Thưa Anh Chị Em Huynh trưởng bốn phương,

Đối với thế gian, có thể kể 7 thứ báu vật là; vàng, bạc, ngọc, bạch kim, kim cương, mã não, hổ phách, nhưng đối với người Phật tử nói chung, và đặc biệt là người Huynh trưởng GĐPT thì 7 thứ báu vật là: TÍN TÂM, GIỚI HẠNH, TÀM, QUÍ, ĐA VĂN, TRÍ TUỆ và XẢ LY, vì ai hội đủ mấy thứ này ắt là đã đi vào hàng Thánh rồi.

Hôm nay chúng ta nói về TÍN TÂM và TÀM, QUÍ. Tín Tâm là lòng TIN, được đặt lên hàng đầu trong bất cứ Đạo nào vì nếu không có lòng Tin thì không thể phát triễn những phẩm chất của những đức tính khác được.

Thật vậy, Kinh Hoa Nghiêm dạy chúng ta cần tu tập lòng tin thanh tịnh (Tịnh tín). Trước hết, chúng ta tin vào Phật tánh trong ta. Phương tiện để phát khởi lòng tin vào Phật tánh, đó là tin vào Tam Bảo. Chúng ta tin PHẬT là tin vào Từ Bi và Trí tuệ của chư Phật, cụ thể là đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Chúng ta tin vào Pháp là tin vào Chân Lý, Sự Thật. Đức Phật dạy rằng: dù chư Phật có ra đời hay không, Pháp vẫn có đó, đức Phật là người phát hiện ra chân lý ấy, sự thật ấy, chứ không phải ngài “phát minh”; đó chính là những chân lý về Nhân Quả, Lý Duyên Khởi, Lý Luân Hồi, Lý Nghiệp báo v.v.. Chúng ta tin vào Tăng là tin vào cộng đồng những bậc sứ giả của Như Lai, những bậc học đạo Bồ tát, hành đạo Bồ tát, chứng đạo Bồ Tát và truyền Đạo Bồ tát. Đặc tính của Tăng là thanh tịnh, hòa hợp, bất hại, bao dung và vô ngại. Tăng không phải là một người tu sĩ, dù người này có đạo cao đức trọng bao nhiêu cũng không thể gọi là Tăng _Tăng phải là một tập thể, một cộng đồng. Để phát triễn tín tâm, chúng ta phải tự rèn luyện mình, qua Văn Tư Tu, phải đọc kinh sách, tìm hiểu Đạo của mình, phải thân cận thiện tri thức, cung kính, cầu học với chư Tăng Ni v.v..

Nói đến cúng dường chư Phật, cúng dường Tam Bảo, cúng dường chư Tăng Ni v.v.. là nói đến sự cung kính, phá bỏ tánh ngã mạn, biết quý trọng người hiền đức, và biểu hiện của lòng qui kính đó là sự cúng dường. Cúng dường bao gồm đồ vật (y phục, thuốc men, thức ăn v.v..), thì giờ, công sức, trí óc, thái độ … Sự cúng dường chân thành làm tăng trưởng niềm tin và giúp ta tiến bộ trong tu học và tu tập.

TÀM = thẹn, QUÍ = hổ; Tâm Tàm Quí là tâm biết hổ thẹn; vô tàm vô quí là không biết hổ thẹn; “Không biết hổ thẹn” là những tâm sở bất thiện. Người biết hổ thẹn thì không làm điều gì sai quấy, nếu đã lầm lỡ sai phạm thì biết xấu hổ, biết ăn năn, sám hối. Người xưa rất quan trọng trong việc tu thân nên khi phạm sai lầm, dù không ai biết, họ cũng tự cảm thấy hổ thẹn. Đời nay, đặc biệt trong thời đại mới này, làm sai đã không biết ăn năn hối lỗi còn đổ lỗi cho người khác, có khi vì “chạy tội” cho mình mà vu khống, nói xấu người khác nữa; những người ấy không hiểu luật nhân quả, không biết tự tu tự dưỡng cho nên khó tạo cho mình một tâm hồn cao thượng, một tư cách tác phong của người quân tử.

“Tâm dẫn đầu mọi pháp” Đức Phật đã dạy như vậy, cùng một việc làm nhưng với cái Tâm như thế nào thì việc làm là thiện/ lành, còn với cái tâm ngược lại thì đó là xấu/ ác. Ví dụ nhỏ cụ thể: cùng là bố thí, nhưng nếu một người rất giàu có làm việc từ thiện để được đăng báo, đưa lên TV, quảng cáo cho bản thân thì việc làm đó đâu có ý nghĩa bằng 1 người rất nghèo mà chia đôi chén cơm mình đang ăn cho 1 con chó đói chẳng hạn.

Thân kính chúc Anh Chị Em tinh tấn trong tu học và tu tập để dũng tiến trên con đường tiến về đất Phật.

Ngoài ra, không quên thân kính chúc ACE và gia đình một mùa Trăng Trung Thu tràn đầy Tình thương và Tỉnh thức

Trân trọng,
BBT

588 lượt xem