Đức Phật dạy: “một lá cây, một ngọn cỏ cũng dạy cho chúng ta nhiều bài học quí.” Thật vậy, nếu chúng ta biết quan sát, cảm nhận, lắng nghe v.v.. thì cỏ cây hoa lá, tiếng chim hót, tiếng suối reo … cũng là những bài Pháp tuyệt vời. Hôm nay Nhóm Áo Lam xin giới thiệu với anh chị em một tấm gỗ nhỏ xíu trên đó có hình 3 con khỉ, một con bịt mắt, một con bịt tai, một con bịt miệng, đây là một món quà lưu niệm được bày bán trong một gian hàng của một phi trường quốc tế. Chỉ cần chú ý đến hai con Khỉ bịt mắt và bịt tai chúng ta có phải đã nghĩ ngay đến hạnh “phản văn, văn tự tánh” của Bồ tát Quán Thế Âm hay không? Hạnh phản văn (văn là NGHE) là xoay cái khả năng nghe, nhìn bên ngoài vào bên trong để nhìn sâu và lắng nghe tự Tâm, chân Tâm bên trong. Thay vì nhìn ra ngoài để thấy lỗi của người khác để phê phán, chê bai, nói xấu người thì hãy lắng nhìn sâu vào Tâm của mình, để thấy được những chỗ đen tối của lòng mình, nhìn sâu vào những tư tưởng sai lầm như cố chấp thành kiến, ganh tị, tham đắm, sân si, ngã mạn v.v.. (đây chính là “vô minh” trong 12 nhân duyên !).
Khi nghe những lời nịnh hót, tâng bốc, chúng ta hãy xoay vào trong để lắng nghe và nhìn rõ bộ mặt của cái tâm không ổn định của mình, cái tâm luôn ràng buộc với lời khen và sợ hãi những tiếng chê, cái tâm yếu đuối, nhu nhược, đầy ngã tính … Đó chính là chúng ta đang huấn luyện Tâm mình bằng cách lắng nghe tiếng nói nhỏ nhiệm chân thật của Tâm những tiếng nói mà vì chạy theo thị phi đối đãi nên đã bị chôn vùi trong thành kiến và những tập khí lâu đời. Còn nhìn ra ngoài thì sao? Từ con khỉ bịt mắt, chúng ta thât sự đã có nhiều đề tài để quán chiếu; thật là thú vị….
Người ta nói “Con mắt là cửa sổ của Tâm” ý nói “cách nhìn và lối sống là một,” hay “nhìn làm sao thì sống như vậy”; đó là lý do mà trong phẩm Tịnh Hạnh của Kinh Hoa Nghiêm, Bồ tát Văn Thù dạy chúng ta sửa đổi cách nhìn, nghĩa là sửa đổi những phản ứng của mình trước những hoàn cảnh. Hễ mắt nhìn thấy cái gì thì óc lập tức phản xạ, liên kết với những dữ kiện đã sẵn có … ví dụ thấy con rắn, lâp tức nhảy ra xa, thấy xe chạy lại phía mình thì tránh v.v.. đó là những phản xạ tự nhiên về thân. Còn có những phản xạ tâm linh quan trọng hơn như gặp người mình ngưỡng mộ, yêu mến … thì tim đập mạnh, cảm giác khoan khoái nhẹ nhàng, trái lại, gặp người không ưa hay chán ghét thì cảm thấy khó chịu, băng hăng bó hó, căng thẳng. Nói tóm lại, nếu chúng ta không biết điều chỉnh cái nhìn trở nên vô tư, bỏ ra ngoài sự yêu-ghét, lấy-bỏ thì chúng ta sẽ phiền não đau khổ do khó chịu hay căng thẳng (là stress đó !) của chính mình gây ra.
Như vậy, từ khi mở mắt ra đón chào một ngày mới cho đến khi nằm xuống giường để ngủ, chúng ta tiếp xúc với muôn ngàn cảnh sắc của cuộc đời, và có bấy nhiêu phản ứng, chúng ta phải làm sao để những phản ứng ấy đem lại an lạc cho mình và cho người chứ đừng để đưa đến phiền não, bệnh hoạn. Chúng ta đã từng dạy cho đàn em của mình những bài thi kệ nói lên lời nguyện vị tha của mình, ví dụ:
Xin nguyện cho mọi người
Có đôi bàn tay sạch
Gìn giữ trái đất này
Phần chúng ta, còn tiếp xúc với những cảnh sắc phức tạp hơn ví dụ như “ngũ dục” là đối tượng của dục vọng, tiền bạc, tửu sắc, hưởng thụ v.v.. và bài kệ chúng ta đã được đọc trong phẩm Tịnh Hạnh là:
Nguyện rằng chúng sanh
Nhổ mủi tên độc
Cứu cánh yên ổn
Đây chính là vấn đề rất thường nhưng rất đáng cho Anh Chị Em chúng ta suy gẫm quán chiếu để soi rọi lại mình từng ngày, từng giờ hay có thể từng giây phút … Thật vậy, đặc tính của ngũ dục là khiến người ta nghiện ngập, chìm đắm trong đó; chúng ta cũng không ngây thơ mà nghĩ rằng chỉ có rượu hay ma tuý mới làm người ta nghiện ngập; mà danh vọng, địa vị, sắc đẹp, cờ bạc …, cũng làm người ta say đắm và có thể nhận chìm ngưòi ta trong biển trụy lạc, thân bại danh liệt trong khoảnh khắc. Điều này đâu cần chứng minh vì sử sách có đầy ra cả, không chỉ ở phương Tây mà chúng ta gọi là xã hội văn minh vật chất, ngay cả ở phương Đông cổ kính cũng vậy thôi!
Thưa Anh Chị Em!
Chính vì thế mà đức Phật đã dạy: “Ngũ dục là gốc rễ của địa ngục đọa lạc, giống như mũi tên độc đã ngấm vào da thịt, khó nhổ cho ra, và dù có nhổ ra được thì đau đớn biết bao nhiêu và chất độc đã ngấm vào cơ thể rồi”! Chúng ta, người Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử có lẽ ít ai “chết” vì danh, sắc, ăn uống, nhậu nhẹt … vì ít nhiều chúng ta cũng có sự tu tập không nhiều thì ít, nhưng chúng ta nhất là nam Huynh trưởng lại vướng vào vòng cờ bạc rất dễ dàng. Thật vậy, cả trong nước lẫn hải ngoại, thật đúng là chuyện khó tin mà có thật, phải không các bạn?
Như đã nói, cờ bạc mà kiểu mạc chược hay tổ tôm hay xì tố hay “chơi số đề” v.v.. là quá xưa rồi; cờ bạc của thế kỷ 21 không chỉ là casino hay “đại thế giới hiện đại”, cờ bạc hôm nay là cá độ, cá con ngựa nào hay nhất, cá đội bóng nào thắng, cá nước nào được nhiều huy chương vàng nhất trong kỳ Olympic này v.v.. thôi thì muôn ngàn hình thức cờ bạc sát phạt nhau đến nỗi phải tan gia bại sản.
Tất nhiên, hiện tượng này không phổ biến, vì được giấu rất kỹ, chỉ có những người đồng hội đồng thuyền mới biết thôi! Tuy nhiên, chúng ta thử nghĩ xem, nếu một ngày nào đó, có một Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử dù trong nước hay ở hải ngoại _ bị phá sản vì cờ bạc, hay bị kiện tụng vì những lý do “ngũ dục” thì đâu phải một mình Huynh trưởng ấy, mà cả tập thể chúng ta đều phải cúi đầu xấu hổ, và làm sao trả lời trước đàn em của chúng ta? xin thưa, rất may, mọi việc đều chỉ đang là một chuyện giả tưởng do mấy chữ “ngũ dục” gợi ra !!!
Vì vậy chúng ta hãy hết sức tỉnh giác và giữ tâm thanh tịnh, quán chiếu về giới thứ 5 (Không uống rượu) để tránh xa tất cả những thứ gì vật chất hay tinh thần, có thể làm chúng ta say sưa (“ghiền”) đến nỗi quên hết bổn phận, mất khả năng lý luận, phán đoán … rồi lạc mất hướng đi!
Mong lắm thay!
Trân trọng,
Nhóm Áo Lam
505 lượt xem
Tin khác
NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG GĐPTVN ĐỐI VỚI ĐẠI DỊCH COVID-19 Nhật Bảo – Nguyễn Đức Nguyên Thông ghi lại từ Pháp thoại của Hòa thượng Thích Thái Hòa đêm mùng 8…
Pháp thoại tuần lễ huân tu mùa Phật Đản phật lịch 2564 – dương lịch 2020 Mời các bạn xem lại clip hay và ý nghĩa nhân mùa Phật Đản của…
Trung Quán Luận được kiết tập trong Đại Chính tân tu Đại tạng kinh, tập 30, kinh số 1564 (T30n1564), được Cưu-ma-la-thập dịch sang Hán vào năm 409 từ nguyên văn tiếng Phạn do Bồ…
NGÀY THẾ TÔN THÀNH ĐẠO – MỘT KỶ NGUYÊN MỚI Ngày thành đạo của Đức Thế Tôn cách đây 26 thế kỷ, đã mở ra cho nhân…
BAN HƯỚNG DẪN TRUNG ƯƠNG GĐPTVN TỔ CHỨC GIẢI TRÌNH LUẬN VĂN BẬC LỰC LẦN THỨ 10 TẠI CHÙA THẬP THÁP DI ĐÀ – TỈNH BÌNH ĐỊNH Sáng ngày 16/11/2019…