Thời điểm đó là năm 1987, anh Như Tâm – Nguyễn Khắc Từ đương nhiệm Gia Trưởng GĐPT Chánh Thọ (1983-1993) và đang làm nhiệm vụ Nghiên Huấn trung ương, đã khai mở một liên trại lịch sử: Vạn Hạnh – Huyền Trang – A Dục – Lộc Uyển cùng Ban Hướng Dẫn GĐPT Gia Định. Tại giảng đường chùa VT anh đã “chỉ thị” cho tôi:

– Anh muốn có một bài ca tưởng niệm của Gia Đình Phật Tử.

– Thưa anh hình như bên Gia Định đã có bài hát này rồi?

– Bài ấy anh đã nghe, buồn nhưng chưa rung động lắm.

Bổng dưng tôi cảm thấy khó khăn vì biết một bài hát mà muốn rung động nhiều người không phải dễ làm.

– Thế ý anh ra sao?

Anh Từ đưa cặp mắt mơ hồ nhìn lên trần nhà và nói mà tôi nghe như âm thanh từ hướng đó vọng xuống:

– Anh muốn bài ca ấy không những tưởng niệm những người đã chết mà phải cảm niệm cả những người còn sống. Những người đang sống đây và những người đã chết kia đang đi chung một con đường Đạo Pháp vô úy, tự tại, vô ngại.

Ngay lúc đó tôi đã mường tượng được âm thanh vòng cung từ trên cao òa xuống và từ dưới đất rung lên, một bài hợp xướng với trầm khúc vút cao bát độ đã nẩy lên trong tôi.

Thưa các anh chị.

Lúc đó tôi bổng nhớ một số ca từ trong Nối Vòng Tay Lớn của Trịnh Công Sơn: “…người chết nối linh thiêng vào đời… …biển xanh sông gấm nối liền một vòng tử sinh…” thì hiểu ra các bậc tài hoa thường gặp nhau trong tư tưởng, người đời đã không hiểu nhạc Trịnh Công Sơn là thế!

Tôi về tìm bài Hồn Tử Sĩ của Israel hay trường khúc Requiem (nhạc cầu hồn) của Mozart để nghe giai điệu… “Bí !”…

Khuya hôm đó là ngày 28 âm lịch, không trăng, đường phố yên tĩnh… Tôi ngồi cùng người bạn nơi quán cà-phê đầu phố. Bổng gió gào, mưa đổ xuống từng cơn, lúc từ Đông tới, lúc từ Bắc tới làm hai người phải di chuyển chỗ trú tránh chiều mưa tạt. Câu đầu tiên của bài Sống Trọn Đời Lam đã xuất hiện: Tiếng piano dìu dặt – tiếng gọi hồn trong gió – tiếng chạy ngón của Pianist như mưa đuổi… ánh sáng lấp lánh của Vô Tận Đăng trong những đêm phát nguyện làm Trưởng, rồi Chiên Đàn Hương bay lên… Người sống, người chết đồng có mặt.

Hồn thiêng… bốn phương hội về (mà sau này anh Từ sửa là “Mười phương áo lam hội về).

Có câu đầu thì ý nhạc cứ theo đó làm tiếp cho đến ngày trình duyệt. Tôi hỏi anh về đề tựa, anh trả lời: Em đã đặt tựa cho bài hát rồi còn gì!

Ngày mồng 2 tháng 9 năm Kỷ Tỵ – 1989 giỗ anh Lương Hoàng Chuẩn tại chùa Vạn Phước, dàn mandoline của Chánh Thọ bất ngờ hội ngộ với nhóm nhạc sĩ Giác An GĐPT Giác Hạnh cũng với đàn mando, và cùng tấu lên bài này trong phút tưởng niệm. Tôi và nhạc sĩ Giác An kết thân từ đó…

Anh Nguyễn Khắc Từ ra đi vào ngày 12 tháng 3 năm Quý Dậu 1993, linh cữu quàng tại chùa Vạn Phước, GĐPT Chánh Thọ đã đeo tang Gia Trưởng và đã hát bài này cho anh nghe lần cuối trước khi tiễn biệt.

ĐỨC QUẢNGMùa Hiệp Kỵ 2014.

3764 lượt xem