Tu hành chính là Luôn Phản Tỉnh

Có lần Đức Phật nói:
"Này, La Hầu La, con nghĩ thế nào? Mục đích của cái gương là gì?".

La Hầu La trả lời: "Bạch Thế Tôn, mục đích là để phản tỉnh"

"Cũng vậy", Đức Phật dạy:

"Này La Hầu La,
– Sau khi phản tỉnh nhiều lần, con hãy tu hành Thân nghiệp,
– Sau khi phản tỉnh nhiều lần, hãy tu hành Khẩu nghiệp,
– Sau khi phản tỉnh nhiều lần, hãy tu hành Ý nghiệp".

Nếp sống đạo là nếp sống luôn luôn có phản tỉnh, không buông trôi, không phóng túng. Cái gương mà Đức Phật nói không phải là cái gương soi mặt, mà là cái gương tâm hồn soi chiếu lại mọi ý nghĩ, lời nói và việc làm của mình có hợp hay không với nếp sống đạo; nếp sống Phật giáo, tức là như lời Phật dạy La Hầu La, có hại hay không có hại đối với mình; đối với người, có lợi hay không có lợi, đối với mình và đối với người, đem lại hạnh phúc hay là gây ra đau khổ bất hạnh cho mình và cho người.

Vì sao Đức Phật lại khuyên chúng ta phải phản tỉnh nhiều lần? Đó là do quá trình diễn biến của nghiệp, là giai đoạn dụng tâm, cũng gọi là tác ý. Thông thường, chúng ta gọi là ý muốn.

Ngay trong giai đoạn ý muốn này, chúng ta cũng phải phản tỉnh, phải xét xem muốn như vậy là đúng hay không đúng, hợp hay không hợp với nếp sống đạo, nếp sống Phật giáo, có lợi lạc cho mình và cho người hay không, đem lại hạnh phúc hay là gây ra đau khổ, cho mình và cho người hay là cho cả hai..

Danh lợi phù hư

– Người tu hành thì lánh xa danh lợi.
Họ xem phú quý như những giọt sương giữa khóm hoa.
Họ xem công danh như hơi nước trên mái ngói,
trong khoảnh khắc sẽ tan biến mất dấu tích.
Nếu bạn muốn trắc nghiệm xem người nào đó có tu hành
hay không thì hãy xem việc làm, hành động của người đó có nhắm
về danh với lợi chăng.- Ðừng nên bị những tướng hư giả làm điên đảo.

Pháp Ngữ của Hòa Thượng Tuyên Hóa

733 lượt xem