Phẩm Tâm Của Mình


Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Ở đây, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: – Này các Tỷ-kheo.

– Bạch Thế Tôn. Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo, không thiện xảo trong hành tướng tâm người khác, thời cần phải nguyện rằng: "Ta sẽ thiện xảo trong hành tướng tâm của ta." Như vậy, các Tỷ-kheo các Thầy cần phải học tập. Và này các Tỳ kheo, như thế nào, Tỷ-kheo thiện xảo trong hành tướng tâm của mình?

Ví như, này các Tỷ-kheo, một người đàn bà hay một người đàn ông, còn trẻ, trong tuổi thanh niên, tánh ưa trang điểm, quán sát hình ảnh mặt mình trong tấm gương thanh tịnh trong sáng, hay trong một bát nước trong. Nếu thấy trên mặt có hột bụi hay dấu nhớp gì, người ấy cố gắng đoạn trừ hột bụi hay dấu nhớp ấy.

Nếu không thấy hột bụi hay dấu nhớp, người ấy hoan hỷ, thỏa mãn: "Thật lợi đắc cho ta! Ta thật là trong sạch! "

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo quán sát như vậy, được nhiều lợi ích trong các thiện pháp.

– "Có phải ta sống nhiều với tham? Có phải ta sống nhiều với không tham?
– Có phải ta sống nhiều với tâm có sân? Có phải ta sống nhiều vớt tâm không có sân?
– Có phải ta sống nhiều với hôn trầm thụy miên chi phối, hay ta sống nhiều với hôn trầm thụy miên được từ bỏ?
– Có phải ta sống nhiều với trạo cử, hay ta sống nhiều với không trạo cử?
– Có phải ta sống nhiều với nghi ngờ, hay ta sống nhiều vượt qua được nghi ngờ?
– Có phải ta sống nhiều với phẫn nộ, hay ta sống nhiều không bị phẫn nộ?
– Có phải ta sống nhiều với tâm bị ô nhiễm, hay ta sống nhiều với tâm không bị ô nhiễm?
– Có phải ta sống nhiều với thân nhiệt nóng, hay ta sống nhiều với thân không nhiệt nóng?
– Có phải ta sống nhiều với biếng nhác, hay ta sống nhiều với tinh tấn, tinh cần?
– Có phải ta sống nhiều với không định tĩnh, hay ta sống nhiều với định tĩnh? "

Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo quán sát như vậy, biết rằng:
"Ta sống nhiều với tâm tham;
ta sống nhiều với tâm sân;
ta sống nhiều với tâm bị hôn trầm thụy miên chi phối;
ta sống nhiều với trạo cử;
ta sống nhiều với nghi ngờ;
ta sống nhiều với phẫn nộ;
ta sống nhiều với tâm bị nhiễm ô;
ta sống nhiều với thân nhiệt nóng;
ta sống nhiều với biếng nhác;
ta sống nhiều với không định tĩnh",

thời Tỷ-kheo ấy cần phải quyết định, ước muốn, tinh tấn, nỗ lực, dõng mãnh, bất thối, chánh niệm, tỉnh giác để đoạn tận các pháp ác bất thiện ấy. Ví như, này các Tỷ-kheo, khi khăn bị cháy, hay khi đầu bị cháy, cần phải quyết định, ước muốn, tinh tấn, nỗ lực, dõng mãnh, bất thối, chánh niệm, tỉnh giác để dập tắt khăn hay đầu bị cháy ấy. Cũng vậy này Tỷ kheo, Tỷ kheo ấy cần phải quyết định, ước muốn, tinh tấn, nỗ lực, dõng mãnh, bất thối, chánh niệm, tỉnh giác để đoạn tận các pháp bất thiện ấy.

Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo quán sát như vậy biết rằng:
"Ta sống nhiều với tâm không tham,
ta sống nhiều với tâm không sân,
ta sống nhiếu với tâm không hôn trầm thụy miên;
ta sống nhiều với tâm không trạo cử;
ta sống nhiều với tâm nghi ngờ được vượt qua;
ta sống nhiều với tâm không phẫn nộ;
ta sống nhiều với tâm không nhiễm ô;
ta sống nhiều với thân không nhiệt nóng;
ta sống nhiều với tâm tinh tấn, tinh cần;
ta sống nhiều với tâm định tĩnh",

thời Tỷ-kheo ấy, sau khi an trú trong các thiện pháp ấy, rồi hơn nữa cần chú tâm đoạn diệt các lậu hoặc.

(Kinh Tăng Chi Bộ: Chương X – Mười Pháp – Phẩm Tâm Của Mình)

588 lượt xem