MÙA XUÂN TRONG MỖI CHÚNG TA

Thích Thái Hòa

Xuân của đất trời

Xuân của đất trời thì ở đâu cũng hồn nhiên và xinh đẹp. Nó xinh đẹp ngay nơi bản chất hồn nhiên của chính nó. Nó xinh đẹp, vì nó biết ẩn mình trong nắng quái của mùa hạ, trong dịu hiền của mùa thu và ẩn sâu trong lòng băng giá của mùa đông, để nuôi dưỡng sự tồn sinh và đợi đúng thời, thì xuân tự biểu hiện để hiến tặng cho đời muôn ngàn hương sắc xinh tươi hồng tía, muôn ngàn chồi lộc sức sống mầm non.

Xuân của đất trời không nói, nhưng muôn ngàn hoa lá nói thay cho đất trời trong từng sát-na âm dương vận hành sinh diệt. Nếu xuân sinh mà không diệt, ấy là xuân vô cảm tự biến mình thành chất chai lì như vách đá. Nhưng vách đá, chưa từng là vách đá và không bao giờ chỉ là vách đá, vì vách đá còn biết mọc rêu và có thể trở thành bức tranh xuân, tinh kết đôi vầng nhật nguyệt, tạo thành những âm hưởng rung động, tuyệt tác vô ngôn cho đời.

Nếu xuân diệt mà không sinh, ấy là xuân trong tư duy triết học phiến diện, trong những cảm xúc của những kẻ hưởng thụ hốt hoảng, ngông cuồng mà không phải là xuân đúng như thực tại của chính nó. Xuân đúng như thực tại chính nó là nó sinh mà không phải thường còn, nó diệt mà không hề biến mất. Nó hiện hữu, nhưng chưa bao giờ nó hiện hữu một mình. Nó hiện hữu với chính nó, cùng với hạ, thu và đông. Nó sinh, nhưng chưa bao giờ là sinh một mình và nó diệt, chính nó cũng chưa bao giờ diệt một mình. Sinh và diệt, biểu hiện và ẩn tàng hay đến và đi của xuân, chỉ là hai mặt của một thực tại sống động trong dòng chảy tương tác vô cùng của trời đất muôn thuở.

Đủ duyên xuân biểu hiện

Duyên hết xuân ẩn tàng

Trời đất tình một lối

Ô hay, nhật nguyệt vàng!”.

Xuân của chúng ta

Con người của chúng ta sinh ra từ nơi hồn nhiên của đất trời và từ nơi biến động của những vọng tưởng tâm thức, nên mùa xuân của con người được tạo thành từ nơi những quy ước của nhận thức, khiến chất liệu hồn nhiên của đất trời nơi con người của chúng ta, trở thành những cảm xúc vui buồn giữa đất trời biến thiên vô tận.

Trong sự biến thiên vô tận ấy, con người tùy theo nghiệp chủng, mà có tương cảm với địa dư, phong thủy, thời tiết, tín ngưỡng, tôn giáo, tư duy văn hóa vùng miền và từng khúc quanh sự cố của đời người khác nhau, nên đã tạo thành cho chính mình, cho vùng miền của mình và cho quê hương của mình một mùa xuân với nhiều cảm xúc mang đầy kịch tính, qua từng không gian, qua từng thời kỳ và qua từng lứa tuổi.

Như Nhạc sĩ Duy Khánh đã từng hát: “Xuân này con không về”. Con đi đâu mà không về nhỉ, “để mẹ chờ, em trông, khi nhìn thấy mai đào nở đầy bên nương, khi thấy những cánh én bay đầy trước ngõ!”.

Con đi đâu mà xuân này, mẹ ơi con vắng nhà?! Người con trai thời chinh chiến phải cầm súng ra chiến trường trấn giữ non sông, bảo toàn giang sơn gấm vóc, nên mùa xuân chỉ với lương khô, đối diện với sương mù ngăn cách muôn lối, chẳng thấy mẹ già, chẳng thấy người yêu, chẳng thấy bánh chưng, bánh tét, mứt gừng, chẳng nghe tiếng pháo giao thừa rộn rã nơi nơi… nên mùa xuân đã trở thành “mùa xuân của mẹ” và ước mơ “chỉ bên mẹ là mùa xuân thôi”.

Mùa xuân anh đi đâu, ở núi cao hay biển đảo, lướt sóng vượt trùng dương hay cỡi mây ngàn rong chơi phương ngoại, khi nghe hương mai bay ra từ núi, khi thấy hoa anh đào óng ánh giữa sắc mây, khi thấy tóc mình trắng và xanh trong vầng nhật nguyệt, bất chợt hồn xuân nhung nhớ trở về, gửi tình ca theo gió ngàn bay về đồng quê hay phố thị: “Em ở nơi nào, có còn mùa xuân không em?!”; hay “Mùa xuân quên mặc áo mới…bàn tay nâng niu hoa cúc, bàn tay hiu hắt giọt lệ đầy…”. Hay mùa xuân là mùa của những người thêu áo cưới, như một Thi sĩ nào đó đã nói: “Suốt mùa xuân, nàng ngồi thêu áo cưới, đẹp duyên người, mình vẫn phận rong rêu”.

Có bao nhiêu vùng miền, có bấy nhiêu cảm xúc; có bao nhiêu giọng nói, có bấy nhiêu cách biểu cảm; có bao nhiêu thăng trầm, có bấy nhiêu nỗi buồn vui; có bao nhiêu lần đoàn tụ, thì cũng có bấy nhiêu lần tiễn biệt, chia tay; có bao nhiêu điều kiện và hoàn cảnh để tiếp cận cuộc sống là có bấy nhiêu cảm xúc đối với xuân và hương sắc của xuân có vô vàn kịch tính đối với thế giới con người chúng ta!

Ngày xuân ta đi chùa

Thi sĩ Huyền Không đã nói: “Mái chùa che chở hồn dân tộc, nếp sống muôn đời của Tổ tông”.

Ngôi chùa đã nằm trong lòng quê hương Việt Nam, khi vui thì cùng vui với dân tộc Việt, khi buồn thì cũng cùng buồn với dân tộc Việt, nên người dân Việt đã thường nói với nhau: “Đất Vua, chùa Làng, phong cảnh Bụt”. Hay “chùa tan, làng nát là nước mất”.

Đất chùa ngày xưa do vua chọn nơi sơn thủy hữu tình và Sắc ban, cho dân Làng để xây dựng chùa chiền, tạo thành phong cảnh hiền hòa trang nghiêm của Phật, làm nơi duy trì tín ngưỡng tâm linh, khiến âm siêu dương thái, trăm họ yên bình, di dưỡng đời sống tinh thần cho trăm họ, giáo dục đức tin nhân quả, tội phước cho con em nhận biết, để cho con em trăm họ đều biết “hiếu kính cha mẹ, thuận thảo với anh chị em, thương người và vật”, nhằm thiết lập một nền tảng đạo đức mang đầy nhân tính, phát huy nhân văn, tạo nên nền văn hóa ứng xử tốt đẹp giữa con người với con người, trong một nguyên tắc tình cảm trật tự của huyết thống; với tình làng, nghĩa xóm; với ý nghĩa “bà con xa, láng giềng gần” trong quan hệ xã hội; tạo thành những nét đẹp ứng xử giữa người sống với người chết trong quan hệ âm dương. “Sống chết tuy khác nhau, nhưng âm dương nhất lý”. Và quan trọng hơn hết là biết yêu chuộng thiên nhiên, như yêu chuộng chính bản thân mình; yêu chuộng thiên nhiên như yêu chuộng gia đình mình; yêu chuộng thiên nhiên như yêu chuộng xóm làng hay quê hương của chính mình, vì thiên nhiên là mùa xuân muôn thuở của chính mình; vì thiên nhiên là mùa xuân muôn thuở của muôn loài chúng sinh. Không có thiên nhiên, con người và muôn vật không có điều kiện để sinh ra và lớn lên, lấy gì có lộc của xuân để ta hái; lấy gì có tình của xuân để ta yêu và lấy gì để có danh thơm của xuân để ta ngày đêm mơ ước, bắt đuổi, nguyện cầu!

Ngày xuân ta đi chùa hái lộc; ngày xuân ta đi chùa lễ Phật cầu an đầu năm, hay ngày xuân ta đi chùa “nắng xuân ta gối đầu, nắng xuân ta khẩn cầu, cầu mong ngày xuân chớ có đi mau!”; ngày xuân ta đi chùa: “Câu thề vàng đá trên môi, xin được khắc vào xuân trọn đời”; hay ngày xuân ta đi chùa: “lời tình đong đưa theo gió, mình thương nhau mấy tuổi xuân rồi”.

Ở trong đời, mọi người tiếp xúc với xuân và thưởng thức xuân chẳng có ai giống ai, thì người đi chùa hái lộc, cầu an, cầu danh, cầu may, cầu duyên cũng chẳng có ai giống ai giữa cuộc đời này.

Nhưng cách đi chùa hái lộc đầu năm có hiệu quả nhất là “hái lộc phước đức, gieo nhân trí tuệ”. Nghĩa là đến chùa ngồi xuống với tư thế yên lặng, thành kính trang nghiêm, rồi dở một trang kinh Phật để tụng, khắc nhớ lời hay ý đẹp của kinh vào lòng, để nguyện bỏ ác làm lành, giữ tâm ý thanh tịnh, sống chân thật với mọi người, biết thương người cứu vật, ấy là người biết đi chùa và biết hái lộc đầu năm một cách thông minh, có ý nghĩa và có giá trị nhất định, tạo thành bình an muôn thuở cho chính mình, duyên lành cho cuộc sống, kết thành mùa xuân muôn thuở cho gia đình và an bình cho xã hội.

Khi đã có phúc đức, có trí tuệ, lộc ta không cầu mà tự đến, duyên ta không ước mà tự thành, danh ta không mơ mà trở thành hiện thực, rủi ta không cần xua đuổi mà tự đi, duyên may ta không gọi mời mà tự cảm, sao xấu thành tốt, hạn xấu tự giải. Điều ấy, chẳng có gì khó hiểu, chẳng có gì huyền thoại, nó hiện thực như mây tan trăng chiếu, như nước trong trăng hiện ấy mà!

Ấy là ngày xuân ta đi chùa hái lộc phúc đức, gieo nhân trí tuệ đầu năm ngay trên mảnh đất quê hương tâm linh của mỗi chúng ta.

Xuân Mậu Tuất – 2018

Thích Thái Hòa

 

 

1999 lượt xem