Ngày Vu Lan lắng sâu..


Nam Mô Vu Lan Hội Thượng Phật Bồ Tát

Phật dạy cha mẹ còn sinh tiền cũng như Phật còn tại thế. “Cha mẹ tại tiền như Phật tại thế, gặp thời không có Phật, khéo thờ cha mẹ tức là thờ Phật". (Kinh Đại Tập)

Người con hiếu là người có thể thành tựu nhiều hạnh lành khác, vì hiếu là nền tảng của muôn hạnh lành, là cơ sở của lòng nhân, là nhịp cầu giải thoát. Vì thế người con phải biết quý kính và hết lòng phụng dưỡng cha mẹ lúc cha mẹ còn sống và làm việc phước thiện để hồi hướng công đức cho cha mẹ khi đã quá vãng. Chúng ta không chỉ báo hiếu cho cha mẹ trong ngày Vu lan mà trong suốt cả cuộc đời mình.

Theo lời Phật dạy, một người con Phật được gọi là hiếu đạo thì phải hội đủ cả hai mặt sự và lý. Sự là hình thức báo đáp bên ngoài, là lo lắng, chăm nom phụng dưỡng cha mẹ khỏi mọi điều thiếu thốn về vật chất; luôn tôn trọng kính lễ cha mẹ và không được làm cho cha mẹ phiền lòng. Lý là chăm lo đời sống tâm linh cho cha mẹ. Hướng cha mẹ phát khởi thiện tâm, gieo tạo phước lành, tu theo chánh đạo; là làm sao cho cha mẹ hiểu rõ đường lành, tin sâu nhơn quả, thoát ngoài vòng mê tín, ra khỏi luân hồi nghiệp báo, đạt được an lạc giải thoát trong hiện tại và tương lai. Như vậy có thể nói những việc làm báo hiếu thuộc về hai phương diện vật chất và tinh thần.

Về phương diện vật chất, phận làm con phải chăm sóc cho cha mẹ, thay cha mẹ làm các việc khó nhọc, không để cho cha mẹ thiếu thốn, phiền lòng. Phải lo chăm sóc sức khỏe, thăm viếng, đừng để cho cha mẹ quạnh hiu lúc tuổi già. Về phương diện tinh thần, người con phải làm sao cho tinh thần của cha mẹ được nhẹ nhàng, biết hướng cha mẹ vào con đường tu tập theo chánh pháp đi dần đến chỗ giải thoát. Vật chất chỉ là thứ giả tạm, chỉ có giá trị nhất thời, tinh thần hay đời sống tâm linh mới là quan trọng, là nhân tố quyết định khổ đau hay hạnh phúc trong đời này và đời sau.

Người Phật tử phải biết khuyến khích cha mẹ hướng thiện và quy kính Tam Bảo. Làm sao cho Cha Mẹ hiểu biết và tin theo chánh pháp, hiểu luật nhân quả, biết làm lành lánh giữ, rộng lòng bố thí, giữ gìn giới luật, tu tập và an trú vào trí tuệ. Như vậy mới là cách báo hiếu trọn vẹn nhất.

Lễ Vu Lan mang một ý nghĩa thật thiêng liêng cao cả về hạnh hiếu và đạo lý tri ân của người Việt. Chính vì thế ngày Vu-lan đã được xem là ngày Cha Mẹ trong Phật giáo nhằm tưởng nhớ và báo đáp công ơn sanh thành và dưỡng dục của cha mẹ. Công ơn ấy vô cùng cao cả không ngôn từ tả xiết:

“Ngôn ngữ trần gian như túi rách
Đựng sao đầy hai tiếng Mẹ Cha”

Là Phật tử chúng ta nhận thức sâu sắc lời Phật dạy và ý nghĩa của Vu Lan càng nỗ lực thực hành hạnh hiếu để báo đáp thâm ân của cha mẹ không chỉ ở kiếp này mà nhiều đời nhiều kiếp.

Nam Mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Tôn Giả

Thích Tánh Tuệ

1241 lượt xem