Thưa Anh Chị Em Áo Lam,

Phật Pháp cao siêu mầu nhiệm nhưng không phải bất cứ người Phật tử nào cũng am hiểu, thông suốt. Bởi vậy vẫn còn nhiều vấn đề rất phổ thông nhưng vẫn còn được đặt thành nghi vấn. Ví dụ, có anh (chị) nói rằng: người ta sống ở đời, ai cũng là vì mình mà sống, vì bản thân mình, gia đình mình, dòng họ mình v.v.. chứ tại sao Nhóm Áo Lam (NAL) lại nói những ý nghĩ, lời nói, việc làm hướng về tự ngã (Nghĩa là về “cái tôi” hay “cái của tôi”) là bất thiện?

Xin cảm ơn bạn đã nêu cao châm ngôn “hỏi đến tận nơi, hành đến tận gốc” của ngưòi Phật tử học Phật.

Thưa Anh Chị Em,
 
Xin nhắc lại, NAL nói rằng: những ý nghĩ, lời nói, việc làm CHỈ hướng về tự ngã, nghĩa là chỉ biết nghĩ cho riêng mình, không nghĩ đến người khác, thì đó là bất thiện; xin lấy những ví dụ rất đơn giản trong đời sống hằng ngày.

Hằng ngày chúng ta làm việc trong hãng, sở, trưòng học… khi phân công việc gì, nếu ta chỉ dành phần thuận lợi cho mình thì người khác đâu có vui được, nếu rác nhà mình mà mình quăng (liệng) qua nhà hàng xóm thì nhà bên kia sẽ phản ứng ngay, nếu hoa của nhà người ta mà mình chỉ nghĩ đến mình thích thì cứ hái v.v… đó chính là xâm phạm tài sản của người khác rồi!
 
Lên một bậc nữa: nếu chúng ta là người “chủ”, “người lãnh đạo” mà việc gì cũng tự ý quyết định sao cho lợi về phần mình thì những người khác bị thiệt thòi rồi! Như vậy không phải đã gây ra bất mãn, oán thù, giận dữ nơi người khác rồi sao?

Ngày xưa có những vị vua thương dân như thương con, đó là do vua thân ở cung đình mà tâm thì nghĩ đến trăm họ. Ngày nay những người làm quan có quyền thế trong tay, không những không thương dân mà còn tham nhũng, nghĩa là lấy của công làm của riêng mình … đó chính là biểu hiện của những ý niệm chỉ biết đến “ta” và “của ta” còn ai sống hay chết, đói hay rét cứ mặc kệ!!! Chúng ta thấy rõ là những người CHỈ biết yêu “tự ngã” sẽ trở nên ích kỷ hại người như vậy đó.

Trần Hưng Đạo, vị tướng tài ba đời nhà Trần, đã quên thù riêng với nhà vua, đã đặt tình yêu nước lên trên tình nhà, hợp tác với vua, giúp vua trị nước và giữ nước, thắng quân giặc Mông Cổ để bảo vệ đất nước Việt nam.

Chúng ta thường nghe nói “lùi lại một bước thì trời cao biển rộng” có nghĩa là nếu chúng ta nhường nhịn nhau, nếu chúng ta suy nghĩ, nói năng, hành động với cái Tâm hoàn toàn vắng mặt những ý niệm chỉ hướng về tự ngã thì bầu trời trở nên trong xanh, không chút bợn mây phiền não. Được như vậy thì chúng ta đi đâu cũng được an toàn, sống với ai cũng được an lạc, tiếp xúc với cái gì cũng thấy cái đó tốt đẹp, thiết thực, lợi ích và nhiệm mầu.

Để thắng được những ý niệm chỉ hướng đến tự ngã, chúng ta học và thực hành hạnh “buông xả”. Chúng ta hãy quán chiếu những hạt giống tự ngã, để thấy rõ chúng và khi chánh niệm chiếu soi vào thì những ý niệm ấy yếu dần, từ từ chúng ta sẽ bớt nặng nề về tự ngã, chúng ta sẽ “thấy” đựơc tại sao những hạt giống ấy là “bất thiện” .. Rồi, cũng vậy, dưói ánh sáng của chánh niệm, chúng ta thực tập với những hạt giống “buông xả” chúng ta chuyên tâm làm cho chúng có mặt thưòng trực nơi ý thức của mình .. rồi từ từ tiến bộ hơn, những hạt giống ấy sẽ có mặt thường trực trong những lời nói và việc làm trong sinh hoạt hằng ngày của mình.

Rồi chúng ta sẽ rất hạnh phúc khi nhận ra rằng một khi buông bỏ được một điều gì mà trước đây ta “sống chết” để giữ nó thì ta cảm thấy an lạc hơn rất nhiều lần lúc còn nắm chặt để giữ nó.

Kính mong Anh Chị Em thực tập thành công “buông bỏ” để có thể bớt dục vọng, thêm tình thương, mạnh tiến trên con đường của Đạo Vô Ngã, theo chân đức Phật, Thế Tôn.

Nhớ một nhà thơ nào đã viết mấy câu tuy không phải là 1 bài Phật Pháp nhưng tràn đầy từ bi và trí tụệ:

“Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy,
Ta có thêm một ngày nữa để yêu thuơng”

Sự biết ơn và cảm ơn này rất “vô ngã” nên rất đẹp và cao thượng, có phải không, thưa các bạn? Thân kính chúc mọi người một mùa Vu Lan sum họp, vui vẻ hạnh phúc bên cạnh những người thân.

Trân trọng,
Nhóm Áo Lam

562 lượt xem