Thưa Anh Chị Em Huynh trưởng bốn phương,

Chúng ta thường dùng chữ “nội ma ngoại chướng” để chỉ những trở ngại, ngay từ trong tâm chúng ta và từ người khác, hoặc những chướng ngại giữa nội bộ Anh Chị Em chúng ta và những “người ngoài tổ chức” v..v.. Thừờng chúng ta không sợ những trở ngại từ người khác hay tổ chức khác mà sợ “giặc trong nhà” nhiều hơn. Anh Chị Em thường thường rất thương yêu nhau, hoà thuận với nhau .. nhưng một khi bất đồng ý kiến thì tranh cãi không dứt dù với một chuyện không đáng phải tranh cãi. Thế rồi trong khi tranh cãi, người này một câu người kia một câu .. không kềm chế được mình, mất chánh niệm, đã “phun” ra những câu nói rất độc địa, làm tổn thương nhau; để sau đó đổ hô cho “nghiệp chướng nặng nề.” Thật vậy, nếu không tranh cãi hay chấm dứt tranh cãi sớm thì đã tránh được bao nhiêu điều đáng tiếc.

Thưa Anh Chị Em,

Điều này không chỉ xảy ra giữa ACE phàm phu chúng ta mà ngay trong Tăng đoàn thời Đức Phật cũng đã xảy ra khiến đức Phật đi an cư một mình trong rừng đó! Khi hoà khí trở lại, Tăng đoàn cùng nhau vào rừng thỉnh đức Phật về, ngài nói: những người có oan gia nhiều đời nhiều kiếp với nhau còn có thể hoá giải được mà sao các ông trong cùng 1 Tăng thân lại không thể hoà thuận thương yêu nhau để cùng nhau tinh tấn tu học. Rồi ngài kể câu chuyện xưa về mối thù truyền kiếp giữa vua Phạm Chí và vua Trường Sinh:

Vua Phạm Chí chiếm đoạt đất nước của vua Trường Sinh, giết vua Trường Sinh và còn bắt vợ con của vua Trường Sinh đi xử trãm. Thái tử được một người trung thần cứu mạng, đem đi ẩn tích, lớn lên trở thành một cậu bé bụi đời sống qua ngày bằng nghề hát rong. Một hôm cậu bé đi ngang qua hoàng cung, hoàng hậu của vua Phạm Chí nghe tiếng hát, gọi vào, bà rất yêu mến đứa bé và sau đó cho nó sống luôn trong hoàng cung. Một ngày kia, xâu chuỗi ngọc quí của hoàng hậu tự nhiên biến mất, mọi người đều nghi ngờ đứa bé ăn cắp vì không một ai có thể vào chỗ hoàng hậu, trừ cậu ta. Bị bắt, cậu bé nhận tội ngay và còn khai thêm 4 đồng lõa là: thái tử, quan tể tướng, ông tỷ phú trong kinh thành và cô ca sĩ danh tiếng nhất, được yêu chuộng nhất nước. Cả 4 người đều bị bắt vào tù; ai cũng trách cậu bé. Quan Tể tướng nói: con biết rõ là ta không lấy mà, sao con lại khai báo như vậy? Cậu bé nói: “vì quan tài trí thông minh, thế nào quan cũng tìm ra manh mối vụ ăn trộm này” Thái tử cũng hỏi nó như vậy, nó nói: “ngài yên tâm, vua không giết ngài đâu, ngài là con vua mà!” Ông tỷ phú cũng than van: Trời ơi, sao con nỡ hại ta như vậy? Cậu bé nói: “Ông có nhiều tiền, Ông có thể dùng tiền mua tự do được mà!” Cô đại ca sĩ cũng thắc mắc: “bộ em điên rồi sao? em biết là chị không lấy mà!” nó trả lời: Chị được cả nước yêu mến, vua không dám giết chị đâu, người ta sẽ sớm tìm ra thủ phạm để trả tự do cho chị, chị à!

Sau đó, nhà Vua cho gọi một người ăn trộm tài danh vào nhà tù để đối chất; gặp cậu bé, người ăn trộm hỏi: “trong cung, ngoài vua, hoàng hậu và em ra, có con vật nào được phép ra vào nữa không? cậu bé đáp: có một con khỉ thường theo chơi với hoàng hậu.

Người ăn trộm ra về và hôm sau vào cung mang theo 1 bầy khỉ. Ông cũng xin cho đem con khỉ của hoàng hậu đến. Ông ta mượn những xâu chuỗi ngọc của các cung nữ, phân phát cho những con khỉ, và tự mình đeo vào cổ 1 xâu chuỗi, bầy khỉ bắt chước làm theo. Con khỉ của hoàng hậu trông thấy liền bắt chước, đi lấy xâu chuỗi ngọc quí mà nó đã ăn cắp đeo vào. Thế là mọi việc được sáng tỏ. Nhà vua hỏi cậu bé tại sao không lấy cắp lại thừa nhận mà còn khai thêm những người vô tội khác? cậu bé trả lời: “vì con là 1 tên bụi đời, có chối cãi cũng không ai tin, chi bằng khai ra những người quyền cao chức trọng, giàu sang quí phái được vua nể vì, họ có vào tù cũng chẳng sao! Mà vì họ, người ta sẽ điều tra kỹ lưỡng vụ trộm này”

Từ đó cậu bé được nhà vua yêu mến, trở thành người hầu cận bên mình vua. Một hôm theo vua đi săn lạc vào rừng sâu, cậu bé bây giờ là một thanh niên mạnh khỏe tuấn tú. Thấy vua ngủ say, cậu rút gươm ra định giết vua để trả thù cho cha mẹ nhưng nhớ lại lời vua cha “Lấy oán báo oán, oán ấy chất chồng, lấy ân báo oán, oán ấy tiêu tan” cậu lại cất gươm vào vỏ. Đúng lúc ấy, vua thức dậy kể cho cậu nghe giấc mộng: “vừa rồi, ta nằm mơ thấy con vua Trường Sinh đến báo mối thù giết cha ngày trước” Cậu bé liền thú thật lai lịch của mình, vốn là thái tử con vua Trường Sinh. Nhà vua cảm động và ăn năn, trả lại ngai vàng cho thái tử và gả con gái cho chàng; từ đó mối thù chấm dứt, 2 nước láng giềng trở thành bạn hữu.

Thưa Anh Chị Em,

Duyên, nghiệp, nợ, quả báo … theo chúng ta như hình với bóng, qua dòng sông vô tận trong sinh tử luân hồi. Những người chúng ta nghĩ là “vô cớ” đánh phá chúng ta, vu oan cho chúng ta v.v.. biết đâu không phải là oan gia nghiệp chướng của chúng ta trong những kiếp xa xưa? _ Đây cũng là một cách nhìn để tâm chúng ta có thể mở ra, bao dung như cậu bé thái tử con vua Trường Sinh trong câu chuyện đức Phật kể vậy!

Thân kính chúc Anh Chị Em thân tâm thường lạc;

Trân trọng,
BBT

464 lượt xem