THIẾT THỰC MỪNG PHẬT ĐẢN
Phật Đản là ngày sinh của Đức Phật. Theo như trong kinh Phật đã dạy: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”, “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”, nên mỗi chúng ta đều có Phật tánh, là Phật sẽ thành. Như vậy “Mừng Phật Đản” là mừng ngày sinh của Phật, cũng là dịp nhắc nhỡ mỗi chúng sanh hãy sống lại với Phật tánh đang sẵn có của mình, mừng Phật đản cũng là mừng Phật tánh của mỗi chúng sanh được hiển lộ.
“Cái ta” “cái tôi” là năng lượng cũng là động lực giúp ta vững bước trên đường đời, khi ta biết vận dụng năng lượng và động lực ấy “sống vị tha” hy hiến phục vụ tốt cho cuộc đời được an lạc và giúp cho xã hội được hạnh phúc, vươn lên. Nhưng đôi khi “cái tôi” ấy cũng chính là “kẻ thù” của chính ta, khi “cái tôi” ấy chỉ biết “vị kỷ” sống theo “bản năng” lo sinh tồn và hưởng thụ thì “tham-sân-si” sẽ phát triển, khiến ta tạo nhiều tội lỗi, vì sẵn sàng trù dập, hảm hại người, để mình được sống, được an toàn, được mặc sức hưởng thụ dục lạc, hoặc thăng tiến trên con đường danh lợi, mặc cho ai có đau khổ, thiệt thòi, sống chết lất lây, nhiều người không đồng thuận, cũng không cần hay biết (no care).
Tạm hiểu ‘cái tôi’ là ‘tiểu ngã’, ‘vạn hữu vũ trụ, pháp giới chúng sanh’ là ‘đại ngã’ là ‘chân ngã’, cho nên ‘ta’ chỉ là một phần nhỏ xíu của vũ trụ mà thôi! Nếu ‘ta’ biết hài hòa, biết tu tập, thể nhập lại với vũ trụ, phục vụ cho chúng sinh được nhiều lợi ích, an vui, như chư Phật và các bậc Thánh Hiền, thì sẽ được trường tồn phát triển hoặc tiếng thơm lưu danh muôn đời, bằng ngược lại đem “cái tôi” ấy bắt mọi người phải phục dịch, phải răm rắp tuân theo, phải làm nô lệ suốt đời, mặc sức “độc đoán” bóc lột, hưởng thụ trên sự khổ đau, khó chịu của người khác, tạo những điều “mất đức” không có được tâm từ bi hỷ xả, “vùi dập” không muốn ai hơn mình, sẽ bị đọa lạc vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, hiện tại phải nhiều khổ sở, bị cô đơn dằn vặt, mà như trong sách Thánh nhân cũng đã dạy: “Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong” là vậy!
Khi thành bậc Đại Giác Ngộ rồi, nhưng Đức Phật vẫn còn lo sợ “cái tôi” phát triển, nên suốt 49 năm thuyết pháp độ sanh, Ngài hằng ngày vẫn phải dẫn đệ tử, toàn là bậc Thánh, đi “ăn xin” khắp các nẽo đường Ấn Độ, cũng không ngoài mục đích là tiêu diệt “cái tôi” và “hóa duyên”. Do vậy mỗi chúng ta là một chúng sanh bình thường, hãy noi theo Phật, không cho “cái tôi” phát triển, thường lấy câu: “phản quan tự kỷ bốn phận sự, bất tùng tha đắc” để làm kim chì nam cho việc tu hành và cùng nhắc nhau luôn nhớ “vô ngã là niết bàn, hữu ngã là địa ngục”.
Trong cuộc sống, nếu bậc làm cha làm mẹ không sáng suốt, thương con một cách mù quáng, “chỉ biết nuông chìu” theo sự “đua đòi vô lối” của con, sẽ khiến cho con mình “lớn bản ngã” sau nầy là một nỗi lo cho gia đình và là mối nguy cho xã hội. Trong nhà trường, một tập thể hay trong cơ quan, khi “cái tôi” được cổ súy và coi trọng, thì mọi rắc rối mất đoàn kết, xâu xé sẽ xảy ra. Khi làm trưởng một cơ quan, đoàn thể hay lãnh đạo quốc gia, mà “cái tôi” phát triển thì sẽ xảy ra cảnh trù dập, triệt hạ, bất bình đẳng, tạo oan trái, hận thù, khủng bố và chiến tranh, với biết bao nhiêu sự đau thương thống khổ.
Trong tu hành, nếu người tu không biết “quán chiếu nội tâm”, “triệt tiêu bản ngã” và “chuyển hóa nghiệp lực” của mình, thì với truyền thống “kính Phật trọng Tăng” của Á châu, qua việc cung dưỡng, kính trọng của tín đồ, sẽ dễ làm người tu “lớn bản ngã”, tưởng mình là “thánh”, là “tài, giỏi”, ai cũng phải cung kính, để quên đi “tam đề, ngũ quán” và hạnh nguyện: “khất sĩ, bố ác, phá ma”! Làm chùa ra, phải có tâm nguyện rộng lớn “tiếp Tăng độ chúng” như trong kinh đã dạy: “Tâm bao thái hư, lượng châu sa giới” chứ không thể theo một thiểu số, để thỏa mãn “bản ngã”, “lập kỷ lục” với tâm “thị phi, phân biệt, so đo, tính toán, chọn lựa”, trong sự “tự tư tự lợi”, biến “của thập phương thường trụ” thành “của riêng mình” để tự ý định đoạt mọi việc, không còn “sống lục hòa” và “hành hạnh lắng nghe” nữa, thì chỉ là “biến tướng”, đọa lạc mà thôi! Đấy là sự nguy hiễm của “bản ngã” khi được o bế, khai thác và cũng đang là “vấn nạn” cho Phật Giáo!
Chúng ta phải thấy mình nhỏ thôi, việc tu còn kém cỏi, để vẫn cần cố gắng, cần phát huy hết khả năng của mình cho công việc, cho tu học, cống hiến và trả nợ đời, cũng như cho sự phát triển của nhân loại, đó là ta đang sống có ý nghĩa, tạo phước đức cho đời. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần quên đi phần “tôi” trong con người mình, từ đó mới có thể hòa nhập với cộng đồng, với thiên nhiên. Sống với tinh thần vô ngã, với sự khiêm cung, để không còn thấy mình là quan trọng, để bao dung hơn và thanh thản hơn, như theo Đức Đạt Lai Lạt Ma đã dạy: “ Càng tu cao chừng nào, càng thấy mình không là gì cả, đấy mới chính thực là tu”. Không là gì cả nhưng sẽ là tất cả, vì có “chơn không” mới có “diệu hữu”.
Hôm nay để mừng ngày Phật Đản, mỗi chúng ta hãy “soi sáng lại chính mình”, để biết rõ được mình, thấy được sự cao quý, quan trọng, qua “thông điệp” đầu đời của Đức Phật, để mà lo tu tập, không làm các điều ác, siêng làm các việc thiện, giữ tâm ý trong sạch, không hướng ngoại tìm cầu, đặc biệt hành theo Mười Hạnh Phổ Hiền, cụ thể phải có “tâm từ bi rộng lớn”, luôn khiêm cung, thường lạy Phật sám hối, biết sẻ chia, chứ đừng quá “phô trương hình thức” mà “quên đi phần chất lượng” chạy theo ngũ dục, và trù dập nhau, sẽ nhiều khổ lụy. Thiết thực nhất trong “tuần lễ kính mừng Phật Đản là tuần lễ tu tập miên mật” để có được “nội lực” hầu nuôi dưỡng “khai thị” cho nhau “ngộ, nhập Phật tri kiến”, như vậy, mới có thể giúp cho Tâm mỗi chúng ta được an bình, vì trong kinh Phật đã dạy: “TẤT CẢ ĐỀU DO TÂM TẠO, TÂM BÌNH THẾ GIỚI BÌNH, TÂM TỊNH QUỐC ĐỘ TỊNH” là vậy. Đó là chúng ta đang làm cho Phật tánh trong ta được hiển lộ, giúp xã hội được an lạc, thanh bình, hạnh phúc, đó cũng chính là chúng ta đang chân thành, trân trọng KÍNH MỪNG PHẬT ĐẢN một cách THIẾT THỰC đầy Ý NGHĨA.
Mừng Phật Đản cùng hiển bày Phật tánh
Sống sẻ chia lợi ích khắp nhân sinh
Phải hy hiến quên cả bản thân mình
Truyền chánh Pháp giúp nhau đều giác ngộ
An Lạc thất, Adelaide, Nam Úc, những ngày tịnh dưỡng.
Quý Xuân – Bính Thân (2016)
Thích Viên Thành (Hạnh Trung)
673 lượt xem
Tin khác
NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG GĐPTVN ĐỐI VỚI ĐẠI DỊCH COVID-19 Nhật Bảo – Nguyễn Đức Nguyên Thông ghi lại từ Pháp thoại của Hòa thượng Thích Thái Hòa đêm mùng 8…
Pháp thoại tuần lễ huân tu mùa Phật Đản phật lịch 2564 – dương lịch 2020 Mời các bạn xem lại clip hay và ý nghĩa nhân mùa Phật Đản của…
Trung Quán Luận được kiết tập trong Đại Chính tân tu Đại tạng kinh, tập 30, kinh số 1564 (T30n1564), được Cưu-ma-la-thập dịch sang Hán vào năm 409 từ nguyên văn tiếng Phạn do Bồ…
NGÀY THẾ TÔN THÀNH ĐẠO – MỘT KỶ NGUYÊN MỚI Ngày thành đạo của Đức Thế Tôn cách đây 26 thế kỷ, đã mở ra cho nhân…
BAN HƯỚNG DẪN TRUNG ƯƠNG GĐPTVN TỔ CHỨC GIẢI TRÌNH LUẬN VĂN BẬC LỰC LẦN THỨ 10 TẠI CHÙA THẬP THÁP DI ĐÀ – TỈNH BÌNH ĐỊNH Sáng ngày 16/11/2019…