CÙNG NHAU ĐI TRÊN ĐƯỜNG VUI

(Pháp thoại của Hoà Thượng Thái Hoà chia sẻ tại Nalanda Center, ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia).
Từ Niệm và Nhuận Pháp Nguyên kính ghi


Nam mô bổn sư thích ca mâu ni Phật.

Thưa quý vị,

Hôm nay, ngày 8.11.2015 tại Nalanda Center ở thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia, chúng tôi có nhân duyên đến thăm trung tâm tu học này.

Chúng tôi rất vui mừng, vì ở nơi đây, gợi nhớ về ba năm trước. Chúng tôi đã từng đến đại học Nalanda, bang Bihar của Ấn độ để cầu nguyện và tưởng niệm hơn 3000 giáo thọ và 10000 tăng sinh viên đã bỏ mình trong một biến cố đau buồn xảy ra vào cuối thế kỷ thứ 12. Ở nơi đại học này, tôi đã chia sẻ pháp thoại đến các Phật tử khắp nơi về dự đại lễ và cũng đã chia sẻ pháp thoại đến tăng sinh viên của đại học Nalanda.

Và, cũng đã gợi cho tôi nhớ lại chuyến đi thăm, nghiên cứu ở Nhật Bản vào tháng 4 năm 2014 tại Vương Đường Phật Giáo ở cố đô Kyoto. Các bậc tôn đức ở nơi vương đường này cho chúng tôi biết họ đang xây dựng một đại học Nalanda mang tính toàn cầu tại Nhật Bản để phục hoạt đại học Nanlanda từ Ấn độ. Nhân chuyến đi nghiên cứu Phật giáo và văn hóa tại Indonesia và Malaysia, tôi lại có duyên đến trung tâm giáo dục Phật giáo ở vùng ngoại ô Kuala Lumpur này, được quý vị trình bày cho biết tâm nguyện và mục đích của trung tâm. Trung tâm giáo dục Phật giáo Nanlanda đã được thành lập từ năm 2003 và trong tương lai sẽ phát triển rộng lớn, quy mô với diện tích 25 hecta. Đây là một trong những điều làm chúng tôi cảm thấy ấm áp trong chuyến đi này. Sau đây chúng tôi xin chia sẻ một vài điều như sau đến với hội đồng điều hành của trung tâm:

Con đường thiền tập:

Thiền tập là con đường quay về với ngôi nhà tâm linh của mình. Nó giúp chúng ta lấy lại chủ quyền trong đời sống. Nó giúp chúng ta bỏ ác làm lành và phát triển tâm ta trong sáng gồm đầy đủ những chất liệu: Từ vô lượng, Bi vô lượng, Hỷ vô lượng, Xả vô lượng.

Thực tập từ bi qua thiền định, chúng ta có khả năng ôm ấp, chuyển hoá những hạt giống thấp kém nơi tâm thức trở thành những hạt giống lành mạnh, trong sáng.

Thực tập hỷ xả trong thiền định, là ôm ấp và phát triển những hạt giống tốt đẹp trong tâm ta đến chỗ hạnh phúc và cao quý tột cùng.

Ta không thấy được, không thương được những gì tốt đẹp nơi ta thì ta cũng khó mà chăm sóc những gì tốt đẹp cho người khác. Nên, thiền tập với tâm từ bi rất quan trọng của những người con Phật. Và, thiền tập với tâm hỷ xả là biết từ bỏ những hạt giống thấp kém nơi tâm ta. Nếu không từ bỏ những hạt giống thấp kém này, ta khó mà có được giải thoát và tự do. Nên thiền tập với hỷ xả thì rất quan trọng với người con Phật.

LỄ PHẨM CÚNG DƯỜNG

Thưa quý vị,

Hôm nay, qua sự sắp xếp của quý vị, tôi đã dâng nước trong, đèn và hoa lên cúng dường Tam Bảo ở Phật điện của trung tâm này. Chúng tôi đã quán chiếu sâu xa để biến những lễ phẩm này trở thành hương thơm của Giới, Định và Tuệ nhằm cúng dường Tam Bảo với bốn ước nguyện:

– Cầu nguyện cho thế giới hoà bình, chúng sinh an lạc.
– Cầu nguyện cho đất nước Malaysia phát triển và biết noi theo con đường tu học của Đức Phật đã dạy.
– Cầu nguyện cho trung tâm giáo dục Phật giáo Nalanda này phát triển đầy đủ bốn chất liệu: biết duy trì tinh chất của Phật giáo Thanh văn thừa; phát huy tinh thần Bồ tát đạo của Phật giáo Đại thừa; phát huy diệu lực bất khả tư nghì của Kim Cang thừa; tạo nên nét đặc thù của Trung tâm từ ba truyền thống tốt đẹp đã nêu ở trên.
– Sống với tâm luôn luôn biết ơn nhau, hỗ trợ nhau bỏ ác làm lành và cùng nhau xây dựng quê hương Tịnh Độ.

NĂM SỨC MẠNH

Ở trung tâm này, quý vị đã làm chiếc cầu năm bậc để đi qua. Năm bậc này là tiêu biểu cho năm sức mạnh tu tập:

1 – Tín căn là căn bản của niềm tin. Căn bản niềm tin của người Phật tử là ở nơi Phật, Pháp và Tăng. Từ nơi niềm tin này mà phát triển lớn mạnh ra trong đời sống, ấy gọi là Tín lực.
2 – Tấn căn là nỗ lực biến đức tin căn bản của mình trở thành hiện thực. Và, tấn lực là sức mạnh do thực hành tấn căn đem lại.
3 – Niệm căn là duy trì sự có mặt của Phật, Pháp, Tăng với ý thức tỉnh giác và phát triển ý thức ấy trong từng giây phút hiện tiền qua những hoạt động của thân, ngữ, ý nên gọi là niệm lực.
4 – Định căn, người Phật tử lấy Phật, Pháp, Tăng làm đối tượng căn bản để thiền tập mỗi ngày và phát triển năng lực thiền định ấy đến chỗ thuần nhất, bất động. Đó gọi là định lực.
5 – Tuệ căn là căn bản của trí tuệ. Biết Khổ đúng là Khổ, biết Tập đúng là Tập, biết Đạo đúng là Đạo, biết Diệt đúng là Diệt và phát triển tuệ giác ấy đến chỗ toàn giác. Ấy gọi là tuệ lực.

Do đệ tử của Phật thực tập năm pháp hành này một cách miên mật khiến mọi khổ đau của sinh tử ở nơi thân năm uẩn chấm dứt và Niết Bàn có mặt ngay ở thân năm uẩn này.

Đó là những gì tôi chia sẻ đến quý vị trong buổi gặp gỡ hôm này.

Kính chúc quý vị thực tập thành công.
Kuala Lumpur – Malaysia, 8. 11. 2015

625 lượt xem