Thưa Anh Chị Em Huynh Trưởng bốn phương,

Nhạc sĩ (Huynh trưỏng GĐPT) Thanh Toàn có đặt 1 bài hát lấy 2 câu kệ “Gatê, Gatê, Paragatê, parasam gatê ….” Và thêm vào 2 câu cuối
“Này anh em ơi! tiến lên tiến lên soi lại mình đi, tâm chúng ta vướng bận điều gì, tâm chúng ta vướng bận điều gì?!”

Tập thể ACE chúng ta đông đảo quá, người ở trong nước, người ở Âu châu, người ở Úc Châu, người ở Mỹ châu … rồi mỗi người một vướng mắc khác nhau, biết đâu mà nói ra cho hết và ai có thể giải đáp được đây? Đó là nguyên nhân BBT xin chọn câu chuyện của ông Subhadda (chúng ta quen gọi là Tu Bạt Đà La) vị đệ tử cuối cùng của đức Thế tôn để làm CCDC hôm nay.

Thưa Anh Chị Em,

Subhadda là một người Bà La Môn sống ở xứ Câu Thi La của Ấn Độ cổ xưa, sống trên 100 tuổi, thường theo học với các vị sư không phải là đệ tử Phật, Ông chưa thỏa mãn với những điều học được và còn quá nhiều vướng mắc. Khi nghe tin đức Phật sắp nhập diệt trong rừng Sa la thuộc xứ sở của ông, ông bèn đến, xin yết kiến đức Phật để thưa hỏi về 3 câu hỏi còn vương vấn trong lòng vì chưa ai trả lời thỏa đáng cho ông. Lúc ấy tôn giả A Nan đang hầu cận bên đức Phật, từ chối ông Subhadda vì thấy đức Thế Tôn đang mệt cần nghỉ ngơi. Đức Phật nằm nghỉ giữa 2 cây sala, nghe tiếng năn nỉ của Subhadda bèn gọi Anan bảo hãy để cho ông ta vào. Ông Subhadda sau khi thăm hỏi đức Thế tôn liền nêu lên 3 câu hỏi mà từ lâu ông mang nặng trong lòng, chưa được ai giải đáp; đó là:

1. Giữa hư không, có dấu tích gì không?
2. Ngoài những Sa môn tu theo giáo pháp của Như Lai, còn vị Sa môn nào nữa không?
3. Có sự vật hữu vi nào thường hằng (không bao giờ hoại diệt) không?

Cả 3 câu hỏi đều được đức Phật đáp bằng một chữ KHÔNG và ngài nói lên hai bài kệ sau đây, nhờ đó ông Subhadda đắc quả A la Hán:

Kệ 254:

Hư không, không dấu vết
Tà đạo, không thánh nhân
Chúng sanh thích hư vọng
Như Lai, vọng diệt trừ


Kệ 255:


Hư không, không dấu vết,
Tà đạo, không thánh nhân
Hữu vi, không thường trú
Chư Phật không loạn động

Phạm Thiên Thư Việt dịch thành thơ như sau:

Hư không nào dấu vết
Tà đạo ai hiền nhân
người người thích hư vọng
quên bản tính thường chân

(kệ số 254)

Hư không nào dấu vết
Tà đạo ai hiền nhân
Năm uẩn thường dị diệt
Như Lai chân thường gương

(Kệ số 255)

Thưa Anh Chị Em,

Ông Subhadda thật xứng là đệ tử Phật, chỉ nghe một chữ Không và 2 bài Kệ là chứng đắc A La Hán ngay! Anh Chị Em chúng ta ngày nay được học bao nhiêu kinh điển, nghe chư Tăng Ni giảng bao nhiêu bài Pháp từ Tứ Đế đến 12 nhân duyên, từ 5 uẩn đến 8 Chánh Đạo … mà chưa chứng đắc cái gì cả, đừng nói là quả vị A La Hán! Thế nhưng nhờ ham học hỏi Kinh nên chúng ta đã hiểu được tại sao Phật trả lời Không cho 3 câu hỏi này; Chúng ta thử lý giải 3 chữ không này nha! [nếu không ôn tập những gì mình học được e rằng ngay cả phần lý thuyết chúng ta cũng “bí” chứ đừng nói là chứng đắc!:   !]

Câu thứ nhất, giữa hư không có dấu tích gì không? Chúng ta được học: “Không” chính là thực tướng của các pháp: ví dụ ngọn nến đang cháy, hết nến sẽ tắt, con người đang sống nhưng nếu bị tai nạn, bị bệnh không thể chữa được cũng chết, hay không bị tai nạn nhưng thọ mạng đã hết cũng chết v..v.. tất cả mọi sự vật, hiện tượng đều trải qua 4 thời kỳ thành, trụ, hoại, không nên “Không” chính là thực tướng các pháp, còn gọi là tướng tịch diệt:

Chư pháp tùng bổn lai,
thường tự tịch diệt tướng

(các pháp xưa nay
thường vắng lặng)

Câu thứ hai, muốn hiểu rõ tại sao “không”, chúng ta nhắc lại định nghĩa chữ “Sa môn” _ Sa môn là người siêng làm điều thiện, là người dứt bỏ các nghiệp ác, là người không giữ của cải, chịu đói chịu nghèo, là người không có cái gì là “của tôi”, là thầy tu xuất gia theo đạo Phật; như vậy ngoài những đệ tử Phật đâu có ai là sa môn theo những định nghĩa trên!

Câu thứ 3 tuy khó mà dễ vì chúng ta đã thấy trong kinh Kim Cang đức Phật dạy:

Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng huyễn bào ảnh
Như lộ diệc như điển
Ưng tác như thị quán

Việt dịch:
Tất cả các pháp hữu vi
Như mộng huyễn, như bọt nước
Như sương, như điện chớp
Nên quán chiếu như vậy

Như vậy câu trả lời “không” là quá dễ hiểu rồi! Vì đã nói là tất cả các pháp hữu vi đều là “mộng huyễn”, như là bọt nước, như giọt sương, như điện chớp v..v.. làm sao mà tồn tại lâu dài được, đừng nói chi là “thường hằng”!

Như vậy chúng ta đã ôn chuyện cũ để biết chuyện mới, và qua câu chuyện của ông Subhadda mỗi người chúng ta cũng đã rút ra cho mình 1 bài học hay giải tỏa cho mình một vướng mắc nào đó rồi!

Trân trọng,
BBT

551 lượt xem