Thưa Anh Chị Em Áo Lam,

Để thay đổi không khí, hôm nay Nhóm Áo Lam xin giới thiệu với ACE một trích đoạn trong cuốn tự truyện “Dấu Chân Trong Tuyết” của Đại Sư Thánh Nghiêm_ Trần Ngọc Bảo dịch_ kể lại cuộc đời truyền bá Thiền Trung Hoa của Ngài ở phương Tây _ đây là đoạn kể lại ngài đã đến New York, USA và học cách sống “không nhà” như thế nào.

Thân kính chúc ACE có được nhiều bài học quí giá về việc tự rèn luyện tâm Xả cho bản thân.

Trân trọng,
Nhóm Áo Lam

Du Tăng

Sau khi tôi từ nhiệm chức vụ Viện Chủ ở Đài Loan, Tiến sĩ C.T. Shen (đồng sáng lập Hội Phật Giáo Hoa Kỳ) đưa tôi trở lại New York để truyền bá giáo pháp ở đây. Tuy nhiên trong chuyến trở về này tôi không trở lại chức vụ hồi trước. Ở Tu viện Đại Giác Ngộ không còn phòng cho tôi vì có các sư cô ở rồi. Tôi tạm trú ở vila của ông Shen, gọi là Nhà Bồ Đề ở Long Island, và đi đi về về thành phố. Nhưng tôi muốn ra đi vì ở như thế là quá cách xa mấy người học trò của tôi. Ông Shen nói, “Nếu thầy ra ngoài thì con không thể nào săn sóc thầy cho tốt được.” Tôi nói, “Không sao, không sao, ta sẽ sống lang thang cũng được.”

Tôi không có tiền thuê nhà cho nên tôi ngủ trước các nhà thờ hoặc trong các công viên. Tôi học cách sống như thế từ ba người học trò có kinh nghiệm sống trên đường phố. Họ dạy cho tôi cách tìm trái cây và bánh mì người ta vứt đi sau các cửa hàng bán thức ăn chế biến sẵn và chợ thực phẩm. Họ chỉ cho tôi cách thức để kiếm chút ít tiền bằng cách làm những việc lặt vặt như quét tước các cửa hàng hay trông nom quầy bán bánh kẹo. Tôi học cách gửi đồ đạc trong ngăn tủ ở nhà Ga Trung Tâm và giặt áo quần ở một máy giặt tự phục vụ. Các học trò chỉ cho tôi những quán bán thức ăn nhanh mở cửa suốt 24 giờ, và họ bảo tôi có thể nghỉ qua đêm ở đó bằng cách ngồi uống cà-phê.

Tôi lang thang khắp thành phố, trở thành một du tăng, trong bộ đồ cũ kỹ, ngủ trước các bậc thềm nhà, gật đầu chào những người vô gia cư nghỉ qua đêm trong quán cà-phê, lục lọi thùng rác để kiếm trái cây và rau thừa. Tôi đang ở độ tuổi năm mươi, không còn trẻ trung gì, nhưng có ánh sáng rọi chiếu trong tôi, đó là hạnh nguyện đem giáo pháp đến phương Tây. Ngoài việc đó ra thì không có gì quan trọng nữa. Những bài học Dongchu đã dạy tôi rằng chẳng có gì khác biệt dù là ngủ trong một căn phòng lớn hay trong phòng nhỏ hay trong hành lang của một nhà thờ.

Một số người có thể thương hại tôi, nhưng tôi không cảm thấy thương hại cho mình. Tôi không cảm thấy mình là người kém may mắn. Một số khác thì sợ và lo là tôi sẽ xin tiền hay nhờ cậy giúp đỡ. Tôi quyết định không gọi cho ai mặc dù nếu có ai tình nguyện giúp đỡ thì tôi cũng nhận. Đôi khi tôi cũng nghỉ đêm ở nhà Phật tử. Đại Đức Haolin mời tôi đến ở tu viện của thầy ở Chinatown. Nhưng tôi không muốn ở lâu vì tôi không biết có đền đáp ơn huệ của thầy ấy được không. Tôi thích sống lang thang hơn.

Có thể các bạn cho rằng đó là một thái độ kỳ cục vì một người bạn đồng tu như thầy lại để cho tôi rời tu viện để sống trên đường phố. Nhưng thật tình chỗ ở của thầy Haolim quá chật và thầy cũng không có được cúng dường gì nhiều. Nếu tôi ở đó sẽ là một gánh nặng cho thầy. Nếu thầy ấy có một chỗ ở rộng rãi và cuộc sống đầy đủ hơn thì tôi cũng không ngại ở lại.

Tôi nghĩ sống trên đường phố cũng là một điều tốt vì nó dạy cho tôi không nhờ cậy ai và tự tìm chỗ để truyền bá giáo pháp. Các vị Bồ tát có truyền thống đi vào những nơi gian khổ để hoằng hóa. Đức Phật Thích Ca cũng dạy rằng là một hành giả, một vị Bồ Tát không tìm cầu hạnh phúc và an toàn cho bản thân mà chỉ đem lại hạnh phúc cho chúng sinh. Ở Ấn Độ, các tu sĩ phải du hành qua những vùng không có Phật giáo và gặp sự chống đối. Khi họ đến Trung Quốc thì Lão giáo và Khổng giáo giữ địa vị thống trị, và các nho sĩ muốn xua đuổi các tín đồ, nhất là tu sĩ đạo Phật. Đức Phật Thích Ca dạy rằng nếu chúng ta vượt qua khó khăn thì chúng ta sẽ đem lại niềm hứng khởi cho người khác và ảnh hưởng tốt đến tâm trí họ. Người bình thường cầu mong cho cuộc đời êm trôi, không có rắc rối. Nhưng hành giả đạo Phật có thái độ khác. Họ sẵn sàng chấp nhận khó khăn khi họ làm việc để phục vụ chúng sinh.

Làm thế nào để chúng ta vượt qua gian khổ? Đại Sư Mã Tổ dạy rằng cần phải có tâm xả. Điều này có nghĩa là luôn luôn duy trì sự bình tâm, không để cảm xúc chi phối. Khi thành công bạn không nghĩ rằng do chính mình tạo ra. Bạn cũng không phấn khích hay tự hào. Thành công hay không là do nhiều người và hoàn cảnh. Nếu bạn gắng sức làm gì đó mà thấy có quá nhiều trở ngại thì có thể ngưng. Trong trường hợp đó, bạn cũng không cần phải thất vọng. Điều kiện chưa chín mùi cho việc ấy. Có thể tình hình sẽ thay đổi, có thể không. Việc ấy không phải là sự thất bại của bạn. Thất vọng chỉ mang lại khổ đau.

Giữ sự bình tâm không phải là thụ động hay không làm gì. Bạn cũng cần phải hoàn thành các nhiệm vụ của mình. Đại sư Hư Vân nói, “Dù việc hoằng truyền giáo pháp cũng giống như rắc hoa lên trời, chúng ta cũng nên làm không nghỉ. Mặc dầu những nơi tu tập (như tu viện, trung tâm tu tập) cũng giống như bóng trăng trong nước (hư ảo và vô thường) chúng ta cũng cứ xây đắp ở bất cứ nơi nào mình đi tới.” Điều này có nghĩa là những việc ấy dù cuối cùng cũng là hư ảo, chúng ta cũng cần phải làm. Chúng sinh cũng là hư ảo, nhưng chúng ta cũng nên cứu độ họ. Nơi tu tập cũng là giả tạm như bóng trăng trong nước, chúng ta vẫn xây tu viện để có nơi cứu độ chúng sinh. Đây là nhiệm vụ của chúng ta. Chúng ta phải cố gắng hết sức để hoàn thành, mà không dính mắc vào sự thành công hay thất bại.

Các thiền sư áp dụng tâm xả trong mọi lúc của cuộc sống. Nếu không thì họ không phải là thiền sư. Trong thời gian sống lang thang tôi luôn giữ tâm xả. Tôi không nghĩ rằng tôi là một kẻ không nhà. Tôi nhớ tới Đại Sư Hám Sơn [1546-1623] sống trên núi Thiên Thai. Ngài lấy bầu trời làm mái nhà, đất làm giường, mây làm chăn, đá làm gối, suối làm bồn tắm. Có rau ngài ăn rau, có cơm ăn cơm, không có thì ăn lá cây và rễ củ. Lòng ngài thanh thản và ngài thốt ra những vần thơ đẹp như sau:

Bên vách núi một mình ta sống,
Mây trắng suốt ngày bay cuồn cuộn,
Chòi tranh tia nắng chiếu xuyên mờ
Tâm tịch tịnh vắng bặt lặng yên
Trong mơ màng ta vượt hoàng môn
Tâm quay về lúc băng qua cầu đá
Mọi gánh nặng đời thõng tay buông xuống
Bát treo trên cành kêu lách cách lanh canh.

Khi ta không có gì ta được tự do. Khi ta sở hữu một vật gì ta bị ràng buộc với nó. Tôi cảm thấy hạnh phúc. Tôi không hề cảm thấy rằng tôi không có tương lai. Quả thật tôi thấy tương lai rất giàu có vì tôi có học trò. Tôi còn có công việc để làm. Tôi chỉ không biết rằng tối nay ngủ ở đâu. Nhưng tôi biết rằng tôi khá giả hơn những người vô gia cư, những người thật sự không có gì và không có tương lai. Và tôi biết rằng tôi sẽ không lang thang mãi mãi.

Cuộc đời của tôi bây giờ đã khác. Tôi đã gặp những nhà lãnh đạo của thế giới và thuyết pháp ở Đại Sảnh Hội Nghị Hoa Kỳ. Trong số đệ tử của tôi có những viên chức cấp cao Đài Loan. Có khi tôi được đưa rước bằng đoàn xe công vụ như VIP ở Trung Hoa lục địa và ở Thái Lan. Tôi được các Phật tử tôn kính. Họ cho rằng nếu không cư xử với tôi thế này thế nọ thì không đúng, nhưng đối với tôi chẳng có gì quan trọng dù người ta đối xử thế này hay thế khác. Ngày nay tôi có tiếng tăm nhưng ngày mai khi tôi không còn làm công việc tôi đang làm thì tôi cũng đi vào cõi lãng quên. Có bao nhiêu người có tên trong lịch sử rồi? Tiếng tăm, cũng giống như tài sản và quyền thế cũng chỉ là ảo ảnh. Thế cho nên tâm xả luôn cần trong mọi hoàn cảnh.

Có một câu ngạn ngữ Trung Hoa như thế này, “Sau khi trải qua giàu sang và quyền lực rất khó trở về cuộc sống nghèo nàn.” Điều này đúng nếu người ta không có tâm xả. Nếu bạn duy trì được sự bình tâm thì dù hoàn cảnh thế nào chăng nữa bạn cũng được tự do.

[Trần Ngọc Bảo dịch bài The Wanderer từ tạp chí Tricycle số mùa đông 2008.]

552 lượt xem