Thưa Anh Chị Em Áo Lam!

Khổng giáo cũng vậy mà Phật giáo cũng vậy, dạy tín đồ nên học chữ “nhẫn”. Nhẫn là nhẫn nhục, chữ Hán viết chữ “nhẫn” gồm chữ “đao” ở trên và chữ Tâm ở dưới, ý nói chịu đựng rất khó, rất đau đớn vì con dao nằm ngay trong Tâm … Chữ nhẫn trong Phật giáo có thể minh họa bằng những lời của tôn giả Xá Lợi Phất dạy La Hầu La như sau: “Người không biết nhẫn sẽ không tiếp thọ được Phật Pháp, giận đời, oán người là trái với Pháp, xa chư Tăng, thường luân hồi trong đường ác. Hạnh nhẫn nhục mới là hạnh an ổn, mới có thể tiêu trừ tai nạn. Người có trí tuệ thấy được nhân quả sâu xa, khắc phục tâm sân hận, thường hành nhẫn nhục. Tinh thần của Phật Pháp, chân nghĩa của Phật Pháp không giống như lối nhìn của người đời. Cái gì thế gian cho là quí thì Phật Pháp cho là hạ tiện, những gì Phật Pháp cho là tốt thì người đời không chịu làm theo! Trung không ưa nịnh, Tà chẳng thích Chánh, Ác không thích đi chung với Thiện, người tham dục thì ghét người vô dục, v..v.. Trong tình cảnh ấy, người có tu chỉ có việc nhẫn nhục vì nhẫn là duyên trợ đạo tốt nhất, nhẫn như thuyền bè trên sông biển, có thể vượt qua mọi sóng gió, nhẫn là thuốc hay trị bệnh cứu mạng con người khi lâm nguy. Người có đức nhẫn nhục được Trời Người kính ngưỡng, là vì Tâm đã đủ sức để tự an ổn.
 
Chữ “nhẫn” được chiết tự theo kiểu Hán văn thì đó là “con dao ở trên chữ Tâm” còn chiết tự theo kiểu Việt Nam mình thì nhẫn là “nhân ngã”; Nhân là Người, Ngã là Ta, muôn sự muôn vật phiền não đau khổ hay hạnh phúc thảnh thơi đều do hai “nguyên tố” này mà ra, phải không các bạn? Chúng ta hãy suy gẫm và quán chiếu càng sâu càng thấy lý thú về chữ “nhẫn”.

Ngày xưa cậu bé La Hầu La một thiếu niên mới 15 tuổi, đi khất thực cùng với sư phụ là tôn giả Xá Lợi Phất, bị kẻ côn đồ vô cớ chưởi bới, hành hung đến nỗi phải u đầu chảy máu. La Hầu La nghe lời khai thị của sư phụ, lẳng lặng đến bên một ao nước, soi mặt xuống lau chùi và băng bó vết thương. Trong lúc tuổi trẻ máu nóng lại có thể nhẫn nhục như một vị Thánh, La Hầu La đã khiến cho sư phụ cũng được an tâm và tự hào về người đệ tử của mình.

Thưa Anh Chị Em Áo Lam,

Chúng ta cũng là đệ tử Phật, cần phải noi gương cậu bé này, cần phải có tinh thần nhẫn nhục, trong tâm không chứa niềm sân hận, lúc vinh dự đừng sinh lòng tự mãn, khi bị lăng nhục cũng đừng oán hận, đó chính là chúng ta đã điều phục được tâm giận dữ. Trên thế gian này không có gì sánh bằng người có sức nhẫn mạnh mẽ, đức Phật cũng dạy rằng: trong cõi Trời và cõi Người, dù sức mạnh đến đâu cũng không hơn nhẫn nhục.

Mọi chuyện trong thế gian nếu có rắc rối, hiểu lầm, nói xấu, thóa mạ v..v.. cũng do lòng ganh ghét, đố kỵ mà ra. Lúc đầu chỉ là một đốm lửa nhỏ nhưng vì mê muội, tạo nhiều sơ hở để cho thiên hạ đổ thêm dầu vào gây ra đám cháy lớn, Người trong cuộc mất mát tài sản người ngoài cuộc sau khi đổ thêm dầu “thành công” thì vỗ tay cười! Cái vui cái buồn của thế gian thật là nhỏ nhen, bần tiện, phải không, thưa các Bạn? Như thế nên chúng ta cần đề cao, cảnh giác nghĩa là luôn tỉnh thức để nhận định, nói năng hay im lặng cho đúng, cho hợp tình hợp lý và nhất là cho đúng với tinh thần Phật Pháp.

Thân kính chúc Anh Chị Em nắm chắc tinh thần nhẫn nhục và ghi nhớ lời dạy của tôn giả Xá Lợi Phất nói với cậu thiếu niên La Hầu La để làm kim chỉ nam cho việc ứng xử trong giai đoạn nhiễu nhương, “Pháp nhược Ma cường” này.

Trân trọng!
Nhóm Áo Lam

445 lượt xem