Thưa Anh Chị Em Áo Lam,

Sự không ngoan của ngưòi đời hơi khác với sự không ngoan trong Đạo: Đời dạy chúng ta chạy theo lợi nhuận cá nhân, bon chen, tham đắm, giàu có rồi muốn giàu có thêm. Đời dạy chúng ta không nên nhường nhịn ai, mà phải dành phần mình trước đã … Đời dạy ta tranh đấu cho quyền lợi của mình, của gia đình mình, ôm nhiều của cải chừng nào tốt chừng ấy, Đạo lại dạy buông xả, ít muốn biết đủ v.v.. cho nên người TU làm theo Đạo, như người chèo thuyền trong dòng nước ngược … Như 1 ví dụ nhỏ, Nhóm Áo Lam xin chép gởi đến ACE những lời TỈNH NGÔN sau đây:

Này con,
Người đời học nói, Con học làm thinh
Người đời học văn minh, Con học đạo đức
Người đời học kiến thức, Con học đạo huyền vi

Người đời học si mê, Con học tỉnh thức
Người đời học nhớ, Con tập cách quên
Người đời ngó lên, Con tập nhìn xuống
Người đời ham muốn, Con tập xả ly

Người đời sân si, Con tập hòa ái ..
Người đời tự đại, Con học khiêm cung
Người đời khư khư, Con hành đại xả
Người đời muôn ngã, Con chỉ một đường
Người đời vô thường, Con về nẻo giác

Sen mọc từ bùn mà thơm ngát
Ghi lòng tạc dạ, con gắng thực hành!

Đây cũng là nội dung những lời Phật dạy, mong rằng ACE chúng ta không ai hiểu sai ý ngài.

Nói đến chuyện hiểu sai ý Phật thì không chỉ ở đời này, cách xa thời Phật còn tại thế _ mà ngay cả thời Phật còn tại thế cũng vậy _ có nhiều người Phật tử (và cả đệ tử Phật) cũng hiểu sai hoặc hiểu lầm giáo lý của ngài. Thật vậy, cụ thể như tôn giả Arittha (có dấu chấm dưới 2 chữ “t”) đã hiểu lầm giữa an lạcdục lạc.

Đức Phật dạy đệ tử của ngài: Những giáo pháp ta nói ra, các ông phải tìm hiểu nghĩa lý một cách tường tận, đúng mức rồi mới đem ra thực hành. Tin ta mà không hiểu ta tức là phỉ báng ta.

Thưa Anh Chị Em,

Có 2 nguyên nhân khiến người ta hiểu lầm ý Kinh: một là thiếu trí tuệ, thiếu khéo léo và hai là học Kinh chỉ vì mục đích tranh luận hay cầu danh. Học Kinh là phải vì mục đích tu tập giải thoát; tóm lại, muốn học hỏi giáo lý của Phật, phải thông minh, khéo léo và với động cơ chân chính là tu tập đạo giải thoát, nếu không thì sẽ hiểu ngược lại những điều Phật dạy.

Đức Phật dùng một thí dụ rất độc đáo để nói về mối nguy hại của sự hiểu lầm giáo lý, đó là ngài so sánh sự nguy hại này với sự nguy hiểm của một người đi bắt rắn mà không thông hiểu nghệ thuật bắt rắn.

Nếu người bắt rắn thấy con rắn lớn liền lấy tay chụp vào mình nó thì sẽ bị nó quay đầu lại mổ vào tay, chân, đầu, mặt .. ngay! Bắt rắn như vậy chỉ mang họa vào thân vì sẽ bị rắn cắn chết! Người học Kinh không thông minh cũng vậy, vì không biết cách học hỏi nên đã hiểu nghĩa Kinh một cách trái ngược, nếu là như vậy, giáo lý ấy trở thành nguy hiểm, không những không có lợi lạc gì mà còn có hại nữa. Ví dụ, khi người ta hiểu ngược thì thay vì sự áp dụng đem lại an lạc, nó đem đến phiền não, khổ đau.

Đức Phật cũng tự ví mình là một lương y và giáo lý của ngài là thuốc chữa tâm bệnh của chúng sanh. Ngài dạy: thuốc men cũng là con dao 2 lưỡi, nó có thể cứu người, cũng có thể giết chết người nếu dùng lầm thưốc, v..v.. Hiểu lầm giáo lý của Phật cũng tai hại như vậy. Tại tu viện gần thành Xá vệ (Vaixali) trong một mùa an cư, khi nghe đức Phật giảng về Vô thường, Vô ngã và Bất tịnh, có mấy vị tỳ kheo đã tự tử vì hiểu lầm ý của đức Phật, cảm thấy chán nản với cuộc đời vô thường và bất tịnh này.

Các vị tỳ kheo trên đây nghe trực tiếp từ kim khẩu của đức Phật mà còn hiểu lầm, hiểu sai, hiểu ngược, huống gì nghe gián tiếp, nghe qua những phương tiện truyền thông như ACE chúng ta ngày nay … Vì vậy, chúng ta phải hết sức cẩn trọng khi học Kinh, nghe Kinh, tìm hiểu ý nghĩa Kinh như chúng ta từng dạy các em trong khi học Phật Pháp: “em nghe”, “em suy nghiệm” và “em tu tập”

NAL cũng xin chép lại vài bài kệ trong Kinh Pháp Cú _ đức Phật dạy về AN LẠC.

Cầu mong ACE chúng ta khi đọc những bài Kệ này, đều hiểu đúng thế nào là an lạc, đừng phạm sai lầm như tôn giả Arittha, đã hiểu ngược lời Phật, không phân biệt được sao là an lạc và sao là dục lạc.

(Từ Kệ số 197 đến Kệ số 204):


Vui thay chúng ta sống
không hận giữa hận thù
Giữa những người thù hận
ta sống không hận thù

Vui thay chúng ta sống
không bệnh giữa ốm đau
Giữa những người bệnh hoạn
Ta sống không ốm đau

Vui thay chúng ta sống
không rộn giữa rộn ràng
Giữa những người rộn ràng
Ta sống không rộn ràng

Vui thay chúng ta sống
không gì gọi “của ta”
ta sẽ hưởng hỷ lạc
như chư thiên Quang Âm

Thắng lợi sinh thù oán
Thất bại chịu khổ đau
Bỏ sau mọi thắng bại
sống an lạc thảnh thơi

Lửa nào bằng lửa Tham
Ác nào bằng ác hận
Khổ nào sánh khổ thân
Lạc nào bằng tịnh lạc

Đói khát, bệnh tối thượng
Các hành, khổ tối thượng
Hiểu chơn thực như vậy
Niết bàn, lạc tối thượng

Vô bệnh, lạc tối thượng
Biết đủ, tiền tối thượng
Thành tín, bạn tối thượng
Niết bàn, lạc tối thượng

Trân trọng,
Nhóm Áo Lam

621 lượt xem