỏ bé dung chứa vô số nhân giả

Ngài Duy Ma Cật chào ngài Văn Thù Sư Lợi: Quí hoá thay ngài Văn Thù Sư Lợi mới đến, tướng không đến mà đến, tướng không thấy mà thấy

Văn Thù Sư Lợi đáp lễ: ‘’Phải! nếu đã đến tức là không đến, nếu đã đi tức là không đi. Vì sao ? Ðến không từ đâu đến, đi không đến nơi đâu, hễ có thấy tức là không thấy’’

Mới vào đầu, chủ khách chào nhau, qua ngôn ngữ đối thoại xã giao, đã thấy hiển bày tánh không. Tánh nằm trong bát nhã, là không. Không, làm cho cái có được hiện diện. không có cái không, thì không hình thành cái có. Muốn trình bày chân lý diệu hữu, thì phải trình bày nguyên lý chân không

Văn Thù Sư Lợi hỏi: “Nhà này tại sao trống trơn và cũng không có người hầu ?’’
Duy Ma Cật đáp: “Cõi nước của chư Phật cũng đều không’’

Tánh nằm trong phạm vi bát nhã, mà bát nhã thì diễn tả tánh không. Tánh vượt qua ngã chấp – pháp chấp. Tất cả đều do duyên sinh: Không đến – không đi – không sinh – không diệt, chỉ là khách thể giả hợp, là nguyên lý bất khứ bất lai. Thời gian cũng chỉ là pháp sinh diệt, không xác định được khi nào “đi’’ và khi nào “đến’’. Nói đi tức là chưa đi, nói đến tức là chưa đến. Tánh không dung chứa tất cả pháp…

Chủ điểm nền tảng của kinh Duy Ma Cật là triển khai nhận thức về thực tại trên căn bản của nguyên lý bất nhị, tức hệ tư tưởng tánh Không của Bát nhã. Nguyên lý bất nhị hướng dẫn nhận thức, khởi đi từ những thực tại sai biệt, mà khám phá ra thực tại tối hậu, là nhận thấy bản thể chân thật (tuyệt đối) ngay trong thực tại sai biệt. Để nhận thức được thực tại chân thật nầy, Bồ tát cần đi qua cánh cửa bất nhị, tức là cánh cửa giao thông cho Bồ tát qua lại giữa Niết bàn và sanh tử

Văn Thù Sư Lợi thăm hỏi Duy Ma Cật: “Cư sĩ ! bệnh của ông có kham nỗi không ? Ðiều trị có bớt không ? Bệnh không tăng chứ ? Thế tôn ân cần hỏi thăm ông. Bệnh cư sĩ nhân đâu mà sanh ? đã bao lâu rồi ? đến bao lâu nữa thì hết bệnh ?”

Duy Ma Cật trả lời: “Do si mê sinh ra ái mà bệnh tôi phát sinh. Vì tất cả chúng sinh bệnh. Bao giờ hết thảy chúng sinh đạt đến chỗ không bệnh, thì tôi sẽ hết bệnh. Nếu bệnh của chúng sinh không còn, thì bệnh tôi không còn. Vì sao? Bồ tát vì lợi ích chúng sinh đi vào sanh tử. Có sanh tử nên có bệnh. Nếu chúng sinh thoát ly bệnh khổ thì Bồ tát không còn bệnh. Ví như ông trưởng giả chỉ có một người con. Nếu người con bệnh thì cha mẹ cũng bệnh theo, nếu con bình phục, thì cha mẹ khỏe khoắn. Bồ tát cũng như thế, yêu thương chúng sinh như cha mẹ yêu con. Nếu tất cả chúng sinh còn bệnh thì Bồ tát còn bệnh, nếu chúng sinh lành thì Bồ tát lành, khi chúng sinh hết bệnh, Bồ tát hết bệnh”

Do si mê – ngã ái mà nên nghiệp lực luân hồi. Sinh, lão, bệnh, tử chi phối lên thân thể bất tịnh, đau khổ kéo dài lên kiếp nhân sinh

1. Si: là mê muội, mê lầm, là không sáng suốt, không đủ khả năng để nhận ra sự thật chân lý
Mê lầm có 3 loại:

– Không có khả năng nhận diện đạo lý
– Không có khả năng nhận diện bản chất như thật của sự việc
– Không có khả năng nhận diện thân, tâm của chính mình

Si, là si mê, là vô minh, u tối. Vô minh là không sáng suốt, không nhận định đúng sự thật, phán đoán được hay dở, tốt xấu, lợi hại v.v… vướng vào nhiễm ô tội lỗi, có hại cho mình và cho mọi người

Si, là vô minh. Vô minh che lấp tâm trí, không nhìn thấy được những bợn nhơ cáu bẩn đang gậm nhấm, thoái hóa từ bên trong, làm cho thói hư tật xấu tăng trưởng, đi vào con đường tội lỗi triền miên. Vô minh là uế trược, dứt bỏ vô minh thì trong sáng hiển bày

2. Tham ái là gì? Chữ “ái” là sự yêu mến. Ái là chỉ cho lòng ham muốn qua cảm thọ, ái chính là nguồn gốc của sự sinh tử luân hồi

Có sáu ái xứ: Ái sắc, ái thinh, ái hương, ái vị, ái xúc, ái pháp. Ái nói cho đủ là ái dục, là sự ham muốn. Ngũ dục này làm cho con người dong ruổi mãi để tìm cầu, khiến cho tâm hồn không có điểm dừng nghỉ, như mặt hồ nước gợn sóng lăn tăn mãi không bao giờ phẳng lặng

Ái là tác nhân của đau khổ. Trong Tứ Diệu Đế: KHỔ, TẬP, DIỆT, ĐẠO thì ÁI là TẬP ĐẾ, là nguyên nhân sanh đau khổ. Trong cuộc sống hàng ngày, Ái Dục đóng một vai trò quan trọng, từ trong cuộc sống quan hệ gia đình – xã hội, cho đến những gì liên quan đến tài sản vật chất, công danh, sự nghiệp v.v… đều có sự dẫn đạo của ái

Ái Dục chiếm một vị trí quan trọng, là nguyên nhân của mọi sự đau khổ

Ái Dục không có nghĩa là một sự ưa thích thuộc về ngoại giới, như sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, mà Ái còn là chỗ nương tựa êm ái, để cho đứa con mãi ngủ vùi trong vòng tay người mẹ. Ái Dục bao trùm lên mỗi hành vi, lời nói, mỗi hơi thở trong cuộc đời của chúng ta. Ái Dục không những dẫn con người đi tới, mà Ái Dục còn dẫn đưa đời sống này sang đời sống khác, mãi miết trong cuộc trầm luân sanh tử

Văn Thù Sư Lợi hỏi: “Bệnh của Bồ tát từ đâu phát sinh?”

Duy Ma Cật trả lời: “Bệnh của Bồ tát xuất phát từ tâm đại bi”

Vì đại nguyện đại bi, Duy Ma Cật thị hiện bệnh hạnh để chuyển hóa nhân sinh nhận chân được lý vô thường
Nhận thức được tư tưởng Duy Ma Cật, Huynh Trưởng GĐPT thực tập tu học:

“Vì hết thảy chúng sinh bệnh mà tôi bệnh. Bao giờ hết thảy chúng sinh đạt đến chỗ không bệnh, bệnh tôi sẽ hết”

Còn có một Thanh, Thiếu, Nhi tha hóa, Huynh trưởng GĐPT phát nguyện nhập thế giải khổ cho họ. Huynh trưởng GĐPT thị hiện vào đời, san sẻ những khổ đau người đời, lấy cái khổ của mọi người làm nỗi đau của chính mình để mà độ tận

Huynh trưởng GĐPT hôm nay, tự xác định sứ mênh trước tiền đồ tổ chức, thắp sáng niềm tin, giúp cho đàn em vững chãi noi dấu, luôn luôn chăm lo, làm trong sáng thế hệ mai sau

Huynh trưởng GĐPT nổ lực tu học, thực tập tinh thần siêu việt Duy Ma Cật, từ đó tỏa sáng sức sống diệu kỳ, mạnh dạn bước vào thế giới tâm linh sinh động, kiến giải, làm toát lên sự trong sáng tuệ giác, hiển bày bản nguyện, nâng cao phẩm giá, hun đúc ý chí, thành tựu thảnh thơi giải thoát đến vô cùng

Sự hội ngộ giữa Văn Thù và Duy Ma Cật là cuộc gặp gỡ giữa đỉnh cao của thanh tịnh và trí tuệ, làm đảo lộn cái thấy đoạn kiến hạn cục, làm rơi rụng vô minh phiền não. Từ cái tri thức khái niệm mù mịt sanh diệt đạo đoạn, thấy được cái không hiểu được, tịch diệt vắng lặng, khó diễn tả bằng ngôn ngữ, đó là bất khả tư nghì

Đứng trên hiện tượng còn vướng mắc vọng niệm nhiễm trước không tưởng, không có lý do tồn tại mà diễn bày Phật pháp, là phản tác dụng giáo dục, chỉ dẫn đến thế gian pháp, mơ nằm trong mơ. Trong dục vọng vẫn còn có ươm mầm trí tuệ, nếu sự ham muốn được hướng đến từ bi vị tha, thì dục vọng được chuyển hóa thành hạnh phúc an lạc hoàn toàn. Huynh trưởng GĐPT thực tập tu học DMC đứng trên lập trường chánh niệm bất tư nghì, vượt lên trên nhị nguyên, mới cảm nhận được sự thật chuyển biến từ sâu thẳm. Hương vị giải thoát được toát lên, chỉ có người khát nước, khi hớp từng ngụm trà sen, mới thẩm thấu, thấm đẫm được hương vị mát dịu đậm đà của nước, hạnh phúc thật sự thật bình dị nhẹ nhàng thanh thoát

Tư tưởng tánh không là hướng nhìn mới, thông thoáng, không hạn cục giữa nhân và ngã. Thấy tâm còn bệnh, thì tìm cầu thiện tri thức để được khai thị, thấy kiến thức còn khiếm khuyết, thấy đức hạnh còn hèn kém, thì nổ lực tinh tấn rèn luyện vươn lên. Thấy tha nhân còn tha hóa lạc lõng, thấy người cần phải độ, phát tâm tích cực kiên cố lập chí hành hoạt Phật sự chuyển hóa dung nhiếp đến toàn thiện. Phương tiện diệu thủ tạo nên mãnh đất phì nhiêu, giúp tha nhân gieo trồng hạt giống bồ đề kiên cố. Đem vật lý tòa sư tử vô ngại đặt vào đúng nguyên vị “Ưng vô sở trụ” bình đẳng

Nhận thức hiện tượng nhị nguyên mà có uế có trược, có tịnh và bất tịnh, bởi vì ý niệm sai biệt, cắt xén thực tại thành những mãnh vụn rời rạc nhằm phục vụ si mê – ngã ái vị kỷ. Nhưng mặt trái của thỏa mãn nhất thời là nỗi nhàm chán rây rức nhứt nhối triền miên, khi đối mặt chạm trán với thực tại chông gai gian khó làm chùn lòng thối chí đau khổ tột cùng. Từ tục đế tỉnh thức, thể nhập bản chất như thật sinh diệt, trên dưới, thấp cao của thế giới khái niệm hữu hạn khách quan. Đạt được chân đế bất nhị – tánh không bình đẳng nhất quán kỳ diệu toàn triệt “Tùy kỳ tâm tịnh tắc Phật độ tịnh”

Nguyên Hoàng PHAN VĂN HUY TÂM

458 lượt xem