Thưa Anh Chị Em Lam viên bốn phương,

Để thay đổi không khí, hôm nay NAL xin gởi đến các bạn một bài viết kể chuyện đời xưa, giữa 1 ông tướng và người hầu của ông ta, chuyện tưởng là xưa, và là chuyện thế gian nhưng sau khi đọc nhất định ACE chúng ta sẽ nghĩ về các vị thiền sư, về giáo dục thiền Phật Giáo, về thế nào là “tu Tâm” v.v.. và có thể rút ra những bài học rất quý, thích hợp cho việc tu học và tu tập của mình

Trân trọng giới thiệu,
Nhóm Áo Lam

CHIẾC ÁO GIÁP CỦA TÂM

Tớ hỏi chủ:

– Bẩm tướng công, chẳng hay ngài mất cái gì mà từ hôm qua đến giờ cứ phải lục lọi, đào bới tìm khắp nơi như thế ạ?!

– Ta đang đi tìm cái áo giáp.

– Ô hay! Chiến tranh đã chấm dứt lâu rồi, đất nước thanh bình thịnh trị, ngài đi tìm cái áo giáp để làm gì mới được chứ?

– Ngươi là phận tôi đòi hèn mọn, không hiểu được đâu. Ta muốn tìm cái áo giáp không phải để bảo vệ Thân ta mà là để bảo vệ Tâm ta.

Người hầu cận bất thần đập bàn, lớn tiếng:

– Nầy thằng kia! Mầy làm tới chức tể tướng đệ nhất công thần mà sao lại ngu đến như vậy hả ?!

Viên tướng công quắc mắc, rút kiếm. Nhưng rồi như muốn khuỵu xuống vì lần đần tiên trong đời và có lẽ chưa bao giờ có xưa nay, rằng, một kẻ tôi tớ hầu hạ mà lại dám buông lời xúc phạm tày trời đối với một vị tướng công lẫy lừng thiên hạ như thế. Ông chỉ mũi kiếm vào màng tang của người hầu cận, nói nhát gừng như một ân sủng của người quý tộc:

– Trước khi đầu nhà ngươi rụng xuống sau nhát kiếm nầy, ta cần một lời giải thích…

Tên hầu cận cười ha hả:

– Tốt! Nhưng xin hỏi thật rằng, cái áo giáp che Tâm của tướng công ở đâu rồi. ngài đã thấy bóng dáng nó ở đâu chưa?

Vị tướng nóng nảy thốt lên:

– Chưa!

Người hầu cận mỉm cười hoan hỷ:

– Bẩm tướng công, ngài đã nắm cái áo giáp đó trên tay rồi.

Vị đại tướng bực mình nhưng cố gằn giọng:

– Đừng nói nhảm nhí nữa. Hãy đổi cái đầu ngươi bằng một lời giài thích tạm nghe được:

– Hì… hì, bẩm tướng công, cái áo giáp của Tâm nằm sẵn trong chính con người của tướng công. Đó là sự suy nghĩ và cách đối xử không dính mắc vì danh, vì lợi, vì bất cứ lí do gì làm tăng cách nhìn và cách nghĩ của cái Tôi đầy ngã mạn của mỗi chúng ta. Nay tôi dám nói lời xúc phạm đến như thế mà tướng công vẫn còn bình tĩnh để cho tôi có lời giải thích thì quả nhiên ngài đã LÔI cái áo giáp của Tâm ra khỏi thế giới thâm cung của mình. Cái còn lại là ngài phải MẶC nó vào người để điều binh khiển tướng, trị nước an dân.

Tướng công dịu giọng hỏi lại:

– Thế ta phải làm sao để có thể mặc nó vào người?

– Thưa, dễ lắm: Đừng để lời khen, tiếng chê; lời chưởi, câu mắng của bất cứ ai hay từ đâu đến làm động lòng mình. Khi đã mặc áo giáp của

Tâm thì chỉ còn “xúc chạm tròn đầy, tâm không dính mắc".

Tướng công tra kiếm vào bao, cười hoà với người hầu cận:

– Nhưng xin hỏi thật: phải chăng ngươi là một vị thiền sư lỗi lạc trá hình vào làm kẻ hầu cận để góp phần thuyết giảng cho ta?

– Thưa không. Tiện nô thật sự trước sau cũng chỉ là một tên hầu cận. Nhưng tất cả các vị thiền sư, danh tăng đến bản doanh của tướng công dạy đạo thì chỉ có một mình tại hạ lắng nghe, ghi nhớ, học hỏi và thực hành bằng tâm chí thành, trí thanh tịnh. Trong lúc đó, tướng công nghe nhưng lớp màn kiêu mạn của một vị danh tướng đã làm ngài "nghe mà không hiểu, nhìn mà không thấy, biết mà không làm".

Vị tướng rót trà cười ha hả. Khi tướng công đưa hai tay mời người hầu cận uống tách trà. Người ta nghe một giọng nói mơ hồ nhưng cao siêu vời vợi:

– Chúc mừng, chúc mừng! Ngài đang mặc vừa vặn chiếc áo giáp của Tâm.

Nguyên Thọ

526 lượt xem